TIN NỔI BẬT |#ffcc00

TIN NỔI BẬT |#ffcc00 (42)

Đã có danh mục thoái vốn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

 

Theo Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), TKV sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính

Phấn đấu tổng doanh thu 853.500 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1263/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025.

Mục tiêu của Đề án là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động; phát triển phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn đến năm 2025, TKV tiếp tục tập trung kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà TKV có lợi thế về công nghệ sản xuất, kết cấu hạ tầng, bí quyết công nghệ, nhân lực và thị trường. Trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thì TKV sẽ từng bước cơ cấu lại tỷ trọng các lĩnh vực theo lộ trình phù hợp, tập trung mọi nguồn lực để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, mở rộng kinh doanh những lĩnh vực dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao.

Phấn đấu tổng doanh thu toàn Tập đoàn giai đoạn đến năm 2025 đạt 853.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn giai đoạn đến năm 2025 đạt 108.161 tỷ đồng.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp

Ngành nghề kinh doanh chính của TKV là Công nghiệp than, Công nghiệp khoáng sản - luyện kim, Công nghiệp điện, Vật liệu nổ công nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào hoàn thiện thể chế quản lý: Tiếp tục duy trì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó Công ty mẹ (TKV) thực hiện đồng thời 02 chức năng chủ yếu gồm: Chức năng trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực và chức năng đầu tư vốn vào các công ty con để các công ty này kinh doanh các ngành nghề, dự án đầu tư mà Công ty mẹ không trực tiếp thực hiện; bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính

Về xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp, trong đó, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư vào các công ty con và liên kết. Cụ thể, tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính để chỉ nắm giữ tỷ lệ cổ phần biểu quyết chi phối hoặc phủ quyết tùy theo tính chất quan trọng của từng công ty trong cơ cấu tập đoàn. Sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn để đầu tư phát triển các dự án mới theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Công ty mẹ - TKV tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phù hợp Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tập đoàn: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ mỏ, Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, Bệnh viện Than - Khoáng sản duy trì, không thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần do không thuộc danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đổi thành công ty cổ phần theo Quyết định 26/2021/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề án đặt ra các yêu cầu về thoái vốn tại các doanh nghiệp mà TKV nắm giữ cổ phần. Cụ thể, TKV sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 1 công ty; giữ từ 65% vốn trở lên tại 10 công ty; 50-65% vốn tại 9 công ty. 15 công ty còn lại tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn hoặc xuống còn 0%.

Tập đoàn tiếp tục hợp nhất các cặp công ty con (có hơn 65% vốn) bao gồm Công ty cổ phần Than Cọc Sáu và Công ty cổ phần Than Đèo Nai; Công ty cổ phần Than Núi Béo và Công ty cổ phần Than Hà Lầm.

Công ty cổ phần Cromite Cổ Định - Thanh Hóa thực hiện thoái vốn theo đề án riêng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường sắp xếp theo đề án riêng theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.

Danh mục TKV thoái vốn để nắm giữ dưới 50% hoặc không nắm giữ

Danh mục TKV thoái vốn để nắm giữ dưới 50% hoặc không nắm giữ

Lam Phong

Nguồn tin: https://baomoi.com/da-co-danh-muc-thoai-von-cua-tap-doan-cong-nghiep-than-khoang-san-viet-nam-c47392304.epi

Thứ tư, 16 Tháng 8 2023 03:55

Biến thể EG.5 lây lan mạnh ở 11 quốc gia

Written by

Biến thể EG.5 lây lan mạnh ở 11 quốc gia

Dựa trên thông tin giải trình tự được gửi tới GSAID kể từ ngày 7-8 đến nay, chủng vi rút EG.5, hay còn gọi là Eris, đang lây lan mạnh ở 11 quốc gia.

Vắc xin mới dự kiến sẽ có mặt ở Mỹ từ cuối tháng 9-2023 - Ảnh: CNBC

Vắc xin mới dự kiến sẽ có mặt ở Mỹ từ cuối tháng 9-2023 - Ảnh: CNBC

GISAID là một sáng kiến khoa học toàn cầu và là nguồn lưu trữ thông tin chính được thành lập vào năm 2008, cung cấp khả năng truy cập mở vào dữ liệu bộ gene của virus cúm và coronavirus gây ra đại dịch COVID-19.

Theo Đài CNBC, thông tin mới nhất của GISAID cho thấy phần lớn các trường hợp nhiễm EG.5 được xác định ở Trung Quốc, tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, Úc, Singapore, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), EG.5 hiện là chủng chiếm ưu thế ở Mỹ, chiếm 17,3% số ca bệnh tính đến tuần kết thúc vào ngày 5-8.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại chủng COVID EG.5, hay còn gọi là Eris, là "biến thể đáng quan tâm". Hiện tại WHO tin rằng nó gây ra mức độ rủi ro toàn cầu, tương tự như các biến thể hiện có.

