Tin chuyên môn |#ffcc00

Tin chuyên môn |#ffcc00 (302)

Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận khi có quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Khi thấy những quy định về thủ tục, thời gian để được cấp phép, các hãng lớn đều "lắc đầu ngao ngán".

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua.

Ông cho biết hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, chia được nhóm chính hãng và thông thường. Các bệnh viện đã mua được thuốc tốt, hiện tượng phải mua thuốc bên ngoài giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, việc mua bán vật tư y tế vẫn đang "rất rối", khó đưa ra quyết định mua sắm để đáp ứng quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

011120230937 nguyen lan hieu.jpg
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.

Ông Hiếu dẫn chứng ở Bệnh viện Đại học Y trực thuộc Bộ Y tế nên được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, chịu trách nhiệm, không bị thiếu dụng cụ, thuốc men. Khó khăn nhất hiện nay là không mua được hàng chất lượng tốt, phát triển kỹ thuật mới.

Ông cũng nêu việc rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ chấp nhận hãng chất lượng tốt có chế độ bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.

Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

Ngoài ra, ông cũng nêu việc cấp phép nhập khẩu, cho phép sử dụng các dụng cụ y tế mới ở nước ta vẫn bế tắc. "Bản thân tôi cũng phải mang bệnh nhân ra nước ngoài để chữa vì dụng cụ nhập khẩu không dễ dàng vào Việt Nam. Các hãng lớn nhìn thấy quy định về trình tự, thủ tục, thời gian để được cấp phép đều 'lắc đầu ngao ngán'. Có công ty không định hướng phát triển, thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam", ông Hiếu trăn trở.

thuốc y tế.jpg
Danh mục thuốc BHYT ở Việt Nam cập nhật chậm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Bệnh viện cấp tỉnh đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào Sở Y tế, Tài chính, UBND, tình trạng "sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở".

"Cứ thế hết thời gian thẩm định, việc lại trở về vạch số 0, cuối cùng chúng ta không có hàng sử dụng cho người bệnh", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn nói và đề nghị cần giao trách nhiệm chính cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao bệnh viện quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người bệnh.

Không cung ứng được thuốc là lỗi của chúng ta

Trước đó, thảo luận chiều 31/10, nêu ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ thuốc, vật tư y tế trong một số thời điểm đã không được cung ứng đủ cho người dân. Việc cập nhật danh mục thuốc của Việt Nam để người bệnh kịp thời được sử dụng thành quả mới nhất của thế giới vẫn còn rất chậm so với các nước.

Nữ đại biểu dẫn chứng, Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng để cập nhật danh mục thuốc, Pháp là 15 tháng, Hàn Quốc là 18 tháng. Nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2-4 năm để một thuốc mới được cập nhật vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Như vậy là mất quyền lợi của người dân.

Ngoài ra, tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc vẫn xảy ra khiến bà Phong Lan đặt câu hỏi về trách nhiệm của BHYT trong vấn đề này. Bà khẳng định: “Đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta”.

202310312113053346 pham khanh phong lan doan dbqh tp ho chi minh.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Bà Lan đề nghị bổ sung về chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm để giải quyết một số bệnh và trường hợp đặc biệt. Đặc biệt, giải quyết nguy cơ thiếu vắc xin cho tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương.

Đồng thời, bổ sung, làm rõ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác biệt, thể hiện đúng nhất sự quan tâm tới ngành y tế, đồng nghĩa là quan tâm tới an sinh xã hội, tới sức khỏe, quyền lợi và tính mạng của bệnh nhân.

Bà cũng đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo, phát huy những kết quả đạt được và giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ: “Hiện nay, có thể thấy các khó khăn không chỉ đến từ yếu tố khách quan như thiếu tiền, thiếu nhân lực mà đôi khi do quy định, thủ tục quá phức tạp, còn 'đá' nhau, chậm sửa đổi. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế mà còn rất cần sự quan tâm của Chính phủ và sự chỉ đạo đồng bộ để tất cả các ngành cùng vào cuộc”.

Nguồn tin: https://vietnamnet.vn/pgs-ts-nguyen-lan-hieu-viec-mua-ban-vat-tu-y-te-van-dang-rat-roi-2209539.html

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết sau gần 3 năm tập trung chống dịch, Việt Nam đối mặt với vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư trầm trọng ở nhiều cơ sở.

