Thứ sáu, 14 Tháng 8 2020 07:57

TS Nguyễn Quốc Thục Phương: Nghiên cứu từ Trung Quốc về kháng thể chống Covid-19 cho thấy 'không có gì phải sợ'!

Written by
Rate this item
(0 votes)

TS Nguyễn Quốc Thục Phương: Nghiên cứu từ Trung Quốc về kháng thể chống Covid-19 cho thấy 'không có gì phải sợ'!

TS Nguyễn Quốc Thục Phương | 14/08/2020 08:11

 

 

Bài viết dưới đây tổng hợp các quan sát mới nhất của TS Phương về thời gian tồn tại của kháng thể chống virus trong cơ thể, cùng với các nghiên cứu của các nhà khoa học khác.

LTS: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thục Phương cùng các cộng sự đã có hơn 3 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và tạo ra các dòng virus cúm nhân tạo tại Đại học Rochester, Mỹ. Trong 5 tháng gần đây, nhóm nghiên cứu đã trực tiếp nghiên cứu với virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 trong phòng thí nghiệm BSL3.

Bài viết dưới đây tổng hợp các quan sát mới nhất của TS Phương về thời gian tồn tại của kháng thể chống virus trong cơ thể, cùng với các nghiên cứu của các nhà khoa học khác.

TS Nguyễn Quốc Thục Phương cũng là người sáng lập và thực hiện dự án phi lợi nhuận mang tên "Thực phẩm cộng đồng" và là tác giả của bộ sách (gồm hai cuốn) mang tên "Nấu ăn thông minh".

Vào khoảng cuối tháng 6, quan sát từ một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng: Lượng kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu giảm nhanh sau 2-3 tháng (nghiên cứu thực hiện trên 74 người tình nguyện). Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Mỹ công bố trên MedRxiv (đang đợi chuyên gia đánh giá), cho thấy lượng kháng thể tồn tại trong máu ít nhất 3-4 tháng.

Kháng thể chống SARS-CoV-2 có giảm nhanh bất thường và đáng lo ngại?

Kháng thể chống SARS-CoV-2 chưa hẳn giảm nhanh bất thường. Cụ thể, theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ Mỹ trên 121 người mắc bệnh COVID-19 từ nhẹ đến trung bình, lượng kháng thể đáng kể vẫn được duy trì trong khoảng 3 tháng sau khi mắc bệnh (hình 1).

 

Sự thay đổi kháng thể trong máu của người mắc bệnh COVID-19 từ nhẹ đến trung bình theo thời gian. (A) Lượng kháng thể trung bình (GMT) của 121 người bệnh không giảm đáng kể sau 3 tháng kể từ lúc có triệu chứng bệnh. (B) Sự thay đổi cụ thể của các nhóm bệnh nhân được phân loại dựa theo lượng kháng thể đo sau một tháng (gồm các nhóm có lượng kháng thể 2880, 960, 320, 160 và 80 theo phương pháp pha loãng tới hạn – end-point titer). Con số càng lớn càng có nhiều kháng thể trong máu. Hình B được tác giả gộp lại từ 5 hình gốc riêng biệt cho mỗi nhóm.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả đo lượng kháng thể trong máu của bệnh nhân COVID-19, vẫn có thể nhận thấy xu hướng giảm dần theo thời gian ở một số người tình nguyện. Tình trạng kháng thể giảm đi trong máu sau vài tháng (ví dụ kết quả của các nhà khoa học Trung Quốc, và trong hai báo cáo khoa học khác sau này) thực ra là điều hoàn toàn bình thường và dự đoán được.

Trong quyển Plotkin’s Vaccines xuất bản năm 2018, các tác giả có miêu tả sự thay đổi của kháng thể trong máu sau khi cơ thể "gặp" virus lần đầu (Hình 2A). Khi gặp một virus mới, cơ thể cần 7-10 ngày để tạo ra đợt kháng thể đầu tiên chống lại virus. Lượng kháng thể này thường đạt đỉnh trong khoảng 4 tuần, sau đó được duy trì ở mức cao trong vài tháng rồi sẽ giảm đi.

Vì sao lại như vậy?

Bởi vì sau khi khỏi bệnh, cơ thể không cần tốn hao nguồn lực (các tế bào miễn dịch) và năng lượng để duy trì mức kháng thể cao trong máu nữa. Cần lưu ý rằng lượng kháng thể tuần hoàn trong máu khi khỏe mạnh (mức sàn – baseline) chủ yếu là do một nhóm tế bào B gọi là tương bào trong tủy sống tạo ra liên tục và giải phóng vào máu. Thử tưởng tượng nếu cơ thể bạn phải duy trì năng suất cao tạo ra kháng thể chống lại tất cả mọi thứ bạn từng gặp trong đời thì có lẽ nó sẽ suy kiệt sớm.