 Các triệu chứng của EG.5 được báo cáo giống với các biến thể trước đây, bao gồm sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, sổ mũi, thay đổi vị giác và khứu giác.

Hiện nay, các hãng dược như Moderna, Pfizer và Novavax chuẩn bị đưa ra vắc xin COVID-19 mới vào mùa thu này nhắm vào các biến thể XBB, có nguồn gốc từ Omicron.

Novavax cho biết vắc xin của họ “tạo ra các phản ứng miễn dịch chức năng đối với các biến thể phụ XBB bao gồm XBB.1.5, XBB.1.16 và XBB.2.3".

Ông Justin Lessler, giáo sư tại khoa dịch tễ học Trường Y tế công cộng toàn cầu UNC Gillings, cho biết: “EG.5 là một phần của dòng XBB và có liên quan chặt chẽ hơn với các biến thể XBB so với các chủng vắc xin trước đó. Vì lý do này, người ta kỳ vọng các loại vắc xin được cải tiến - dự kiến ra mắt vào mùa thu này - sẽ mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn đối với chủng EG.5 so với các loại vắc xin trước đây”.

Theo Giám đốc CDC Mỹ Mandy Cohen, các loại vắc xin mới dự kiến sẽ có mặt ở Mỹ từ cuối tháng 9-2023.

Nguồn tin: https://tuoitre.vn/bien-the-eg-5-lay-lan-manh-o-11-quoc-gia-2023081518250358.htm

10 phát biểu ấn tượng của đại biểu Quốc hội ở phiên họp về COVID-19, y tế cơ sở.

(VTC News) - Phiên thảo luận của Quốc hội ngày 29/5 khép lại với nhiều ý kiến của đại biểu các địa phương tranh luận thẳng thắn, tâm huyết, nhìn thẳng vào nhiều vấn đề hạn chế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kể chuyện 4 Bộ trưởng ăn mì tôm ở sân bay thời chống COVID-19

 

Nhớ lại quãng thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, Chính phủ làm việc không quản thời gian nhằm nhanh chóng lập quỹ vaccine phòng chống COVID-19. "21h đêm, Thủ tướng điện cho tôi hỏi có thành lập được quỹ vaccine không? Tôi trả lời là thành lập được. Ngay trong đêm hôm đó, chúng tôi triệu tập cuộc họp, phân công nhiệm vụ các Vụ, Cục để triển khai quy chế, thành lập quỹ. Chúng tôi đã giao cho Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng Thông tư 41 ngay trong đêm. Và 8h hôm sau đặt trên bàn Thủ tướng cả Thông tư và Quyết định thành lập quỹ vaccine phòng chống COVID-19", Bộ trưởng Tài chính chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) thắng thắn cho rằng, sự bất hợp lý của chính sách đang bóp nghẹt sự phát triển của trạm y tế xã, phường. Có trường hợp, cùng một loại bệnh nền, nếu chữa ở trạm y tế xã chỉ được sử dụng thuốc hạ huyết áp 100 nghìn đồng, trong khi lên tỉnh, huyện lại dùng thuốc đắt tiền hơn. Hay chế độ khám bệnh nhân của các y bác sĩ ở y tế xã chỉ được 27 nghìn đồng/người bệnh mà còn bị trừ ngược trừ xuôi...

 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu, tình trạng trạm y tế xã biên chế mỗi đêm trực chỉ một người, trong khi đây là tuyến đầu cấp cứu ban đêm cho các bệnh nhân đánh nhau, tai nạn giao thông... rất phức tạp, nên các nhân viên y tế, nhất là nữ không thể trực một mình. Nhiều bác sĩ nữ đi trực phải rủ mẹ, chị em hoặc chồng, con đi theo vì sợ bệnh nhân gây khó khăn. Trong khi, tiền trực mỗi đêm chỉ 25 nghìn đồng, tiền ăn 15 nghìn đồng, chế độ rất khiêm tốn với cống sức đội ngũ này bỏ ra. Chế độ chính sách thấp rất khó thu hút, giữ chân người làm việc ở y tế cơ sở.

 

Đại biểu Trịnh Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) chia sẻ, nhiều xã phường của các thành phố, đặc biệt khu vực đô thị mật độ dân cư đông, tỷ lệ 10 bác sĩ/30.000-50.000 dân (tiêu chuẩn theo quy định là 10 bác sĩ/15.000 dân). Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng, thu nhập cán bộ y tế chỉ 5 - 7 triệu đồng tháng. 

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhắc lại những vết gợn, những bài học xương máu trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó "cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức sản xuất kit test thật đau đớn, thật đáng lên án. Sự trả giả là quá đắt, quá lớn". Hay có những trường hợp vi phạm không phải do tham lam, vụ lợi mà chỉ là làm sai quy trình để đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) băn khoăn sai khi hết dịch COVID-19, các y bác sĩ ở bệnh viện lại đối mặt với nỗi lo trả trang thiết bị y tế, oxy, thuốc men cho đơn vị doanh nghiệp từng mượn trong lúc chống dịch khẩn cấp. Hiện các đơn vị doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng các cơ sở y tế không có đủ cơ sở pháp lý để hoàn trả.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu: "Trong việc phòng chống dịch COVID-19, chúng ta thu được rất nhiều thành quả, được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, tôi - với tư cách người dân - chỉ thấy rằng chúng ta chiến thắng mà thay tướng, "trảm" tướng thì suy ra là thất bại. Nguyên hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch quá lớn". 