Sáng 1/11, sau nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu quốc hội về vấn đề y tế như thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, đãi ngộ cho đội ngũ y bác sĩ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã có giải trình, làm rõ một số thắc mắc. 

Bộ trưởng Y tế cho biết sau đại dịch Covid-19, ngành y tế của Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ một số hạn chế… "Có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng lớn", Bộ trưởng mở đầu giải trình.

Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, Việt Nam đối mặt với vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

011120230945 bo truong dao hong lan.jpg
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải trình sáng nay. Ảnh: Quốc hội

Nguyên nhân khiến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh, Bộ trưởng cho biết đây không phải là hiện tượng mới mà xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch.

Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay được thực hiện ở cả ba cấp. Tại Trung ương, đấu thầu tập trung chiếm khoảng từ 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc. Địa phương và cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Bộ trưởng thừa nhận tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch.

Bộ trưởng nhận định nguyên nhân chủ quan là hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập. Việc tổ chức mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, đặc biệt là có tâm e ngại sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Làm gì để đảm bảo nguồn cung thuốc và vật tư y tế?

Về đảm bảo nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, Bộ Y tế đang tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực khoảng trên 22.000 thuốc và trên 1.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực.

Bộ đã chỉ đạo doanh nghiệp tìm nguồn thu, đặc biệt đối với thuốc hiếm. Đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị, cơ sở y tế trực thuộc bộ.

Bộ trưởng nhấn mạnh đến nay việc triển khai đồng bộ giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc trong tháng 10, có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ. Có những đơn vị trước đây khó khăn nhưng hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 35 gói thầu vật tư, hóa chất, máy móc.

Bộ Y tế cũng đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung thuốc hiếm, đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện cho thuốc hiếm.

Về tình trạng thiếu máu tại Cần Thơ và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, bà Lan cho biết Bộ Y tế đã có chỉ đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trung tâm Máu quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm truyền máu khác đảm bảo hỗ trợ.

Theo báo cáo của Bệnh viện Huyết học truyền máu TP Cần Thơ đã cung cấp được cho 74 bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần 65.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, đến 30/10, Cần Thơ tiếp tục báo cáo tình trạng thiếu máu, với nguyên nhân do khó khăn đấu thầu tại địa phương.

Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế cam kết sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này. Tuy nhiên, để khắc phục, Bộ đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, Sở Y tế thực hiện việc mua sắm đấu thầu đúng quy định.

"Rõ ràng, cùng một chính sách có nơi làm tốt có nơi còn vướng mắc. Rất mong các địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm chủ động, từ việc xây dựng kế hoạch, nhân lực, thực hiện các vấn đề phối hợp đảm bảo nhịp nhàng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), từ năm 2014 đến nay, Bộ trưởng cho biết không phải cứ thuốc mới nào được phát minh đều được nghiễm nhiên đưa vào danh mục thuốc BHYT. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức đóng BHYT với hơn 1.000 hoạt chất. 

Nguồn tin: https://vietnamnet.vn/bo-truong-y-te-thieu-thuoc-vat-tu-o-vien-cong-xuat-hien-nhieu-hon-sau-dai-dich-2209638.html

Thứ ba, 31 Tháng 10 2023 11:30

Một giường ba bệnh nhân

Written by

Nhiều năm nay chúng ta loay hoay với tình trạng quá tải bệnh viện ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, cảnh 2, 3 bệnh nhân và thậm chí nhiều hơn nằm chung giường đã trở thành quen thuộc. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, một trong số đó nằm ở năng lực của y tế cơ sở và thói quen của người dân, cứ có bệnh là đi thẳng ra thành phố chữa trị.