Như vậy cho đến nay, xu hướng và tốc độ thay đổi của kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu hoàn toàn phù hợp với dự đoán được nêu trong sách Plotkin’s Vaccines.

 

Sự thay đổi kháng thể trong máu sau khi cơ thể gặp virus lần đầu (A) hoặc gặp lại virus (B) – Hình được vẽ lại mô phỏng theo hình ảnh từ sách Plotkin’s Vaccines.

Cơ thể tạo ra kháng thể bền vững và hiệu quả hơn sau nhiều lần "gặp" virus

Một điều đáng mừng là dù kháng thể giảm sau vài tháng, cơ thể vẫn còn cơ chế bảo vệ khác, nếu không nói là còn quan trọng hơn kháng thể trong vài trường hợp nhất định.

Khi cơ thể nhiễm bệnh, những kháng thể đầu tiên (trong 7-10 ngày đầu) thường có hiệu quả chống lại virus không cao do chúng tạo ra bởi những tế bào lympho B chưa có kinh nghiệm (Naïve B cell), nhưng đó là những gì tốt nhất cơ thể tạm thời có lúc này để chống lại virus.

Song song với việc giải phóng nhóm kháng thể này, một nhóm tế bào lympho B khác được "huấn luyện" trong các hạch bạch huyết để nhận diện và tiêu diệt virus tốt hơn. Khi có các "chương trình huấn luyện" xảy ra, hạch bạch huyết sẽ phù lên. Đó là lý do các bác sĩ thường kiểm tra cổ, nách và các vị trí khác để kiểm tra xem hạch bạch huyết có phù không, nghĩa là cơ thể bạn có đang chống chọi với virus không. Trong nhiều trường hợp, quá trình huấn luyện này có thể kéo dài nhiều tháng (đến 6 tháng) sau khi hết bệnh.

Những tế bào B "tốt nghiệp" các chương trình huấn luyện sẽ trở thành tế bào B trí nhớ hoặc tương bào.

Trong khi tương bào có chức năng tạo ra kháng thể rồi giải phóng vào máu, tế bào B trí nhớ chỉ "nhớ" virus chứ không trực tiếp tạo ra kháng thể. Khi nào cần thiết, tế bào B sẽ được kích hoạt để chuyển thành bộ máy sản xuất kháng thể.

Tác giả bài viết cùng các cộng sự tại Đại học Rochester (New York, Mỹ) đã tìm thấy tế bào B trí nhớ có thể nhận diện virus SARS-CoV-2 trong máu những người khỏi bệnh COVID-19. Thú vị hơn, tế bào B trí nhớ được tìm thấy cả trong những người có lượng kháng thể rất thấp.

Đáng lưu ý, kháng thể do tế bào B trí nhớ hoặc tương bào (được huấn luyện) tạo ra có hiệu quả chống virus cao hơn so với nhóm kháng thể ban đầu. Chúng có khả năng nhận diện các virus tốt hơn và cũng được tạo ra với lượng lớn hơn, trong thời gian ngắn hơn (Hình 2, bên phải). Cụ thể, khi gặp lại virus, các kháng thể này có thể tăng nhanh trong vòng 7 ngày và đạt đỉnh trong khoảng 14 ngày. Ngoài ra, các kháng thể "ưu tú" này cũng được duy trì trong máu lâu hơn và không biến mất hẳn (Hình 2B).

Kết luận: Nếu bạn đã từng "gặp" virus, do bạn bệnh hoặc tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo ra tế bào B trí nhớ. Khi gặp lại virus, cơ thể sẽ phản ứng nhanh và hiệu quả hơn bằng cách tạo ra nhiều kháng thể nhận diện virus tốt hơn trong thời gian ngắn hơn.

Vì sao có người tạo ra nhiều kháng thể, người lại ít?

Phản ứng của cơ thể đối với mỗi loại virus đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ tình trạng sức khỏe, tuổi tác, bệnh nền, mức độ nghiêm trọng của bệnh… Điều này có thể lý giải cho các kết quả không thống nhất giữa những nghiên cứu trên các nhóm đối tượng khác nhau.

Giả thuyết hiện nay là những người "gặp" nhiều virus hơn thì cơ thể sẽ được "huấn luyện" nhiều hơn, trong thời gian dài hơn. Từ đó, họ có phản ứng miễn dịch mạnh hơn với virus và có khả năng tạo ra nhiều kháng thể hơn. Các kháng thể này cũng thường tồn tại lâu hơn trong máu.

Điều cần lưu ý là đến nay các nhà khoa học vẫn chưa kết luận được việc cơ thể được "huấn luyện" nhiều hay ít, kháng thể tồn tại lâu hay ngắn hạn, liệu có phụ thuộc vào mức độ biểu hiện bệnh (nặng hay nhẹ, có triệu chứng hay không có triệu chứng). Dù rằng theo các báo cáo được công bố, những người bị bệnh COVID-19 nặng và nhập viện có lượng kháng thể trung bình cao hơn những người không nhập viện. Trong nhóm những người mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình, lượng kháng thể trong máu của người có biểu hiện bệnh không khác đáng kể so với người không có biểu hiện bệnh.

