Tin chuyên môn |#ffcc00

Tin chuyên môn |#ffcc00 (302)

F0 nào được sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir?

(VTC News) - 

Bác sĩ lưu ý nhóm người có thể sử dụng Molnupiravir - loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị COVID-19.

Molnupiravir là một loại thuốc hoạt động bằng cách đưa các đột biến vào mã di truyền của virus SARS-CoV-2, ngăn chặn sự tái tạo của virus, qua đó đạt hiệu quả trong việc điều trị bệnh COVID-19. 

Ngày 17/2 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, gồm: Thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.

Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị COVID-19. Vì đây là một loại thuốc mới nên có rất ít dữ liệu về độ an toàn. WHO khuyến nghị giám sát tích cực về tính an toàn của thuốc.

Theo Bộ Y tế, Molnupiravir được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc.

F0 nào được sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir? - 1

Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị COVID-19. (Ảnh minh họa)

Vậy những ai được dùng kháng virus Molnupiravir? 

Theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành (>18 tuổi) dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Bệnh nhân mức độ nhẹ là F0 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời. Bên cạnh đó, người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.

Bệnh nhân mức độ trung bình có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. F0 có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang). Mạch của người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, ý thức tỉnh táo.

Yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng gồm: tuổi cao, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh mạn tính khác , rối loạn lipid máu, thuốc lá, béo phì, suy giảm miễn dịch (ung thư, HIV,…).

Nguồn tin: https://vtc.vn/f0-nao-duoc-su-dung-thuoc-khang-virus-molnupiravir-ar665199.html

F0 test nhanh: Vì sao người 3 ngày âm tính, người 15 ngày vẫn dương tính?

(VTC News) - 

Nhiều người băn khoăn tại sao cùng mắc COVID-19 một thời điểm nhưng có người chỉ vài ngày là âm tính, người 15 ngày, thậm chí lâu hơn vẫn dương tính.

Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, thời gian dương tính dài hay ngắn là do cơ địa mỗi người. Vì vậy mới xảy ra hiện tượng người vài ba ngày đã âm tính nhưng người 2 tuần thậm chí cả tháng vẫn dương tính.

Thông thường, người mắc COVID-19 sẽ âm tính trong khoảng 1-2 tuần từ khi nhiễm bệnh. Nhưng nếu thời gian dương tính kéo dài, trong khi cơ thể không có dấu hiệu trở nặng thì cũng không nên quá lo lắng mà cần tiếp tục theo dõi sức khỏe.

BS Khanh khuyến cáo, do xuất phát từ cơ địa nên không có cách nào khác để mau âm tính hơn mà chỉ có thể chờ đợi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh dù âm tính sau vài ngày vẫn nguy cơ trở nặng. Vì thế xét nghiệm âm hay dương tính thì bệnh nhân vẫn cần tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

F0 test nhanh: Vì sao người 3 ngày âm tính, người 15 ngày vẫn dương tính? - 1

Chuyên gia cho rằng, bệnh nhân COVID-19 có thời gian dương tính dài hay ngắn là do cơ địa. (Ảnh: CDC Đồng Nai)

Theo các chuyên gia, người dương tính kéo dài có thể do sức đề kháng yếu và quá trình điều trị không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh mũi họng hay bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, khả năng đào thải virus của mỗi người cũng khác nhau nên có hiện tượng hai người cùng mắc bệnh một thời điểm nhưng có người âm tính trước có người sau.

Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ dương tính kéo dài, người bệnh COVID-19 cần chú ý chế độ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, trái cây và tập luyện nhẹ nhàng để nâng cao thể trạng.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần giữ gìn vệ sinh thật tốt, thường xuyên sát khuẩn mũi, họng, tay và các vật dụng. Bệnh nhân cần tuyệt đối không sử dụng bia, rượu hay các chất kích thích trong quá trình điều trị.

Nguồn tin: https://vtc.vn/f0-test-nhanh-vi-sao-nguoi-3-ngay-am-tinh-nguoi-15-ngay-van-duong-tinh-ar665224.html

Thứ năm, 10 Tháng 3 2022 08:20

Có cần đi khám hậu Covid không

Written by

Lần đầu tiên định nghĩa chính thức về hậu COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố vào đầu tháng 10/2021.

Hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

ĐỌC BÀI CHI TIẾT TẠI LINK SAU:

Nguồn tin: https://suckhoedoisong.vn/co-can-di-kham-hau-covid-19-khong-169220308145919083.htm

Thứ tư, 09 Tháng 3 2022 09:53

Rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid

Written by

Rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid

Sau khi khỏi Covid, bạn có cảm giác bồn chồn, lo lắng, giảm trí nhớ, chân tay lạnh, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở... có thể là triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật.

Cơ thể có hai hệ thần kinh là chủ động (động vật) và thụ động (thực vật). Trong khi hệ thần kinh động vật quyết định các hoạt động có ý thức, trong khi hệ thần kinh thực vật liên quan sự co bóp của tim, phổi, tuyến mồ hôi... ngay cả khi cơ thể đang ngủ, say hay bất tỉnh. Rối loạn thần kinh thực vật (autonomic nervous system disorders) ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa... Đây là bệnh ngày càng phổ biến, tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới sinh hoạt.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật xuất hiện ngay trong quá trình người bệnh đang điều trị Covid-19. Tình trạng này có thể kéo dài và diễn tiến phức tạp trong vài tuần, thậm chí cả tháng sau khi F0 âm tính.

Rối loạn thần kinh thực vật có nhiều nhóm triệu chứng. Đầu tiên, bệnh nhân có cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ. Tình trạng này khá thường thấy khi mắc Covid-19 và một số tình huống "dễ xúc động không đáng có" sau khi âm tính.

Thứ hai, người khỏi Covid-19 cũng dễ gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, đi lại bồng bềnh, không tự tin, đặc biệt là giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém. Nhóm thứ ba, người bệnh dễ mệt mỏi, mất sức, chân tay yếu khi làm việc, vận động. Nhiều trường hợp có cảm giác bủn rủn chân tay và hết sau một thời gian ngắn. Nhóm triệu chứng thứ tư là chân, tay lạnh nhưng đổ mồ hôi trộm. Nhiều trường hợp đêm ngủ ướt hết phần lưng và ngực.

Một số người cũng có triệu chứng hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, thổn thức, kèm theo đó là tình trạng nghẹn, khó thở. Bác sĩ cho rằng đây là các vấn đề liên quan rối loạn co bóp của tim và phế quản.

Hậu Covid-19, bệnh nhân có thể bị trào ngược dạ dày thực quản, nhất là với người đã mắc bệnh này từ trước. Phụ nữ còn bị rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu đi do thiếu hoặc rối loạn hormone. Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, ngắn hoặc thậm chí mất kinh trong vài tháng.  

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 tại Trung tâm hồi sức Covid-19 ở Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, ngày 13/9. Ảnh: Quỳnh Trần

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 tại Trung tâm hồi sức Covid-19 ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ngày 13/9. Ảnh: Quỳnh Trần

Bác sĩ cho rằng hai biến chứng Covid-19 thường gặp là phản ứng viêm và đông máu khi lan từ phổi ra khắp cơ thể, dẫn tới rối loạn hệ thần kinh thực vật. Ngoài ra, Covid-19 không chỉ tấn công vào phổi mà còn tác động tới hệ thần kinh, dây thần kinh dẫn truyền, tổn thương và gây viêm.

Điều trị rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19 bằng cách cố gắng vận động nhẹ nhàng, thường xuyên và vừa sức, điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn nhiều hoa quả, cá, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa... Bổ sung vitamin, omega 3, kẽm, vitamin D, khoáng chất hoặc một số sản phẩm giúp giảm căng thẳng như an thần với thành phần thảo dược, tăng cường tuần hoàn não.

Một phương pháp có thể ứng dụng để điều trị tình trạng này là thở oxy cao áp. Bệnh nhân được đưa vào một buồng oxy tinh khiết với áp suất cao hơn khoảng 1,5-2 lần thông thường, giúp oxy được phân phối tới các mô, cơ quan tốt hơn.

Liệu pháp tâm lý cũng là cách điều trị rối loạn thần kinh thực vật. Các hoạt động mang tới cảm giác dễ chịu như vẽ tranh, nghe nhạc, làm vườn, nấu ăn... Bác sĩ nhận định, nếu điều trị tốt, các triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật sẽ ổn sau khoảng 3-4 tuần.