 

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành Luật bảo hiểm y tế để khắc phục tình trạng bác sỹ không phải là người kê toa thuốc hay quyết định điều trị cho bệnh nhân thế nào, mà lại là nhân viên bảo hiểm y tế - những người không có chuyên môn. Nhiều bác sĩ chia sẻ khi giải trình với bảo hiểm y tế thì nhận được những câu hỏi rất khó "tại sao lại kê thuốc này mà không phải một loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cấp...". Nguyên nhân do các quy định, thủ tục thanh toán y tế gây khó cho bệnh nhân và bác sĩ.

 

Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành Y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều, cần loại bỏ ngay. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác cần áp dụng luật để phán xét làm cho cái hợp pháp thực sự là hợp tình và hợp lý.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm chưa thay đổi. Hay chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm nay. Đây là nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ không mặn mà với ngành Y. Nữ đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở. 

Chuyên đề: Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV

HÀ CƯỜNG

Nguồn tin: https://vtc.vn/10-phat-bieu-an-tuong-cua-dai-bieu-quoc-hoi-o-phien-hop-ve-covid-19-y-te-co-so-ar786078.html

Những kỷ niệm sinh nhật sâu sắc trong cuộc đời Bác Hồ

 

Kể từ ngày 18/5/1946 khi các báo ở Thủ đô Hà Nội lần đầu thông tin với đồng bào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngày 19/5/1890, cứ vào dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Người những tình cảm sâu nặng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Nhưng Bác luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường dặn trước các địa phương, cơ quan không nên tổ chức linh đình... Ôn lại kỷ niệm về những ngày sinh của Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời phẩm chất cao đẹp của một con người vĩ đại!

Kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên: 19/5/1946

Ngày 19/5, nhân dân Thủ đô Hà Nội vô cùng hạnh phúc được thay mặt đồng bào cả nước đến chúc mừng sinh nhật Bác. 

Ngay từ sáng sớm, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ đã tới chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cháu nhi đồng Tháng Tám, mũ ca-lô đội lệch, súng gỗ vác trên vai, kéo sang Bắc Bộ phủ. Bác Hồ cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫy tay chào các cháu. Bác đề nghị mở cửa Bắc Bộ phủ cho các cháu vào.

 
( Bác luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho các em thiếu nhi. Ảnh tư liệu )

Trong các em thiếu nhi đến chúc mừng sinh nhật Bác hôm ấy, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.

Quà của Bác Hồ cho các cháu bé là một cây bách tán với lời gửi gắm: "Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!".

Các em thiếu nhi vui mừng hát một bài cảm ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu cây bách tán ra thì một đoàn hơn 50 anh, chị là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc mừng sinh nhật Bác. 

Trong phái đoàn có chị Nguyễn Thị Định, người sau này trở thành một nữ tướng, người đại diện cho truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam. Chị kể lại trong hồi ký rằng, Bác đã xúc động nói: "Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay nước ta đang có nhiều khó khăn". Câu tiếp theo, giọng Bác càng xúc động hơn: "Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ" .

Cũng trong buổi sáng ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người, trong đó có đại diện của Tổng hội Công chức và Hội đồng Kiến thiết quốc gia; Ban vận động Trung ương Đời sống mới. Lực lượng Thanh niên Thủ đô thì tổ chức tuần hành mừng sinh nhật Bác Hồ.

Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí, Bác nói: "… Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc… Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi" .

Kỷ niệm sinh nhật Bác ở chiến khu Việt Bắc

Ở chiến khu Việt Bắc, công việc kháng chiến bề bộn nhưng Bác luôn tạo nên một không khí bình thản, tự tại, một cuộc sống đầm ấm mang nặng tình đồng chí, nghĩa đồng bào để vượt qua thử thách, gian nan, thiếu thốn. 

Sinh nhật năm 1948 là kỷ niệm sinh nhật không bao giờ quên đối với Bác. Trước đó vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) - người phục vụ nấu ăn cho Bác cũng là người đồng chí, người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc rồi sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng - vừa mới qua đời do sốt rét ác tính. Vì vậy mà kỷ niệm sinh nhật Bác diễn ra lặng lẽ. 

Sáng sớm ngày 19/5/1948, các đồng chí phục vụ mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác. Khi nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng, Bác xúc động rơm rớm nước mắt: "Bác cảm ơn các chú. Bác đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc". Thế là lễ mừng sinh nhật của Bác Hồ năm ấy, Bác đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.

