Super User

Super User

Thứ ba, 27 Tháng 2 2024 09:34

GS.BS. Nguyễn Lân Hiếu

 

(Dân trí) - Không ngại trả lời câu hỏi khó trong cuộc đối thoại với báo Dân trí, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho hay "làm việc ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chắc tiền thuế của tôi không đứng thứ hai cũng đứng thứ ba".

Cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, đại biểu Quốc hội khóa XV, là một cuộc phỏng vấn cởi mở và thú vị, khi vị bác sĩ gánh "nhiều vai" chia sẻ rất thẳng thắn và không hề né những câu hỏi khó.

Dành cho phóng viên Dân trí một giờ đồng hồ trong chuỗi lịch trình dày đặc ngày cuối tuần, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc và nhiều cung bậc cảm xúc của những người "làm dâu trăm họ".

Thú thật, tôi là người rất ghét lễ lạt. Hầu như tất cả các năm vào 27/2 hay 20/11 (vì tôi còn là thầy giáo), tôi đều trốn khỏi Hà Nội hoặc đi can thiệp ở nước ngoài. Tôi sợ những lời chúc tụng vì cảm thấy nó sáo rỗng. Đặc biệt trong thời gian ngành y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn, bao nhiêu chuyện xảy ra mà cứ chúc tụng nhau, rồi ngày hôm sau, lại xuất hiện những vấn đề như cũ.

Năm nay cũng khá đặc biệt khi 27/2 gần với Tết, tôi cũng vừa cùng gia đình nghỉ Tết nên không có lý do gì trốn khỏi Hà Nội và Bình Dương. Vì thế, tôi sẽ có ngày 27/2 ở cả Hà Nội và Bình Dương.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 5

Trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng nghĩ mình chỉ là bác sĩ thôi. Nơi mà tôi cảm giác đam mê nhất chính là trong phòng phẫu thuật can thiệp.

Trước đây, có những lúc bà xã tôi bảo "Anh phải đi khám bệnh đi, có khi anh bị tự kỷ", vì về nhà tôi còn mặc áo mổ. Nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái trong bộ quần áo đó.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 7
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 9

Cũng có (Cười). Trước đây tôi bị "phê bình", đặc biệt con gái tôi không đồng ý khi tôi mặc quần áo mổ ở trong nhà nên tôi cũng bỏ sở thích hơi kỳ lạ đó của mình.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 11
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 13

Có một lý do rất đơn giản, đó là tôi thích lý luận về logic. Trong tim mạch, hầu hết triệu chứng, bệnh lý đều có thể lý giải bằng logic. Nó như vòng tuần hoàn, đều có nguyên tắc, nguyên nhân và chính vì sự logic ấy, tôi cảm giác rất thú vị.

Đơn giản như nghe một tiếng thổi trong tim cũng sẽ hiểu được logic dòng máu đi qua một chỗ thủng hướng đi đâu, chạy ra sao, kèm theo cái gì… Rất dễ để chúng tôi nhớ ngay từ ngày đi học.

Lúc đó tôi đã nghĩ trong đầu là mình sẽ tham gia vào ngành tim mạch, nhưng GS Nguyễn Lân Việt là chú ruột của tôi, khi ấy là Phó viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, lại rất sợ điều này.

Vì chú nghĩ "thằng Hiếu hồi bé rất nghịch, giờ vào tim mạch có khi lại nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến bệnh nhân và cả uy tín của gia đình". Chú muốn tôi làm lĩnh vực khác, nhưng tôi nói nếu không làm bác sĩ tim mạch, tôi không thi bác sĩ nội trú nữa. Cả gia đình tôi thuyết phục và cuối cùng chú cũng ủng hộ tôi.

Dù vậy, giai đoạn đầu tiên rất khó khăn vì chú rất nghiêm khắc. Người khác học một, tôi phải học ít nhất gấp đôi để đạt kỳ vọng của chú.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 15
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 17

Gia đình tôi không phải "danh gia vọng tộc", mà có nguyên tắc, con cái dâu rể đều là bác sĩ hoặc giáo viên.

Hồi đó ông nội tôi gần như ra một luật bất thành văn, tất cả ai là giáo viên hay bác sĩ sẽ được chào đón trong gia đình, nên các con cháu nhiều người đi theo y tế hoặc giáo dục.