Nguồn tin: https://vnexpress.net/roi-loan-than-kinh-thuc-vat-hau-covid-4436309.html

 

Bệnh đặc hữu là gì? Coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, quyền lợi của F0 thế nào?

(Dân trí) - Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế có biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Vậy bệnh đặc hữu là gì? Tiêu chí để đánh giá bệnh đặc hữu ra sao?

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh lưu hành, tiếng Anh là "endemic diseases", hay một số chuyên gia còn gọi là "bệnh đặc hữu" - là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Một số tiêu chí cụ thể để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu

 - Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh.

- Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh.

- Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định.

- Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục xuất hiện các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao.

Bệnh đặc hữu là gì? Coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, quyền lợi của F0 thế nào? - 1

Nếu coi Covid-19 là bệnh đặc hữu thì những người nhiễm Covid-19 (F0) sẽ không phải cách ly, thậm chí vẫn đi làm việc như những bệnh thông thường trong trường hợp sức khỏe đảm bảo (Ảnh: Business Times).

Nếu coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, quyền lợi của F0 sẽ thế nào?

Tại Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc với tính chất của bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Theo đó, người mắc Covid-19 sẽ phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định. Đồng thời, được ngân sách Nhà nước thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19).

Người mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, tự điều trị tại nhà khi khai báo cho y tế địa phương có thể được khám và cấp phát thuốc miễn phí.

Trường hợp bệnh nặng phải điều trị tại các Cơ sở thu dung, bệnh viện, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế (căn cứ Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Nếu coi Covid-19 là bệnh đặc hữu thì những người nhiễm Covid-19 (F0) sẽ không phải cách ly, thậm chí vẫn đi làm việc như những bệnh thông thường trong trường hợp sức khỏe đảm bảo.

Tuy nhiên, lúc này người bệnh cũng sẽ không được ngân sách Nhà nước thanh toán chi phí khám, chữa bệnh nữa. Trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh Covid-19 sẽ do bảo hiểm y tế hoặc người bệnh tự chi trả.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam hiện nay

Để tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh Covid-19 tại Việt Nam, cụ thể:

- Trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố, tuy vậy dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành".

- Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

- Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

- Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Với tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, Bộ Y tế khẳng định, trong thời gian này Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành" và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành" khi thời điểm thích hợp.

Thế giới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu ra sao?

Hiện nay, các chuyên gia ở nhiều quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết họ có kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 4 tháng tới. Theo báo Bangkok Post, hướng dẫn để tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu của Bộ Y tế công cộng Thái Lan gồm có ba tiêu chí: số ca mắc mới theo ngày phải dưới 10.000 ca, tỉ lệ tử vong không cao hơn 0,1% số người nhập viện vì Covid-19, và hơn 80% người có nguy cơ cao mắc bệnh đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine.

Trong khi đó, Tây Ban Nha là một trong số các nước đang kêu gọi xem Covid-19 như bệnh đặc hữu, có nghĩa là một căn bệnh có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ và con người có thể sống cùng nó như bệnh cúm. Theo Hãng tin AP, nếu xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, giới chức Tây Ban Nha sẽ không cần báo cáo số ca mắc mới theo ngày, và người có triệu chứng bệnh sẽ không cần phải xét nghiệm dù vẫn được điều trị.

Nhiều bang tại Mỹ cũng đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và một số quy định phòng dịch khác. Theo Hãng tin AFP, từ đầu năm 2022 nhiều nước như Anh và Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch, hướng tới việc sống chung và xem Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu.

Nguồn tin: https://dantri.com.vn/ban-doc/benh-dac-huu-la-gi-coi-covid19-la-benh-dac-huu-quyen-loi-cua-f0-the-nao-20220308080236205.htm

 Ba điều lưu ý khi sống với Covid-19 như bệnh lưu hành

(NLĐO) - Coi Covid-19 như bệnh lưu hành có nghĩa là tháo gỡ những hạn chế không cần thiết để không kìm hãm kinh tế; ngược lại không chủ quan trong môi trường làm việc để tránh trường hợp cả cơ quan, cả phân xưởng bệnh, mệt cùng lúc gây gián đoạn hoạt động.