Hệ thống y tế của Việt Nam chia làm 3 tuyến: Trung ương, tỉnh và cơ sở. Tuyến cơ sở gồm y tế từ huyện trở xuống, như bệnh viện huyện, trung tâm y tế dự phòng huyện, các trạm y tế xã... Phải nói rõ như vậy vì nhiều người vẫn hiểu nhầm, cứ nghĩ y tế cũng phân cấp giống như hệ thống hành chính có 4 cấp, Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Tầm quan trọng của y tế cơ sở (YTCS) với chăm sóc sức khỏe toàn dân chúng ta đã nói đến từ lâu. Ai cũng công nhận rằng YTCS rất quan trọng vì gần dân, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng phục vụ. Hơn nữa, YTCS còn gắn với y tế dự phòng, có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống y tế.

Một giường ba bệnh nhân và chuyện y tế cơ sở - 1

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân ở một đơn vị y tế cơ sở tỉnh Đắk Lắk, tháng 12/2018 (Ảnh: H.Hải)

Dường như cứ nghĩ YTCS là y tế xã, cho nên một thời gian dài trước đây mô hình y tế của huyện không được chú trọng, bệnh viện huyện và mấy trung tâm y tế huyện hết tách ra rồi nhập vào. Đến năm 1998, chúng ta hợp nhất tất cả các tổ chức y tế trên địa bàn huyện như bệnh viện huyện, y tế dự phòng, trung tâm chăm sóc bà mẹ, trẻ em… thành trung tâm y tế huyện.

Sau một thời gian thấy khó quản lý nên đến năm 2005 lại tách ra thành 3 bộ phận: Phòng y tế thuộc ủy ban huyện, quản lý các trạm y tế xã; bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng thì thuộc Sở y tế. Tách ra một thời gian vẫn thấy không ổn, chồng chéo hoạt động, nên đến năm 2016 lại quy định sáp nhập tất cả thành một trung tâm y tế huyện như năm 1998.

Qua nhiều giai đoạn, dù còn rất khó khăn và không ổn định về tổ chức, nhưng phải công nhận hệ thống YTCS đến nay đã đạt được nhiều thành tích vững chắc. Các dịch bệnh lưu hành trước kia như lao, tả, lỵ, mắt hột, bại liệt, viêm não đã được loại bỏ. Các đợt dịch theo mùa bị khống chế. YTCS cũng góp phần rất lớn trong phòng, chống đại dịch Covid 19. Có thể nói YTCS đã góp phần vào kết quả chung là làm cho tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,4 tuổi, ngang mức trung bình của thế giới.

Nhưng tất cả những kết quả đã đạt được vẫn còn dưới mức mong đợi của xã hội. Người dân còn kỳ vọng cao hơn nữa vào YTCS. Để đáp ứng điều này, ai cũng thấy là cần đầu tư mạnh hơn, nhưng phải có chính sách "đúng và trúng" kèm theo hành động thực tế.

Giai đoạn gần đây Bộ Y tế có chương trình 10 năm (2011 - 2020) củng cố y tế tuyến cơ sở với bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đến năm 2020 tổng kết chương trình, số xã trên toàn quốc đạt điểm chuẩn hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia là 94%. Như vậy phải nói là chương trình trên đã hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên nhiệm vụ của ngành y vẫn còn rất nặng nề, vì thực ra bộ tiêu chí quốc gia dành cho y tế xã vẫn còn rất thấp so với đòi hỏi chăm sóc sức khỏe của người dân hiện nay.

Điểm qua một số tiêu chí chính của trạm y tế xã như: Nhân lực từ 5 đến 10 người; có bác sĩ làm việc tại xã 3 ngày/tuần; có máy điện tim, máy siêu âm đen trắng, máy thử đường máu… thì ta thấy công việc của trạm y tế xã vẫn chủ yếu là thực hiện các "phong trào" như cũ, có thể về nề nếp hành chính sẽ chuẩn chỉ hơn song thực chất việc điều trị không cải thiện là bao. Nhiệm vụ của nhân viên trạm y tế xã vẫn suốt ngày bị cuốn vào các "phong trào" bất tận. Còn người dân hầu như khi có bệnh là tự đi thẳng lên huyện hoặc tỉnh, nhất là từ khi bảo hiểm y tế thông tuyến đến tận tỉnh.

Về mặt chính sách thì YTCS và y tế dự phòng luôn được đề cao song trên thực tế không được như vậy. Không khó để chúng ta nhìn thấy nguồn lực y tế vẫn dành phần lớn cho điều trị và cũng chủ yếu tập trung cho tuyến Trung ương.