Điều này khiến tôi thấy bị áp lực. Tôi vẫn nhớ trước đây bố tôi đi Mỹ về, mua quần bò có chữ USA mà ông nội cầm kéo cắt chữ đó đi ngay. Cái gì khác thường không được xuất hiện trong gia đình tôi.

May mắn là bố tôi "ở rể" nên tôi thường ở bên ngoại nhiều hơn, nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác mỗi lần về nhà ông nội ở Kim Liên, sợ lắm vì ông rất nghiêm khắc.

Nhưng sau này lớn lên, tôi mới nhận thấy đó là những giá trị rất tốt mà ông và gia đình truyền lại cho chúng tôi, đó là sự nghiêm túc trong công việc và quan trọng nhất là đạo đức.

Câu nói "lương y như từ mẫu" nặng nề vì đầy trách nhiệm, nhưng đạo đức do các ông, các chú truyền lại rất đơn giản, đó là coi những người mình chữa bệnh, mình giảng dạy như người thân trong nhà, nghiêm khắc với họ nhưng nghiêm khắc bằng tình thương. Đó là cái tôi học được nhiều nhất từ gia đình.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 19

Cái đó nó ngấm vào máu mình rồi. Ở bệnh viện, anh em rất sợ vì tôi rất nghiêm khắc. Ngay sáng nay, trước cửa phòng tôi có hai điều dưỡng cầm hai tờ tường trình, chỉ vì ngày hôm trước tôi bắt gặp trong thang máy họ có thái độ không đúng mực với bệnh nhân.

Tuy nhiên, cách tôi đối xử với anh em, bạn bè cũng như nhân viên bệnh viện, là nghiêm khắc nhưng coi họ như người thân, anh em ruột thịt của mình để có cách ứng xử nhân văn.

Cái đó không chỉ tôi mà cả Ban giám đốc bệnh viện cũng như các lãnh đạo khoa, phòng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đều thấm rất sâu. Chúng tôi coi đây như một tập thể, một gia đình lớn, bao trùm lên gia đình nhỏ của mình.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 21
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 23

Câu hỏi này trước đây tôi dễ trả lời hơn. Bởi trước đây tôi ở trong một môi trường quen thuộc là Đại học Y Hà Nội, mọi người biết tôi hết nên dù không phải đảng viên,  việc phối hợp với hệ thống Đảng bộ ở đây rất tốt. Chi bộ, đảng ủy nhà trường hỗ trợ tôi rất nhiều.

Nhưng vào Bình Dương lại là câu chuyện khá khó khăn vì nhiều người chưa quen với việc giám đốc bệnh viện không phải đảng viên, Bí thư Đảng ủy. Sau 1 năm làm việc, cũng nhờ sự chân thành và làm việc hết sức, chúng tôi đã xây dựng được đảng bộ mới rất vững mạnh.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 25

Điều tôi trăn trở không phải "là đảng viên hay không", mà là con người và sự đoàn kết trong chi bộ, đảng bộ mới có ảnh hưởng lớn. Ở bệnh viện hay bất cứ tổ chức nào, sự đoàn kết trong đảng bộ và chính quyền rất quan trọng, quyết định mọi thành công.

Đảng viên mà làm việc xấu, không biết đấu tranh, đóng góp cho xã hội còn nguy hiểm hơn những người không phải đảng viên.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 27

Tôi từng chia sẻ, nếu tôi chỉ làm bác sĩ, chắc chắn tôi cũng sẽ thăng tiến hơn bây giờ trong chuyên môn, được nhiều nước, nhiều bệnh viện mời đi làm, tay nghề cũng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, việc chữa bệnh cũng chỉ chữa được cho số lượng bệnh nhân hữu hạn. Giỏi lắm mỗi năm tôi chỉ chữa được 1.000 bệnh nhân, nhưng nếu chúng tôi tổ chức tốt được ở bệnh viện, như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mới có mấy năm đã làm được lượng công việc khổng lồ. Việc này có lợi hơn rất nhiều.