Có 2 từ người ta dùng trong bệnh dịch: đại dịch (pandemic) hoặc dịch bệnh lưu hành (endemic).  Hiện nay thế giới đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 trạng thái đó. Có quốc gia đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành, cũng có nơi vẫn coi là đại dịch, tùy theo tình hình hiện tại của từng nước.

Với Việt Nam, đã đến lúc tính đến việc xem Covid-19 là dịch bệnh lưu hành, và sống chung với nó an toàn, nếu hội đủ các điều kiện:

Thứ nhất, đó là vắc-xin. Nếu vùng đó, tỉnh thành đó tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao, người dân đã tiêm đủ 3 mũi, thì có thể xem là bệnh lưu hành được rồi.

 

Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM đeo khẩu trang khi học trực tiếp (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hiện giờ số ca đang tăng nhanh có thể làm mọi người hoảng loạn. Nhưng những điều quyết định nó có thể là bệnh lưu hành hay không đó là bệnh có thể đông nhưng tự hết, không tạo gánh nặng cho khối điều trị hồi sức, tỉ lệ tử vong thấp.

Vài tuần, miễn dịch cộng đồng được tạo nên từ vắc-xin cộng với miễn dịch tự nhiên từ một lượng người nhất định đã nhiễm và khỏi bệnh, số ca sẽ giảm, điều này đã từng thấy.

Hơn 1 thập kỷ trước, cúm đại dịch H1N1 cũng đã chuyển biến theo hướng này, và không còn là đại dịch nữa.

Thứ hai, đó là phòng bệnh đúng trong môi trường lao động. Dịch bệnh lưu hành thì vẫn là dịch bệnh, siết quá thì ảnh hưởng tới kinh tế, nhưng nếu chưa gì đã "thả" hoàn toàn, mặc kệ hết thì cũng ảnh hưởng đến kinh tế.

Thử tưởng tượng nếu cả dây chuyền sản xuất, cả công ty, cả cơ quan đều đồng loạt bệnh, mệt, vậy lấy ai làm việc? Ngay cả bệnh cảm, mức độ nhẹ thì có thể đi làm, nhưng cảm nặng thì cũng phải nghỉ mấy hôm.

Vì vậy khi đi lang thang ngoài đường mai này có thể không cần thiết phải mang khẩu trang liên tục nữa, nhưng chắc chắn trong không gian hẹp, kín, đặc biệt là trong môi trường công sở, nhà máy… thì vẫn phải mang khẩu trang để tránh tình trạng bệnh cùng lúc, làm gián đoạn hoạt động sản xuất trong bối cảnh đang rất cần khôi phục kinh tế.

Thứ ba, "lo xa" đúng cách, vừa phải. Về khoa học, vẫn có các chuyên gia lo ngại rằng SARS-CoV-2 có thể tiếp tục đột biến và các biến thể sau có thể không nhẹ như Omicron.

Theo tiến trình tiến hóa thông thường của virus là ngày càng thuần với con người, lây nhanh hơn nhưng nhẹ hơn, thì kịch bản đó khó xảy ra. Tuy nhiên cũng không phải là hoàn toàn không có khả năng.

Nhưng nếu vì thế mà khư khư phòng thủ như với một đại dịch, thì chắc chắn kinh tế không phát triển được. Điều cần là sự linh hoạt, chuẩn bị phù hợp để ứng phó. Bây giờ là thời điểm phù hợp để xem Covid-19 như bệnh lưu hành, còn tương lai nếu lỡ có kịch bản xấu nào xảy ra thì tái kích hoạt các biện pháp cần thiết cũng không muộn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)

 

Nguồn tin: https://nld.com.vn/suc-khoe/ba-dieu-luu-y-khi-song-voi-covid-19-nhu-benh-luu-hanh-20220306101507203.htm

Mẹo giúp cải thiện một số triệu chứng COVID kéo dài từ chuyên gia

(VTC News) - 

 

Dưới đây là một số điều mà những người mắc hội chứng COVID kéo dài có thể làm để giúp cải thiện sức khỏe của mình.