Tại sao như vậy? Chung quy vẫn chỉ tại nguồn lực còn hạn chế, hay nói nôm na là tại cái nghèo. Nguồn lực hạn chế nên chúng ta luôn loay hoay giữa các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, giữa tính thành tích và tính bền vững, giữa tư duy nhiệm kỳ và tư duy cho hàng chục năm.

Với một nguồn lực ít ỏi trong tay, thì rất tự nhiên, người làm công tác y tế muốn chi tiêu ngay cho công việc trước mắt là điều trị, kết quả thấy ngay. Còn nếu tiêu cho y tế dự phòng, kết quả sẽ đến rất chậm và cũng không rõ ràng. Cũng tương tự như vậy, nếu tập trung đầu tư cho vài bệnh viện lớn ở Trung ương thì hình ảnh sẽ thấy rõ, còn cũng từng ấy tiền mà dàn trải cho 10.000 xã trong toàn quốc thì mỗi xã một ít, phải nói là như muối bỏ bể, không nhìn thấy đâu cả.

Điều đáng mừng là gần đây Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của YTCS trong tình hình mới.

Là người đã trải hơn 40 năm trong ngành y, đã chứng kiến và tham gia rất nhiều phong trào của ngành y, từ phong trào 5 dứt điểm của YTCS của những năm 1980 đến nhiều phong trào khác sau này, tôi xin đóng góp 3 điểm sau:

Thứ nhất, xác định chính xác được địa bàn đầu tư: YTCS bao gồm cả y tế huyện và y tế xã. Vậy nên đầu tư cho y tế nào. Nhiều phong trào trước đây xác định YTCS tức là xã và tập trung đầu tư cho trạm y tế xã. Kết quả là nguồn lực dàn trải, tác động không rõ ràng. Vì vậy, cùng với việc phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 25, cụ thể như đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn…, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm trước đây để tập trung đầu tư cho y tế huyện (cấp huyện có 700 địa chỉ đầu tư, còn cấp xã là 10.000). Các bệnh viện huyện với đầy đủ các phương tiện, khoảng cách đến người dân dưới 20km, sẽ là nơi gần dân nhất, giúp ích thiết thực cho dân nhất.

Thứ hai, xác định nguồn lực từ đâu. Trong quá trình triển khai Chỉ thị 25, các cấp chính quyền sẽ bố trí nguồn tài chính dành cho YTCS. Nhưng một vấn đề chúng ta cần chú ý là tình trạng tài chính của YTCS hiện nay dựa chủ yếu vào bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi đó cơ cấu chi trả của BHYT vẫn "ưu ái" cho bệnh viện tuyến trên. YTCS bị khống chế cả về dịch vụ kỹ thuật lẫn trần thanh toán. Nên để có tài chính cho YTCS thì phải thật mạnh mẽ thay đổi cách chi trả của BHYT bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp từ ngân sách.

Thứ ba, xác định cụ thể lời giải cho bài toán nhân lực y tế. Để có được bác sĩ giỏi ở huyện mà dùng biện pháp hành chính như phân công, luân chuyển bác sĩ theo nghĩa vụ hoặc đào tạo cử tuyển người của địa phương đã thực hiện suốt thời gian dài trước kia, thì kết quả là có song khá hạn chế.

Chúng ta phải xác định cụ thể phụ cấp lương là bao nhiêu, dứt khoát lương bác sĩ về huyện phải cao hơn nhiều lần lương bác sĩ ở lại thành phố lớn thì mới đủ hấp dẫn. Tiếp theo, con đường nâng cao chuyên môn các bác sĩ ở tuyến YTCS cụ thể như thế nào? Một lộ trình học tập rõ ràng như sau bao nhiêu năm thì được đi học, khi đi học được hỗ trợ cụ thể bao nhiêu. Nếu có một mức lương đủ hấp dẫn, cũng như một lộ trình thăng tiến rõ ràng, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhân lực trình độ cao cho YTCS.