Ngày 19/5/1949, anh em cơ quan định tổ chức một bữa ăn "tươi" mừng sinh nhật Bác. Lúc này bác cháu đang ở tại một bản đồng bào Mán, thuộc tỉnh Thái Nguyên, giáp Bắc Kạn. Anh em chưa kịp nói gì thì Bác đã chủ động thân mật bảo: "Bác cảm ơn các chú, thôi để về Thủ đô tha hồ mà chúc". Rồi Bác phân công anh em, người sang bên "vô tuyến điện" để lấy tin tức, người làm nốt một số công việc ở cơ quan, người thì đi làm thêm dây câu cá để cải thiện... Bác vừa thân tình không để cho anh em chúc thọ, vừa thiết thực giao việc cho anh em làm. "Về Thủ đô tha hồ mà chúc!", câu nói giản dị, thân tình của Bác sao mà đúng tâm tình của anh em đến thế, nên đã càng thúc đẩy mọi người hăng say mọi mặt công tác để kháng chiến mau chóng thắng lợi còn về Thủ đô chúc thọ Bác Hồ!

 

( Các chiến sĩ Điện Biên mừng sinh nhật Bác (19/5/1954). Ảnh tư liệu )

Kỷ niệm sinh nhật giải phóng

Sau 9 năm gian lao kháng chiến, quân và dân ta giành được những thắng lợi to lớn, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đầu tháng 5/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra đúng dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu, là món quà vô giá và đặc biệt nhất của quân và dân ta kính dâng lên Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người.

Có lẽ đây là kỷ niệm sinh nhật vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời Bác Hồ. Hoà cùng với niềm vui chung của quân và dân ta, Bác viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, bức thư được đăng trên báo Nhân dân, số 184. 

Trong thư, Người nhắc nhở không được chủ quan, khinh địch; phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để giành thắng lợi lớn hơn nữa. Người và Chính phủ dự định tặng thưởng cho các chiến sĩ và cán bộ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Số báo trên còn đăng bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ký bút danh C.B. Bài thơ ca ngợi tinh thần dũng cảm, gan dạ vượt nhiều gian khổ, khó khăn của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng nhân dịp sinh nhật, Bác đã chiêu đãi những chiến sĩ tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáng 19/5/1954, đoàn chiến sĩ thi đua từ mặt trận Điện Biên Phủ về mừng sinh nhật Bác. Bác khen ngợi và hỏi về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người. 

Bác xúc động khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của các chiến sĩ và động viên: Đất nước rồi sẽ độc lập, chắc chắn dân sẽ đủ ăn. Bác căn dặn các chiến sĩ: Phải tranh thủ học tập thật nhiều nâng cao trình độ văn hoá. Có học mới phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng . Bác tự tay gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng De Castries. Gắn huy hiệu xong, Người đề nghị để đạo diễn Liên Xô Roman Karmen cùng chụp ảnh với các chiến sĩ. Người nói vui: "Phải cười tươi lên đấy! Ai cười to, Bác cưới cho vợ đẹp". Buổi tối, Người mở tiệc chiêu đãi các chiến sĩ đã lập công trong chiến thắng Điện Biên Phủ và các bạn Liên Xô .

 

Theo đồng chí Vũ Kỳ-Thư ký riêng của Bác: "Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến 19/5/1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc" - Ảnh tư liệu

Kỷ niệm sinh nhật, Bác viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật"

Kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 là dịp hết sức đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Dường như Người dự liệu trước được quy luật khắc nghiệt mà cuộc đời bất kỳ con người nào cũng phải trải qua nên Người bắt đầu viết "Di chúc" để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Sáng ngày 10/5/1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, vào lúc 9h sáng - giờ đẹp nhất của một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu "Tuyệt đối bí mật".

Với đức khiêm tốn cao cả, Bác không gọi là "Di chúc", "Chúc thư" hay "Di huấn"... mà Bác gọi rất giản dị là "Tài liệu", là "Thư", là "Mấy lời… tóm tắt vài việc". Bác cũng không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người sắp "đi xa", ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi trong hoàn cảnh cả nước đang đánh Mỹ, nên mở đầu bài viết, Bác ghi rõ "Nhân dịp 75 tuổi" và phía bên lề trái, Bác ghi chú thêm hàng chữ "Tuyệt đối bí mật", có nghĩa tài liệu này sẽ chỉ được công bố khi Người "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác".

Những ngày tiếp theo của tháng 5/1965 hay những ngày trung tuần tháng 5 của những năm sau cũng vậy, Bác viết, sửa chữa, bổ sung tài liệu "Tuyệt đối bí mật" ở phòng làm việc Nhà sàn.

Theo đồng chí Vũ Kỳ-thư ký riêng của Bác: "Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến 19/5/1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc" . Tại ngôi nhà sàn lộng gió thời đại, Bác ung dung, thư thái viết ra những điều Bác đã suy nghĩ, đúc kết những tư tưởng lớn lao, những suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và dựng xây lại cho đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Di chúc của Bác do đó là tài sản tinh thần vô giá Bác trao cho thế hệ chúng ta hôm nay cũng như các thế hệ mai sau.

Kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ

Sang năm 1969, sức khoẻ của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi "công tác xa" như những năm trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên trong 4 năm (1965-1969) Bác viết và sửa Di chúc muộn hơn, từ 9h30 đến 10h30 ngày 10/5/1969 (do Bác đi dự Hội nghị Trung ương ở nhà khách Hồ Tây về đến nhà sàn đã hơn 9h sáng).

Ngày hôm đó Bác đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản Tin tham khảo đặc biệt (Việt Nam Thông tấn xã phát hành) số ra thứ 7 ngày 3/5/1969. 

Bản viết này Bác viết bằng bút mực Cửu Long xanh đen, còn những chữ sửa lại, viết thêm thì Bác dùng bút mực đỏ, những chỗ gạch chân, chữ số, Bác dùng bút bi đỏ. Ngày 12/5, do buổi sáng Bác đi dự họp Bộ Chính trị nên Bác chuyển giờ viết Di chúc vào buổi chiều, từ 15h đến 16h. Những ngày này Bác chủ yếu sửa chữa đoạn mở đầu và viết thêm Di chúc năm 1968.

Chiều ngày 11/5/1969, Bác đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Cả hội trường vang dậy những tràng vỗ tay vui mừng phấn khởi được đón Bác. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt các cán bộ và chiến sĩ toàn quân mang hoa đến chúc thọ Bác. Đồng chí xúc động bày tỏ: "Thưa Bác! Nhân dịp mừng thọ Bác 79 tuổi, chúng cháu xin thay mặt cán bộ chiến sĩ toàn quân, kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu. Toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác". Đồng chí Vương Thừa Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại đồng chí .

Ngày 18/5/1969, các cán bộ trong cơ quan Phủ Chủ tịch tổ chức mừng thọ Bác. Mọi người phấn khởi thưa với Bác về những chiến công mà quân và dân miền Nam đã giành được kính dâng lên Bác nhân dịp sinh nhật. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, thay mặt các cán bộ văn phòng và những người giúp việc đứng dậy xúc động nói: "Thưa Bác, nguyện vọng tha thiết của anh em là cố gắng mọi mặt mong Bác ăn được ngon, ngủ được tốt. Kính chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi".

Chiều cùng ngày, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản, đầm ấm. Mọi người đều đứng xung quanh Bác. Đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc mừng sinh nhật Bác. Bác cười vui thân mật mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn "nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà".

Ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản nhất. Bác cố gắng và kiên trì tập ném bóng vào chiếc giỏ đựng giấy để cách xa khoảng vài mét ở dưới nhà sàn. Bác bình tĩnh chuẩn bị ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn kiên nhẫn muốn có thêm thời gian, thêm sức khoẻ để ở lại với đồng bào, đồng chí, vì sự nghiệp cách mạng chưa trọn vẹn, miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất.

9h sáng của ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Bác thay đổi ba chữ trên trang đầu: Bác thêm chữ "rất" thay chữ "như thường" trong câu "Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường" để thành "Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt"; Bác thay chữ "tuổi" bằng chữ "xuân" trong câu "Khi người ta đã ngoài 70 tuổi"  và Bác dùng từ "sẽ" thay chữ "phải" trong câu "phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác" .

10h30 Bác tiếp và mời cơm chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ Người. Và bữa cơm trưa ngày 19/5 ấy, ngày 19/5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ, đã diễn ra thật ấm cúng, thân tình: Bác ngồi ở đầu bàn, chị Quyên ngồi bên trái Bác, chị Châu ngồi bên phải Bác, cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thế là gần đủ 3 thế hệ, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Hôm ấy, Bác ăn ngon miệng, Bác vừa ăn, vừa nói chuyện rất vui.

14h, các bác sĩ đến kiểm tra sức khoẻ cho Bác. 14h30, Người lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc trâu bò. 

Đây là bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho thiếu nhi Việt Nam, trong thư có đoạn viết: "Các cháu tuy tuổi còn nhỏ cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà, của hợp tác xã". Trong ngày, Bác gửi tặng cán bộ nhân dân tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Người. Phía dưới tấm ảnh Người viết: "Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân". Người cũng gửi tặng ảnh chân dung cho cán bộ, công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng và Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người.

Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những ngày làm việc của Bác và tất cả mọi người đều không ai nghĩ rằng đó là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần cuối cùng.

                                                                                                 Nguồn: Chinhphu.vn

Thứ tư, 26 Tháng 4 2023 08:19

5 bí quyết phòng, chống COVID-19

Written by

5 bí quyết phòng, chống COVID-19

 



Hiện nay, số ca mắc COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng. Thêm nữa, các biến thể, biến thể phụ của vi-rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong khi đó miễn dịch do tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, để có kỳ nghỉ lễ an toàn chúng ta cần chủ động thực hiện 5 bí quyết phòng, chống COVID-19 sau:

1. Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch để duy trì miễn dịch

2. Đeo khẩu trang theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế

3. Thường xuyên rửa tay sạch, khử khuẩn...

4. Dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc... để tăng cường hệ miễn dịch.

5. Cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo phòng dịch.

Nghỉ lễ an toàn với “2K+vắc xin”.

