Print this page
Thứ năm, 12 Tháng 10 2017 02:53

Điều trị viêm gan C

Written by
Rate this item
(0 votes)

MỘT SỐ TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN C

Viêm gan siêu vi C là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây viêm gan mạn tính chuyển biến thành xơ gan và ung thư. Tuy nhiên, ít người biết mình mắc bệnh khi ở giai đoạn sớm mà chỉ phát hiện ra khi đã muộn.

 

Tại sao chúng ta cần chú ý đến bệnh lý viêm gan C

So với một số virus viêm gan khác, virus viêm gan C (HCV: hepatitis C virus) được phát hiện khá muộn, vào năm 1989, hiện nay có khoảng 150 – 170 triệu người trên thế giới nhiễm virus viêm gan C mạn tính, hàng năm có khoảng 500.000 bệnh nhân tử vong do các bệnh liên quan đến viêm gan C. Cùng với virus viêm gan B và rượu, virus viêm gan C là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.

 

Khi bị nhiễm HCV cấp tính, tỷ lệ chuyển thành mạn tính khá cao, khoảng 55-85% và nếu không được điều trị, kiểm soát thì sau khoảng 20 năm sẽ có 15-30% số bệnh nhân nhiễm HCV mạn tính sẽ phát triển thành xơ gan. Trên nền xơ gan do HCV, hàng năm có khoảng 2-4% sẽ phát triển thành ung thư gan. Ngoài ra nhiễm HCV có thể gây nên một số bệnh lý ngoài gan, các bệnh lý này chủ yếu là hậu quả của sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với HCV.

Trên khía cạnh vaccince phòng bệnh còn gặp nhiều khó khăn, do HCV có tính đa hình thái kiểu gen rất cao (HCV có 07 kiểu gene và mỗi một loại kiểu gene lại có khá nhiều phân nhóm dưới kiểu gene), bên cạnh đó HCV không có nhóm quyết định kháng nguyên chung giống như virus viêm gan B (HBV: hepatitis B virus), do vậy hiện nay Y học chưa thể tạo ra được một loại vaccine để tiêm phòng cho tất cả các chủng HCV trên toàn thế giới.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo vaccine phòng bệnh và có tới 55-85% số bệnh nhân nhiễm HCV cấp tính sẽ chuyển thành nhiễm HCV mạn tính. Tuy vậy so với viêm gan B, chúng ta hoàn toàn có thể làm sạch được HCV ra khỏi cơ thể, và với sự tiến bộ gần đây trong việc tạo ra các thuốc mới trong điều trị viêm gan C, một số quốc gia đang phấn đấu đưa ra lộ trình tiến tới xóa bỏ được bệnh viêm gan C.

Để đạt được hiệu quả điều trị và làm giảm tỷ lệ bệnh lý viêm gan C, cần làm tốt công tác sàng lọc và quản lý người bệnh nhiễm HCV

Các đối tượng trong diện cần sàng lọc nhiễm HCV

(1). Nhân viên y tế và những người làm công tác quản lý xã hội có tiếp xúc với rác thải y tế và các đối tượng có nhiễm HCV.

(2). Người nghiện hút có sử dụng tiêm chích, kể cả sử dụng ma túy dạng hít qua đường mũi.

(3). Bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

(4). Bệnh nhân có tiền sử truyền máu và có sử dụng các chế phẩm từ máu, đặc biệt ở những người bệnh sử dụng từ thời kỳ khi xét nghiệm sàng lọc HCV với truyền máu chưa có điều kiện triển khai.

(5). Bệnh nhân ghép tạng.

(6). Trẻ em sinh ra có mẹ nhiễm HCV.

(7). Người nhiễm HIV.

(8). Người có rối loạn chức năng gan và không tìm ra nguyên nhân.

(9). Người có quan hệ tình dục không an toàn, tình dục đồng giới.

(10). Người có thói quen xăm trổ hay sử dụng chung các dụng cụ có dính máu và dịch cơ thể.

Khi muốn tư vấn và điều trị viêm gan C

Khi bạn muốn tư vấn sàng lọc và điều trị viêm gan C, bạn nên đến khám và tư vấn tại các phòng khám hay bệnh viện có chuyên khoa về Tiêu hóa – Gan mật – Viêm gan, chuyên khoa bệnh Truyền nhiễm. Hiện nay tại nhiều cơ sở Y tế trên toàn quốc ngoài những xét nghiệm đánh giá bệnh lý gan, cũng đã triển khai các xét nghiệm ở mức độ phân tử của HCV – giúp ích cho quá trình đánh giá hiệu quả điều trị chính xác.

Bạn không nên tự tham khảo và tự điều trị, vì dù hiện Y học đã đạt được nhiều tiến bộ trong điều trị viêm gan C, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong cơ chế sinh bệnh học chưa lý giải được hết do vậy vẫn còn tồn tại những khó khăn và thách thức mà Y học cần tiếp tục nghiên cứu. Tự điều trị hoặc được tư vấn điều trị không đúng sẽ làm gia tăng đột biến kháng thuốc.

Bên cạnh đó bạn cần biết viêm gan C là bệnh lý do virus gây ra – do vậy hiện nay đối với các thuốc y học cổ truyền, các thuốc này có thể làm bình ổn chức năng gan, nhưng không có bằng chứng có khả năng loại bỏ được nhiễm HCV mạn tính ra khỏi cơ thể.

                                                                           (Tổng hợp tin bài: Bác sỹ Hải Anh

                                                                              Nguồn: Internet.)

Read 10836 times
Super User

Latest from Super User

Login to post comments