Ở Bình Dương cũng vậy, khi tôi vào chống dịch, Bí thư và Chủ tịch tỉnh chia sẻ những con số khiến tôi rất bất ngờ. Bệnh viện tỉnh mà chỉ còn  hơn 300 bác sĩ, như bệnh viện huyện; điều dưỡng chỉ có hơn 400 người. Bệnh viện 1.000 giường mà tổng số nhân viên y tế hơn 800 người, đó là sự phi lý vô cùng. Trong bệnh viện các phương tiện quan trọng không hoạt động, máy cộng hưởng từ, máy CT, can thiệp đều hỏng hết, máy xét nghiệm không có hóa chất để chạy...

Chính vì nghe những điều đó, tôi muốn thử sức, muốn dấn thân chứ không phải vì thích làm quản lý hay làm chính trị.

Làm quản lý bệnh viện ở Bình Dương tôi cũng không thêm sự oai phong lẫm liệt gì cả, nhưng tôi muốn thử sức mình để thay đổi, thay đổi chính bản thân bởi tôi nghĩ mình vẫn còn năng lực và có thể cống hiến thêm.

Tôi dấn thân để giúp nhiều người và cũng là để giúp đỡ chính mình, tạo động lực cho bản thân. Điều này cũng thật khó lý giải, nó như một mong muốn bản thân sẽ đạt mục đích gì đó trong từng giai đoạn của cuộc đời có ý nghĩa hơn.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 29
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 31

Tôi quản lý Bệnh viện Đa khoa Bình Dương đến tháng 4 này tròn 2 năm. Lúc đầu, anh em thấy một ông bác sĩ nói giọng Bắc đến làm quản lý, người ta không hợp tác. Năm đầu tiên khó khăn, thực sự rất khó khăn, nhưng từ năm thứ hai trở đi, công việc thuận lợi hơn nhiều.

Chúng tôi tuyển được nhiều nhân viên y tế. Năm 2023 tuyển được 150 bác sĩ, gồm cả bác sĩ nội trú, thạc sĩ. Thậm chí, một bệnh viện tỉnh như Bình Dương đã có 2 tiến sĩ, 1 tiến sĩ và 1 phó giáo sư cũng đang xin về làm. Như vậy tức là chúng tôi đã tạo ra được sân chơi cho những người giỏi.

Mới đây tôi cũng chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, lần đầu tiên Bình Dương thi tuyển viên chức cho các bác sĩ mà có đến 30% trượt, trong khi trước đây, tỉnh phải "xin người về không được". Đó là điều tôi mừng nhất.

Về chuyên môn, chúng tôi triển khai nhiều kỹ thuật mới ở Bình Dương. Có thể nói Bình Dương đã có một số kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, bệnh nhân ở các nơi đến Bình Dương để mổ rất đông.

Ở Bình Dương cũng có những bác sĩ rất giỏi, như bác sĩ Võ Thái Trung, là người mà tôi rất yêu quý, khi về làm giám đốc tôi tạo mọi điều kiện vì anh ấy là một tài năng.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 33
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 35

Nói ngắn gọn chỉ có 2 từ thôi, là "làm gương". Nghe thì có vẻ sáo rỗng nhưng thực tế mình phải làm gương trong mọi hành động. Về Bình Dương tôi không nhận lương, không nhận thưởng. Với những khoản tiền bắt buộc phải nhận, tôi thường dành cho khoa khó khăn nhất, như khoa sơ sinh.

Làm gương cũng là công tâm, tất cả vì công việc, ai làm tốt thì khen thưởng, không tốt thì xử phạt.

Thêm vào đó là làm gương trong công việc, hết mình vì công việc. Ca khó và phức tạp, mình phải xắn tay vào làm, nếu bệnh nhân khiếu kiện phải đứng ra giải quyết. Vai trò của người đứng đầu là quan trọng nhất.

Tất cả bác sĩ chúng tôi, đặc biệt lãnh đạo các bệnh viện, luôn luôn chịu áp lực từ xã hội. Đó là điều đương nhiên thôi, vì y tế là ngành làm dâu trăm họ, mà đã làm dâu, kiểu gì cũng gặp bà mẹ chồng khó tính, mình phải chấp nhận việc đó và từ đó rút kinh nghiệm để cùng nhau vượt qua khó khăn.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 37
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 39

Nhờ trợ lý thôi, chẳng còn cách nào khác cả. Ở Hà Nội tôi có một thư ký cực kỳ giỏi. Trong miền Nam tôi cũng có một người giúp việc tốt để sắp xếp công việc. Tôi thường nhắn các bạn những ưu tiên, nếu trùng nhau không sắp xếp được, phải lược bớt. Các bạn đang vận hành tốt và tôi vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 41

Đây là một câu hỏi rất khó. Thật ra thời gian không phải cứng nhắc đúng một giờ phải làm cả ba công việc đó. Nhưng nếu chẳng may có việc gì liên quan đến bệnh nhân, tôi sẽ ưu tiên số 1.