 

                                                                                    Tổng hợp: Bác sỹ Hải Anh

                                                                                              Nguồn: Bộ Y tế.

21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, trong đó quy định 21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

 

 

Nguồn tin: https://soha.vn/21-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-hoat-dong-kham-benh-chua-benh-20230210064422972.htm

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ


SKĐS - Giá dịch vụ y tế sẽ được tính toán nghiên cứu, sửa đổi theo hướng tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành dịch vụ. Hiện giá dịch vụ y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành.

Thông tin trên được ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra ngày 26/10.

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ - Ảnh 1.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn chủ trì hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là cần thiết

Hiện nay, giá viện phí mới bao gồm 4 yếu tố: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Trong khi đó, nếu tính đủ 7 yếu tố viện phí sẽ gồm các chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Ông Phúc cũng cho biết thêm Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất việc sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tuy nhiên, trong năm nay chưa tăng giá viện phí. Hiện Bộ Y tế cũng đang tính toán việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có việc xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và xác đinh lại định mức này. Trên cơ sở định mức đó sẽ xây dựng yếu tố chi phí cấu thành. 

"Khi giá viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, chắc chắn sẽ tác động đến quỹ BHYT, tuy nhiên việc điều chỉnh này là cần thiết"- ông Phúc nhận định.

Ông Phúc cho biết quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia để sử dụng cho khám chữa bệnh. Quỹ BHYT càng lớn, quyền lợi của người tham gia càng được đảm bảo tốt hơn, chi trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế sẽ giảm và giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước cho khám chữa bệnh.

Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngân sách Nhà nước sẽ không chi trả trực tiếp cho các dịch vụ mà hỗ trợ thông qua việc mua BHYT, tăng mệnh giá BHYT để người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn hoặc tăng mức chi trả cho người tham gia nhằm giảm gánh nặng cho người dân.

Giải quyết việc cơ sở y tế vượt mức tổng thanh toán khám, chữa bệnh BHYT thế nào?

Liên quan đến việc thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng, việc quy định tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa thực sự phù hợp đối với những địa phương tập trung đông bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT và những cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trọng điểm. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số cơ sở y tế chi vượt trần vào năm 2021, hiện chưa thể thanh toán, quyết toán BHYT.

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ - Ảnh 2.

Giá dịch vụ y tế sẽ được tính toán nghiên cứu, sửa đổi theo hướng tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành dịch vụ. Hiện giá dịch vụ y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành.

Vì thế, đã có ý kiến này đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem nên hay không nên quy định tổng hạn mức thanh toán BHYT. Nếu không quy định hạn mức thanh toán, bệnh nhân có cơ hội được hưởng nhiều quyền lợi hơn.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc nêu rõ, phương pháp xác định tổng mức thanh toán BHYT hằng năm được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, 5, 6, Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Đây là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, chống lãng phí. Quy định về tổng mức thanh toán được xây dựng dựa theo nguyên tắc xác định tổng mức thanh toán đa tuyến tương tự các quy định trước đó, nhưng có sự điều chỉnh trên cơ sở khoa học, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng, giảm khách quan của từng cơ sở khám, chữa bệnh.

Để gỡ vướng cho tình trạng vượt tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, ngành BHXH cùng ngành Y tế tiếp tục kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm có giải pháp. 

Riêng TP. HCM - nơi gia tăng chi phí khám, chữa bệnh do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 (Theo báo cáo của BHXH TP. HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 30 cơ sở khám, chữa bệnh vượt mức tổng thanh toán theo quy định với số tiền gần 1.033 tỷ đồng), BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất đề xuất Chính phủ có chính sách đặc thù, thanh toán số vượt mức tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT (theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ) trong năm 2021 của một số cơ sở y tế tại địa phương này. 

Về việc nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tình trạng "treo" BHYT, tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc - cho hay do tại thời điểm quyết toán, các cơ sở khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, chưa thuyết minh được nguyên nhân vượt quyết toán.

Trong khi đó, khi quyết toán BHYT năm 2018 sẽ là căn cứ để làm mức chi "trần" cho năm 2019. Vì vậy, dẫn đến tình trạng tồn đọng quyết toán quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, do chính sách, liên doanh liên kết chưa rõ ràng, việc mua sắm đấu thầu thuốc, dịch vụ kỹ thuật… còn nhiều vướng mắc.

Theo ông Phúc, với chi phí BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được thanh toán, các đơn vị đã phối hợp quyết liệt xử lý. Cụ thể, đã thành lập 4 đoàn công tác làm việc với 8 cụm trên cả nước. Chi phí cần xử lý khoảng 1.700 tỉ đồng, trong đó một số đã được đưa vào quyết toán năm 2021, một phần đã được đưa vào thẩm định báo cáo hội đồng quản lý.