 

Sau khi hồi phục COVID-19, một số người tiếp tục gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài như mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, đau khớp, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, sương mù não,... Mặc dù nguyên nhân của tình trạng dai dẳng này chưa được khám phá đầy đủ, nhưng một số thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể hữu ích. Sau đây là lời khuyên của Tiến sĩ Sarah Brewer, bác sĩ và Giám đốc y tế của Healthspan (Anh) đối với một số triệu chứng phổ biến của COVID kéo dài.

 

Mệt mỏi

Thực hiện chế độ ngủ đều đặn bằng cách thức dậy và đi ngủ cùng giờ mỗi ngày để giúp giảm mệt mỏi. Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng là điều quan trọng. Chia nhỏ các bữa ăn để giúp duy trì mức đường huyết, nhưng tránh thức ăn quá nhiều tinh bột hoặc ngọt như carbohydrate, có thể dẫn đến giảm năng lượng vài giờ sau khi ăn. Ngoài ra, không được bỏ bữa ăn như bữa sáng, ngay cả khi bạn không cảm thấy đói.

Chọn các nguồn carbohydrate có chỉ số đường huyết (GI) thấp bao gồm đậu, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, cùng với trái cây và rau. Chúng được tiêu hóa tương đối chậm và giúp ngăn ngừa sự biến đổi của đường.

Hơn nữa, bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất sẽ giúp điều chỉnh bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng nào. Một số vi chất dinh dưỡng như vitamin B2, B3, B5, B6, B12, folate, vitamin C, sắt và magie cũng góp phần làm giảm căng thẳng mệt mỏi.

Đau đầu

 

Ảnh: Cleveland Clinic

Đau đầu là một triệu chứng ban đầu của COVID-19 và có thể kéo dài. Theo một chuyên gia của Cleveland Clinic, những cơn đau đầu khác nhau ở mỗi bệnh nhân hậu COVID-19. Ví dụ, một người đã từng bị chứng đau nửa đầu trước đó và sau đó bị nhiễm virus, có thể bị chứng đau nửa đầu nghiêm trọng hơn sau đó.

Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước, vì ngay cả mất nước nhẹ cũng có thể góp phần gây đau đầu. Các chuyên gia cũng khuyến nghị người bệnh nên ngủ đủ giấc, không bỏ bữa, giảm căng thẳng, giảm caffein và luyện tập thể dục đều đặn để cải thiện tình trạng đau đầu hậu COVID-19. Nếu chứng đau đầu kéo dài dai dẳng và nghiêm trọng làm suy giảm khả năng làm việc của bạn, bạn nên đi thăm khám bác sĩ.

Sương mù não

Bạn nên bổ sung cá vào chế độ ăn uống, cố gắng ăn ít nhất 2 phần cá mỗi tuần. Chúng cung cấp chất béo omega-3, rất quan trọng cho sức khỏe của não bộ. Một số thực phẩm chủ yếu như bơ thực vật, bánh mì và sữa thường được bổ sung dưới dạng omega-3 ALA chuỗi ngắn. Mặc dù điều này giúp tăng cường hấp thụ omega-3 cho những người không ăn nhiều cá, nhưng chỉ một lượng nhỏ được chuyển đổi thành omega-3 chuỗi dài (EPA và DHA) mang lại những lợi ích sức khỏe đã được chứng minh. Đối với những người không ăn nhiều cá, có thể bổ sung omega-3 từ các nguồn thuần chay như tảo.

Ngoài ra, vitamin rất quan trọng cho quá trình suy nghĩ lành mạnh, đặc biệt là vitamin B1, B3, B6, B12 và axit folic. Magie cũng góp phần vào việc cải thiện chức năng tâm lý bình thường.

Về lối sống, cần đảm bảo bạn ngủ đủ giấc. Tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng để tăng cường tuần hoàn lên não và giúp ký ức gắn bó.

Đau nhức cơ

Cố gắng di chuyển ngay cả khi bạn đang mệt mỏi và bị đau nhức cơ. Nghỉ ngơi tích cực, chẳng hạn như đi bộ chậm, bài tập tim mạch ở mức độ thấp hoặc bơi lội nhẹ nhàng, cũng có thể giúp phục hồi.