Nếu đang họp Quốc hội, một bệnh nhân gặp biến chứng trong phòng mổ mà anh em không xử lý được, tôi sẽ bỏ họp về xử lý, nhưng cũng rất hãn hữu thôi.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 43
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 45

Tôi đã từng bị phản ứng vì câu nói này. Ý tôi nói rất rõ, rằng "bác sĩ giỏi không thể nghèo được", nhưng nhiều người lại hiểu ngược lại theo hướng "bác sĩ nghèo là dốt".

Cái đó không phải, tôi xin khẳng định như thế để nhà báo thanh minh cho tôi.

Bác sĩ không thể nào giàu nhanh như các thương nhân, vì không thể đi buôn hay chơi chứng khoán để làm giàu nhanh chóng. Bác sĩ lúc trẻ, thời gian hành nghề còn ngắn, tay nghề chưa cao thì chưa thể giàu; muốn giàu phải dần dần tích lũy tay nghề và kinh nghiệm theo thời gian.

Đến khi giỏi rồi, đồng tiền sẽ đến với mình bằng rất nhiều cách khác nhau, không phải từ tiền đi mổ, tiền khám bệnh của bệnh nhân, mà từ những đồng tiền rất đặc biệt.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 47

Ví dụ, một bác sĩ giỏi của tôi ở Bình Dương, anh rất nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng Tỉnh ủy, UBND sẵn sàng mua cho anh ấy nhà, mà anh ấy còn chưa nhận. Như vậy, người bác sĩ đã giỏi, sự trân trọng của xã hội đến với mình theo nhiều cách.

Còn bản thân tôi, nói giàu có thì không phải. Cả gia đình tôi từ bố tôi, mẹ tôi chẳng ai giàu có nhưng không ai phải nghĩ đến đồng tiền, vì chúng tôi có khả năng kiếm thu nhập từ khả năng chuyên môn rất tốt.

Làm việc ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chắc tiền thuế của tôi không đứng thứ hai cũng đứng thứ ba. Ngoài thu nhập từ công việc khám chữa bệnh, tôi còn có thêm thu nhập khác từ giảng dạy, từ phẫu thuật can thiệp ở nước ngoài. Hầu như tôi không bao giờ nghĩ đến mình có bao nhiêu tiền và cũng không bao giờ phải đi vay tiền ai trong cuộc đời. Đó là điều tôi cảm thấy rất may mắn.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 49
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 51

Có 3 vấn đề tôi đã trình bày với Bộ trưởng Y tế và các vị lãnh đạo.

Một là đào tạo con người. Chúng ta phải chuẩn hóa việc đào tạo, chuẩn hóa việc bác sĩ được cử đi học, thực tập. Phải có chuẩn đầu ra nhất định, không để cho chất lượng phân biệt sự khác nhau vì bệnh nhân vào bệnh viện đâu biết ông bác sĩ này được đào tạo ở Đại học Y của thành phố A , ông bác sĩ kia được đào tạo ở tỉnh B hay tỉnh C.

Ở nước ngoài, khi thi đỗ được bằng bác sĩ y khoa, tiêu chuẩn và nền tảng phải như nhau.

Hai là quy định vẫn bị chồng chéo. Dù luật rất nhiều nhưng có quá nhiều cấp quản lý để lãnh đạo một cơ sở y tế. Tôi đề nghị cần trao thêm quyền cho các giám đốc bệnh viện, lãnh đạo cơ sở y tế.

Chúng ta nói sợ họ làm sai, sợ họ tham nhũng, nhưng rõ ràng qua càng nhiều cấp càng nhiều tham nhũng. Và khi có chuyện gì xảy ra, tội nặng nhất vẫn là giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm.