Thái Bình
Thứ sáu, 16 Tháng 9 2022 01:44

Sử dụng thuốc an toàn

Written by

SỬ DỤNG THUỐC AN TOÀN, KHÔNG GÂY HẠI

 

 

(Ảnh minh họa)

Ngày 17 tháng 9 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là “ Ngày An toàn người bệnh thế giới .”

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam về việc hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2022”, mỗi người trên thế giới vào một thời điểm nào đó trong đời sẽ phải dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, thuốc đôi khi gây ra tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách hoặc không được theo dõi đầy đủ.

Các hành vi sử dụng thuốc không an toàn và sự cố về sử dụng thuốc là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn hại (có thể phòng tránh được) trong việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Sự cố về sử dụng thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc. Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và các tổn hại có liên quan đến thuốc. Trong bối cảnh đó, ‘Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại” được chọn làm chủ đề, khẩu hiệu cho “ Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022.”

          Chiến dịch toàn cầu Ngày An toàn người bệnh thế giới năm nay tái khẳng định các mục tiêu của WHO: “Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại” đã được WHO phát động từ năm 2017. Chiến dịch kêu gọi các bên liên quan ưu tiên hành động sớm để ngăn ngừa các tổn hại có thể ảnh hưởng cho người bệnh do các hành vi không an toàn liên quan đến thuốc. Những hành vi này bao gồm các tình huống nguy cơ trong chăm sóc, điều trị như dùng quá nhiều loại thuốc, dùng các loại thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau. Chiến dịch sẽ tập trung đặc biệt vào tác động của đại dịch Covid-19 đối với an toàn sử dụng thuốc, liên quan đến sự gián đoạn nghiêm trọng việc cung cấp các dịch vụ y tế trong đại dịch.

         “ Ngày An toàn người bệnh thế giới ” là một trong những Ngày Sức khỏe cộng đồng toàn cầu của WHO nhằm hành động toàn cầu về an toàn người bệnh. Mục tiêu của “ Ngày An toàn người bệnh thế giới ” là nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.

Mục tiêu của “ Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022 ” là: Nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn, đồng thời ủng hộ hành động khẩn cấp để cải thiện an toàn sử dụng thuốc. Tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc. Hướng dẫn người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn. Tích cực triển khai Chiến dịch An toàn người bệnh toàn cầu của WHO: Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại./.

                                                                              Tổng hợp tin: Bác sỹ Hải Anh

                                                                               Nguồn : Internet.

Thứ hai, 12 Tháng 9 2022 09:32

Hợp tác công - tư

Written by

Hợp tác công - tư

Trên một chuyến bay gần chục năm trước, tôi vinh hạnh ngồi cạnh một lãnh đạo ngành y tế - người vừa là nhà khoa học xuất sắc, vừa là một chính trị gia và nhà quản lý mà tôi ngưỡng mộ.

Chúng tôi có hơn một giờ trò chuyện thú vị mà chủ đề chính là xã hội hóa y tế. Thời điểm đó cụm từ này được nhắc đến như một hướng đi đột phá của ngành y. Mọi địa phương đều khuyến khích sự tham gia của tất cả thành phần trong xã hội vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bộ mặt ngành y khởi sắc, trang thiết bị hiện đại có mặt ở vùng sâu, vùng xa; những cơ sở y tế tư nhân khang trang mọc lên... Cách làm này được khẳng định rộng rãi là đúng đắn, cần phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên ngay từ lúc ấy tôi đã băn khoăn, vì phát triển kiểu tự phát như vậy không sớm thì muộn, bất cập sẽ nảy sinh và hậu quả sẽ nặng nề cho hệ thống an sinh quan trọng nhất nhì của xã hội.

Khuyến khích người dân đầu tư vào y tế là chủ trương đúng đắn nhưng cần có hướng dẫn rõ ràng. Nhà nước không có nguồn lực thì tư nhân có thể làm thay, nên cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ y tế tư nhân phát triển, nhưng lại rất cần minh bạch công - tư.

Không thể xã hội hoá bằng cách cho tư nhân bỏ tiền mua máy đặt trong bệnh viện rồi khai thác chia lợi nhuận; hay xây hẳn một khu trong viện công để tư nhân vận hành như một phòng khám tự nguyện.

Lấy ví dụ đơn giản, nếu có một máy chụp cắt lớp của nhà đầu tư đặt trong bệnh viện công để thu lợi nhuận, sẽ khó đảm bảo mọi y lệnh chụp chiếu là hoàn toàn đúng chỉ định. Sự lạm dụng sẽ xảy ra, nhưng dưới hình thức được đồng thuận cao.

Phân bổ lợi nhuận trong hình thức xã hội hóa cũng là một ma trận vì không có quy định quản lý nào đề cập chi tiết vấn đề này.

Quản lý hoạt động khám chữa bệnh, cũng như tài chính của bệnh viện công, cần minh bạch nhất quán, vì chỉ để xảy ra một sự không rõ ràng, một xuất phát điểm thiếu tường minh, "con tàu" sẽ trật bánh.