Chủ trương, chính sách đi vào đời sống không chỉ cần có nguồn lực mà cần quyết tâm hành động và cần cả rút kinh nghiệm từ những bài học của quá khứ. Mong rằng những năm tới đây chất lượng YTCS sẽ dần được cải thiện, theo đó bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương sẽ được giảm tải, không còn cảnh nhiều bệnh nhân chen chúc trên một giường.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn tin: https://dantri.com.vn/tam-diem/mot-giuong-ba-benh-nhan-va-chuyen-y-te-co-so-20231030074806939.htm

Chính thức Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B

 

Bộ Y tế quyết định từ ngày 20/10/2023, Covid-19 chính thức không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B.

Theo Quyết định 3896/QĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành ngày 19/10, điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Quyết định 3896/QĐ-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/ 2023.

 

Covid-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B

Theo đó, các hoạt động phòng, chống Covid-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Bộ Y tế yêu cầu các Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Cũng trong ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã gửi Tờ trình số 1359/TTtr-BYT đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành Nghị quyết của Chính phủ bải bỏ một số Nghị quyết phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 1 năm 2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Như vậy, từ ngày 20/10/2023, bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày; Thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 1 năm 2016 đối với bệnh Covid-19 là 8 ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.624.065 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.470 ca nhiễm).

Tiệp Phạm

Nguồn tin: https://baomoi.com/chinh-thuc-covid-19-chuyen-sang-benh-truyen-nhiem-nhom-b-c47278101.epi

Chấm dứt "loạn" giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Hơn 1.900 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa các bệnh viện công được thu là 500.000 đồng

 
 

Thông tư 13 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8.

Thống nhất giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Đây cũng là lần đầu tiên một văn bản quy phạm pháp luật riêng về khám chữa bệnh theo yêu cầu được Bộ Y tế ban hành với 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. 

Theo đó, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy; hạng 1 như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Từ Dũ (TP HCM)... tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác, giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Nhiều năm qua, các cơ sở y tế công lập đã thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức giá được phê duyệt bởi Bộ Y tế hoặc UBND các địa phương. Tại các bệnh viện lớn, mức giá khám bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nhiều bậc chênh lệch rất khác nhau, có nơi thu 150.000 đồng nhưng có nơi thu từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng cho một lần khám là giáo sư, tiến sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa. Theo khung giá này, mức giá tối thiểu của các dịch vụ kỹ thuật trong danh mục khám chữa bệnh theo yêu cầu tương đương hoặc cao hơn vài trăm ngàn so với khung giá khám chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành năm 2019.

Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thông tin để cho ra đời thông tư này, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát tại gần 100 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đến tuyến trung ương có cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Từ đó, ban soạn thảo đã có những bằng chứng thực tiễn trong xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu phản ánh đúng thực tiễn của hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay. 

Ông Dương Đức Thiện cũng cho biết trước đây, các cơ sở khám chữa bệnh đang triển khai cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, việc Bộ Y tế ban hành thông tư này đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở y tế tham chiếu xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp với điều kiện thực tế của chính cơ sở và đúng theo các quy định của pháp luật.

Chấm dứt loạn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu - Ảnh 2.

Người dân khám chữa bệnh tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGỌC DUNG

Tăng cường nhân lực, máy móc

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu áp dụng giá khám chữa bệnh theo khung giá mới với một số dịch vụ kỹ thuật, trong đó có giá khám bệnh. Thông tư 13 rất mở vì không quy định, cố định giá mà có từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh mà xây dựng giá phù hợp.

Chủ trương của Bệnh viện Bạch Mai không áp dụng đồng loạt giá cao, mà theo các mức để người dân có quyền lựa chọn. "Cùng với làm tốt khám chữa bệnh thông thường, khi các bệnh viện công thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu tốt, một bộ phận người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước" - PGS Đào Xuân Cơ nói. 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đào Hùng Hạnh, Trưởng Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai, nói thêm từ ngày 15-8, bệnh viện chính thức áp dụng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu mới với 3 mức giá để người dân lựa chọn.