Vận động trị liệu tập trung vào hơi thở hoặc thiền định, chẳng hạn như yoga và Pilates, cũng giúp bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực hơn và bớt khó chịu hơn. Thay đổi loại hoạt động bạn thực hiện sao cho các nhóm cơ giống nhau không hoạt động quá ba lần một tuần để tạo thời gian cho cơ phục hồi. Và ngay cả khi bạn cảm thấy không thể rời khỏi ghế, hãy cố gắng thực hiện một vài bài tập khi ngồi như căng cổ, xoay cổ, nâng cao cánh tay và hạ xuống,…

Đối với dinh dưỡng, các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng bình thường của cơ bao gồm canxi, magiê, kali và vitamin D.

Lưu ý, nếu các triệu chứng của bạn kéo dài dai dẳng mà không cải thiện, hãy đi khám bác sĩ để được trợ giúp.

Nguồn tin: https://vtc.vn/meo-giup-cai-thien-mot-so-trieu-chung-covid-keo-dai-tu-chuyen-gia-ar664255.html

[Infographic] Toàn bộ thông tin F0 CẦN BIẾT về thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

SKĐS - Theo cập nhật hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

 

Đọc bài chi tiết tại link sau:

Nguồn tin:  https://suckhoedoisong.vn//infographic-toan-bo-thong-tin-f0-can-biet-ve-thuoc-molnupiravir-dieu-tri-covid-19-169220302184908643.htm

Khuyến cáo sử dụng thuốc Molnupiravir an toàn và hiệu quả

 
Để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp cận thuốc mới trong điều trị bệnh Covid-19, ngày 17-2-2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 69/QĐ-QLD cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19 như sau.  
 
Đọc bài chi tiết tại link sau:
 
Thứ tư, 02 Tháng 3 2022 03:24

F0 có nên uống kháng sinh?

Written by

F0 có nên uống kháng sinh?

Tôi là F0, triệu chứng ho, rát họng, người hơi gai rét ớn lạnh, có nên dùng kháng sinh để giảm triệu chứng, dự phòng nhiễm khuẩn không? (Ngân, Hà Nội)

Trả lời:

Các loại kháng sinh dùng đường uống hiện nay chủ yếu 3 nhóm, trên vỉ thuốc hoặc hộp thuốc, có dòng chữ nhỏ kèm theo số mg hàm lượng. Thứ nhất là nhóm marcolid: erythromycine, azithromycine, clarithromycine... Thứ hai là nhóm beta-lactam: amoxicillin/clavulanic, amoxicillin/sulbactam, cephalexine, ceforuxime, cefixime, cefpodoxime... Thứ ba là nhóm quinolon: ciprofloxacine, levofloxacine...

Trước hết phải khẳng định kháng sinh không có tác dụng gì với virus. Tuy nhiên, khi cơ thể bị nhiễm Covid-19, sức đề kháng giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ cao hơn.

Thực tế, một số người cần sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân nhiều bệnh nền, sức đề kháng kém thì có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Những người lúc bình thường hay viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang... cũng nên cân nhắc sử dụng kháng sinh sớm để dự phòng. Song, khi sử dụng kháng sinh, nhất thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng.

Nhiều người không có các nguy cơ trên nhưng lo lắng nên uống cùng lúc đến hai loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Lạm dụng kháng sinh sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do virus tấn công. Ngoài ra, dùng không đúng sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng.

Các nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ người mắc Covid-19 đồng nhiễm vi khuẩn đi kèm vô cùng thấp. Tốt nhất người dân không cần mua dự trữ kháng sinh, không dùng kháng sinh tràn lan, gây tác dụng phụ.

nCoV xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ chiến đấu với virus và biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mất vị giác, khứu giác... F0 nhẹ điều trị tại nhà cần xử trí các triệu chứng, ví dụ: sốt dùng hạ sốt; ho có thể dùng hỗn hợp chanh cùng mật ong pha với nước ấm, các loại bổ phế thảo dược hoặc lá thường xuân trị ho. Cảm giác ớn lạnh cũng do độc tố của virus, có thể uống trà gừng nóng, ăn đồ ấm nóng, đủ dinh dưỡng, dùng các loại thuốc hoạt huyết để hạn chế...

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng

Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng

Nguồn tin: https://vnexpress.net/f0-co-nen-uong-khang-sinh-4433170.html