Kết luận: Việc sản xuất ra kháng thể chống virus chỉ là một phần của hệ miễn dịch trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 nói riêng và những vi sinh vật gây bệnh nói chung. Ở những người đã nhiễm bệnh, lượng kháng thể trong máu giảm sau vài tháng là điều hoàn toàn bình thường, không có gì phải lo sợ.

Dù kháng thể giảm đáng kể, tế bào B trí nhớ (và tế bào T – không được đề cập trong bài viết) có thể vẫn còn tồn tại và đóng vai trò bảo vệ một phần trong lần nhiễm bệnh sau, và có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh.

Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc có kháng thể hay lượng kháng thể bao nhiêu sẽ bảo vệ hoàn toàn khỏi virus SARS-CoV-2. Khả năng cao là virus SARS-CoV-2 sẽ gây bệnh theo cách của các virus gây bệnh cảm thuộc họ Coronavirus khác, có nghĩa là người bệnh rồi vẫn có thể bệnh lại (nhưng hi vọng sẽ bệnh nhẹ hơn).

Do đó, điều quan trọng là cần thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người và tự cách ly khi có các biểu hiện bệnh.

Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khách quan, gần gũi, chính xác và đáng tin cậy về thực phẩm cho người Việt Nam, với mong muốn nâng cao hiểu biết và ý thức của mọi người về chế độ dinh dưỡng lành mạnh, góp phần bảo vệ và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức được truyền tải là nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy được tổng hợp hoặc chuyển dịch bởi các nhà khoa học và những kỹ sư đang nghiên cứu, giảng dạy và sản xuất trong ngành Công nghệ Thực phẩm và những ngành nghề liên quan trong nước và quốc tế.

Tài liệu tham khảo

Long, Q., Tang, X., Shi, Q. et al. Clinical and immunological assessment of asymptomatic SARS-CoV-2 infections. Nat Med 26, 1200–1204 (2020). https://doi.org/10.1038/s41591-020-0965-6

Ania Wajnberg, Fatima Amanat, Adolfo Firpo, Deena Altman, Mark Bailey, Mayce Mansour, Meagan McMahon, Philip Meade, Damodara Rao Mendu, Kimberly Muellers, Daniel Stadlbauer, Kimberly Stone, Shirin Strohmeier, Judith Aberg, David Reich, Florian Krammer, Carlos Cordon-Cardo, SARS-CoV-2 infection induces robust, neutralizing antibody responses that are stable for at least three months, medRxiv 2020.07.14.20151126; doi: https://doi.org/10.1101/2020.07.14.20151126

Margherita Bruni, Valentina Cecatiello, Angelica Diaz-Basabe, Georgia Lattanzi, Erika Mileti, Silvia Monzani, Laura Pirovano, Francesca Rizzelli, Clara Visintin, Giuseppina Bonizzi, Marco Giani, Marialuisa Lavitrano, Silvia Faravelli, Federico Forneris, Flavio Caprioli, Pier Giuseppe Pelicci, Gioacchino Natoli, Sebastiano Pasqualato, Marina Mapelli, Federica Facciotti. Persistence of anti-SARS-CoV-2 antibodies in non-hospitalized COVID-19 convalescent health care workers. medRxiv 2020.07.30.20164368; doi: https://doi.org/10.1101/2020.07.30.20164368

Ibarrondo FJ, Fulcher JA, Goodman-Meza D, Elliott J, Hofmann C, Hausner MA, Ferbas KG, Tobin NH, Aldrovandi GM, Yang OO. 2020. Rapid Decay of Anti–SARS-CoV-2 Antibodies in Persons with Mild Covid-19. New England Journal of Medicine doi:10.1056/NEJMc2025179.

Stanley Plotkin Walter Orenstein Paul Offit Kathryn M. Edwards. Plotkin's Vaccines, 7th edition (2018), Elsevier, 1720 trang.

Phuong Nguyen-Contant, A. Karim Embong, Preshetha Kanagaiah, Francisco A. Chaves, Hongmei Yang, Angela R. Branche, David J. Topham, Mark Y. Sangster, S protein-reactive IgG and memory B cell production after human SARS-CoV-2 infection includes broad reactivity to the S2 subunit, bioRxiv 2020.07.20.213298; doi: https://doi.org/10.1101/2020.07.20.213298

Nguồn: The-scientists.com

Nguồn tin: https://soha.vn/ts-nguyen-quoc-thuc-phuong-nghien-cuu-tu-trung-quoc-ve-khang-the-chong-covid-19-khong-co-gi-phai-so-20200812155857966.htm

Read 2552 times
Login to post comments