Cụ thể, giá khám với giáo sư, phó giáo sư là 400.000 đồng/lượt; giá khám với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng/lượt và giá khám với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 300.000 đồng/lượt. Sau khi điều chỉnh giá, bệnh viện cũng đã bổ sung nhân lực, máy móc chụp chiếu để bảo đảm cho người bệnh lựa chọn dịch vụ theo yêu cầu được khám chữa bệnh nhanh, thuận lợi, hiệu quả cao nhất và hoàn tất việc khám bệnh trong ngày.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện thực hiện thời gian qua đều dưới mức tối đa theo quy định nên đến thời điểm này, bệnh viện chưa có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Hiện bệnh viện vẫn áp dụng giá khám từ 100.000 - 500.000 đồng/lượt, với thời gian trong và ngoài giờ hành chính.

Lãnh đạo một số bệnh viện cũng khẳng định Thông tư 13 tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo cơ hội cho bệnh viện có nguồn lực tài chính, điều này giúp bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi. Cùng với đó sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường.

Đồng quan điểm, ThS-BS chuyên khoa II Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), khẳng định quy định về khung giá hiện hành rất cụ thể để các đơn vị có cơ sở cơ cấu giá và triển khai thực hiện. Người bệnh không bị ảnh hưởng, có thêm cơ hội để lựa chọn, được hưởng những chất lượng dịch vụ tùy theo nhu cầu. Đây là cơ sở để các bệnh viện xây dựng cơ cấu giá cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn của đơn vị mình. Đối với Bệnh viện Nhân Dân 115, quy định mới này rất thuận lợi.

Ngành y tế Việt Nam nói chung hiện đáp ứng được các chuyên môn ngang tầm với khu vực. Các đơn vị có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, chuyên môn để đáp ứng người bệnh. Quy định khung giá mới này giúp người bệnh có nhiều sự lựa chọn khám chữa bệnh tại các đơn vị trong nước mà không phải đi nước ngoài. 

Quy định này giờ là mới song sau nhiều năm sẽ thấy có tác động rất lớn, rất rõ. Lượng người bệnh đi nước ngoài sẽ được giảm rõ. Hiện nay, Bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân khám theo yêu cầu. Giá giường cũng có nhiều loại.

Với giá giường theo quy định mới cao nhất là 4 triệu đồng/người/phòng, các bệnh viện tùy năng lực sẽ nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, xây dựng các dịch vụ đi kèm để đáp ứng. 

Đà Nẵng: Nhiều bệnh viện áp khung giá cũ

BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, khẳng định bệnh viện chưa xây dựng được khung giá mới do còn nhiều vướng mắc và phức tạp nên vẫn đang áp dụng khung giá cũ. Việc xây dựng khung giá tùy thuộc vào mỗi đơn vị. Ngoài ra, việc áp dụng khung giá mới cho dịch vụ theo yêu cầu chỉ là một phần trong hoạt động khám chữa bệnh và giá này không nằm trong khung của BHYT.

Trong khi đó, BS Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi TP Đà Nẵng, cho biết hiện các khoa phòng của đơn vị đang xây dựng giá.

B.Vân

Bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân BHYT

Theo Thông tư 13, các bệnh viện chỉ được phép cho các chuyên gia y tế, bác sĩ giỏi dành 30% thời lượng làm việc để khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn về cơ bản phải phục vụ khám chữa bệnh cho tất cả người dân. Cùng với đó, tỉ lệ giường dịch vụ cũng chỉ được phép dưới 20% để tránh thiệt cho người bệnh tham gia BHYT.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ bệnh nhân lựa chọn khám theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh, ở tuyến huyện hầu như không có. Bảng giá dịch vụ chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh
Thứ năm, 10 Tháng 8 2023 07:10

Mất thính lực vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Written by

Mất thính lực vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn

 

Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai.

Bệnh nhân nam tên V.T, khoảng 50 tuổi, vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc chậm, đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, giảm thính lực đột ngột, điếc hoàn toàn.

Qua khai thác yếu tố dịch tễ được biết bệnh nhân là thợ xây, 2 ngày trước khởi phát bệnh, bệnh nhân có ăn lòng lợn tiết canh. Sau khi kết hợp thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán: viêm màng não do Streptococcus suis biến chứng điếc 2 tai.

Sau một thời gian tích cực điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên thính lực cần thời gian lâu hơn để hồi phục.

Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) cho biết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn là bệnh rất nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng nề, trong đó mất thính lực là một biến chứng thường gặp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Người dân nên lưu ý về triệu chứng của bệnh. Bệnh viêm màng não thường có các triệu chứng sau: Sốt cao kèm rét run; đau đầu, chóng mặt; buồn nôn và nôn; đau mỏi cơ.

Các dấu hiệu màng não: co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê, run đầu chi. Điển hình là mất thính lực. Ngoài ra, người bệnh có thể có phát ban ngoài da: chấm xuất huyết, ban xuất huyết; hoại tử ngón tay và ngón chân.

Nguyễn Đăng Mạnh khuyến cáo, đối với bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn bên cạnh việc phát hiện, điều trị bệnh thì việc phòng ngừa bệnh cũng vô cùng quan trọng.

Streptoccus suis (liên cầu lợn) có khả năng lây truyền từ lợn sang người, có thể tìm thấy ở gia súc, chó, mèo, chim,... Do đó, mọi người cần phòng chống dịch bệnh trên lợn, tiêm phòng cho lợn đúng quy trình. Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc.

Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Không giết mổ, ăn thịt lợn bị ốm, không rõ nguồn gốc.

Ăn chín uống sôi, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nem chua trong thời gian có dịch.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Phải bảo quản các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Đây là căn bệnh để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong, nếu gặp một trong các triệu chứng trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chữa bệnh kịp thời.

                                                                          

Nguồn tin từ:Website: http://WWW.nhandan.com.vn

Sưu tầm: BS. Trương Thị Biên

Bộ Y tế đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt

5 bệnh viện hạng đặc biệt được Bộ Y tế đề xuất sẽ nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế gồm: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất đầu tư, nâng cấp các bệnh viện tuyến Trung ương để đảm nhận vai trò bệnh viện tuyến cuối cấp quốc gia trên cơ sở rà soát lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế hiện nay.

Bên cạnh đó, nâng cấp một số bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt (đa khoa, chuyên khoa) ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, để đảm nhận vai trò của bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như Singapore, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản.

Điều này sẽ giúp giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Hiện nay, nhiều kỹ thuật y tế cao, sâu được bác sĩ Việt Nam làm chủ được, như thụ tinh trong ống nghiệm, tim mạch, ghép tạng..., thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, giữ chân người Việt ở lại trong nước chữa bệnh.

Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa; bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng trung du và miền núi phía bắc (có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương) và vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (có mật độ dân số cao); 20 bệnh viện chuyên khoa.

Dự báo của Bộ Y tế cho thấy, nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92.500 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.

Đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với hơn 1.000 giường bệnh, suất vốn đầu tư sẽ là hơn 4,42 tỷ đồng cho một giường bệnh; trong đó, chi phí xây dựng là gần 2,2 tỷ đồng, còn chi phí thiết bị là hơn 2 tỷ đồng.

 

Nguồn tin từ:Website: http://WWW.nhandan.com.vn

Sưu tầm: BS. Trương Thị Biên

Điều kiện được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh từ 1-7-2023Báo Người Lao Động

Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP.Do đó, quyền lợi hưởng BHYT cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.

Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh mà chi phí khám chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì được BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Do đó, quyền lợi hưởng BHYT cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.

Nếu tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng thì chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng) thì người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí.

Khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, mức chi phí cho 01 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng.

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 270.000 đồng thì không phải thực hiện cùng chi trả.

Như vậy, mức chi phí khám chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100% này tăng thêm 46.500 đồng từ ngày 1-7-2023.

5 nhóm đối tượng được BHYT chi trả 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến

Nhóm 1: Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Cựu chiến binh; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng...

Nhóm 2: Các đối tượng sau được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 - khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên; Trẻ em dưới 6 tuổi.

Nhóm 3: Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại tuyến xã.

Nhóm 4Chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

Nhóm 5: Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám chữa bệnh BHYT gồm:

- Khám, chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu;

- Khám, chữa bệnh tại nơi được thông tuyến;

- Khám, chữa bệnh có giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu;

- Trường hợp cấp cứu;

- Khám, chữa bệnh trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu

An Khánh ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Nguồn tin: https://baomoi.com/dieu-kien-duoc-bhyt-chi-tra-100-chi-phi-kham-chua-benh-tu-1-7-2023/c/46232785.epi