Chính vì vậy trong phiên họp đại biểu quốc hội chuyên trách hôm 8/9, tôi đã đề xuất bỏ cụm từ "xã hội hóa y tế".

Theo tôi, chỉ nên quy định ba hình thức hợp tác công - tư trong y tế.

Hình thức đầu tiên là cho vay. Điều này nên được khuyến khích để các bệnh viện có thể đứng tư cách pháp nhân, vay của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế. Bệnh viện sau đó đầu tư bằng nguồn tiền vay và có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như một doanh nghiệp. Hình thức này trả lời cho những thắc mắc của nhiều người về việc không xã hội hóa lấy đâu ra nguồn lực đầu tư cho y tế vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tư nhân có lợi thế vốn để mua máy móc đặt ở bệnh viện, vậy tại sao không cấp vốn với lãi suất ưu đãi để bệnh viện mua. Nhà đầu tư đều tính toán đến phương án thu hồi vốn khi đặt máy, vậy nên, để bệnh viện vay tiền mua là hoàn toàn khả thi. Hơn nữa các tổ chức tín dụng cho vay sẽ là đơn vị giám sát không thể tốt hơn.

Thứ hai là thuê. Hình thức thuê đã có nhưng hiện chưa rõ ràng để các bệnh viện thực hiện, khiến nhiều bất cập xảy ra, chẳng hạn trong lĩnh vực xét nghiệm. Việc không có quy định rõ ràng tạo ra câu chuyện con gà - quả trứng, hậu quả là rất nhiều máy xét nghiệm hiện đại đang bị dừng hoạt động trên cả nước.

Thuê cũng có hai chiều công - tư. Chiều thứ nhất, bệnh viện công thuê phương tiện, trang thiết bị tư nhân, ví dụ các loại máy móc đắt tiền. Bệnh viện chịu trách nhiệm thuê để hoạt động hiệu quả.

Chiều thứ hai là tư nhân thuê nguồn lực, thương hiệu của bệnh viện công. Chiều này rất khó nhưng trong nên đặt ra hướng để các luật, nghị định hỗ trợ, giúp nó trở thành hiện thực.

Với hình thức cho thuê, có thể tham khảo cách vận hành của các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới như tập đoàn Accor, sở hữu các thương hiệu như Sofitel, Novotel, Movenpick.... Họ không trực tiếp xây khách sạn mà các nhà đầu tư bỏ tiền xây và thuê các thương hiệu của Accor vận hành. Đấy chính là cách hiện nay đang triển khai rất hiệu quả tại Việt Nam.

Y tế công có thương hiệu, nguồn lực chất xám lớn nhưng không đủ khả năng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và hạn chế về mặt quản trị. Chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, chất xám các bác sĩ, điều dưỡng, các nhà khoa học; phối hợp với khả năng vận hành linh hoạt của tư nhân.

Tất nhiên rất khó định giá thương hiệu bệnh viện cũng như y bác sĩ nhưng nếu không làm, ngành y sẽ mất đi một hướng hợp tác công - tư theo tôi là hiệu quả nhất.

Thứ ba là hợp tác công tư phi lợi nhuận trong lĩnh vực y tế. Đây là hướng thế giới đã triển khai từ rất lâu. Những bệnh viện lớn của Hàn Quốc hiện nay đều vận hành theo nguyên lý này. Các tập đoàn lớn như Huyndai, Samsung... đều có bệnh viện riêng và phi lợi nhuận. Việt Nam đã có bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công - tư phi lợi nhuận.

Hợp tác công - tư phi lợi nhuận là các nhà hảo tâm, tập đoàn hay các quỹ tài chính xây dựng cơ sở vật chất rồi cho bệnh viện công vận hành. Lợi nhuận (nếu có) sẽ không chia mà giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên và các bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh quá khó khăn.

Đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ có rất nhiều tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước, phục vụ người bệnh. Lợi ích thu về là danh tiếng cho tổ chức của mình cũng như những khoản đầu tư ấy sẽ được miễn thuế theo thông lệ trên thế giới.

Hợp tác luôn là bài toán khó, ngay cả giữa các cá nhân, tổ chức không sử dụng ngân sách hay tài sản nhà nước. Hợp tác công - tư trong y tế vì vậy là bài toán rất khó tìm ra lời giải đúng hoàn toàn. Tuy nhiên không thể coi xã hội hoá y tế là tư nhân bỏ tiền của thay cho nhà nước, đầu tư vào hệ thống y tế công để tất cả cùng có lợi.

Để giải tốt bài toán này, sự đóng góp của các nhà hoạch định chính sách là điều cần thiết, nhằm tạo nên sự thay đổi có tính chất sống còn của ngành y tế Việt Nam.

Nguyễn Lân Hiếu

Nguồn tin: https://vnexpress.net/hop-tac-cong-tu-4510017.html

Trang 1 của 3