Hiện nay, ta đang rất rối trong mua sắm, đấu thầu. Việc nhận định bất cập trong vấn đề này đã giảm nhưng chỉ là tạm che lại, rồi một ngày sẽ lại bùng ra do chưa được giải quyết từ gốc.

Nếu trao quyền cộng thêm cơ chế luật pháp và sự giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý, đó sẽ là cách làm khả thi.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 53

Vấn đề thứ ba là thu nhập của nhân viên y tế cần thay đổi. Tôi đã đề xuất với lãnh đạo nhiều tỉnh như Bình Dương hay Bình Định nơi tôi ứng cử đại biểu Quốc hội, là nếu các bệnh viện không tự chủ được, đừng bắt người ta tự chủ. Bắt người ta kiếm tiền nuôi quân, họ sẽ làm bậy, làm quá lên.

Hiện nay, sợ nhất không phải không có trang thiết bị chữa bệnh, mà bệnh nhân sợ bị lạm dụng chỉ định. Không có phương tiện, người ta ra bệnh viện tư làm, nhưng lạm dụng chỉ định làm sao người ta biết được. Đáng ra không cần mổ lại lôi ra mổ, không phải đặt stent lại đi đặt stent…

Chính vì vậy, tôi đề xuất làm sao cho nhân viên y tế có lương cứng như viên chức Nhà nước trong hệ thống công. Tại sao giáo viên mỗi tháng được nhận lương mà lại bắt bác sĩ phải đi kiếm tiền, bác sĩ phải tự chủ?

Bệnh viện nào tự chủ được là tốt, nhưng với bệnh viện còn khó khăn như ở miền núi và bệnh viện huyện, đừng bắt họ tự chủ. Ta vẫn nên trao quyền, vẫn nên trả lương cứng cho các bác sĩ và nhân viên y tế, để ông giám đốc bệnh viện mỗi sáng thức dậy không phải lo kiếm được bao nhiêu tiền để trang trải tất cả chi phí và lương cho toàn bộ đội ngũ.

Muốn nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, phải làm dịch vụ, kỹ thuật mới, nâng cao sự hài lòng của người bệnh, rồi lấy tiền nâng cao chất lượng và dịch vụ điều trị để chi trả thu nhập tăng thêm cho anh em.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 55

Về đào tạo con người, tôi nghĩ mọi người đều hiểu, trong luật đã ghi rõ. Luật Khám chữa bệnh cũng nêu rõ phải có kỳ thi tốt nghiệp bác sĩ y khoa cấp quốc gia.

Tuy nhiên lúc triển khai, lãnh đạo dù tâm huyết nhưng số lượng người giúp cho vận hành sự thay đổi này rất ít nên gặp nhiều khó khăn.

Còn vấn đề về tiền lương, thu nhập, rất nhiều tỉnh ủng hộ. Như Bình Dương đã có nghị quyết của HĐND về nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Tôi có nói với lãnh đạo tỉnh, ngày xưa phải bỏ tiền, có nơi thậm chí phải bỏ tiền tỷ để mời bác sĩ về làm. Giờ vượt qua giai đoạn đó, bác sĩ về rất đông rồi, thì phải có cơ chế để giữ người và tạo điều kiện cho họ phát triển.

Hay như ở Lào Cai cũng có những bước tiến rất tốt, số lượng bác sĩ tăng lên, thu nhập tốt hơn, kỹ thuật mổ nhiều hơn, tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt.

Lào Cai là tỉnh duy nhất trên cả nước hiện nay trang bị tất cả máy CT scan hiện đại đến cả cấp huyện bằng nguồn tiền ngân sách, sự mạnh dạn đó thu được thành công ngay lập tức chứ không phải chờ 5-10 năm như các ngành khác.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 57

Có tỉnh nghèo tỉnh giàu, nhưng ở những nơi tôi đến, tôi không thấy nơi nào thiếu tiền cho y tế.

Mới đây, Phó Bí thư Hà Nội khi đến thăm Bệnh viện Đại học Y cho biết địa phương chuẩn bị có một chương trình khổng lồ cho y tế với số tiền hàng chục nghìn tỷ. Địa phương quan tâm và muốn phát triển y tế, quan trọng là lựa chọn tốt để tránh lãng phí.

Các tỉnh khác cũng vậy, đều không thiếu tiền cho y tế, nhưng quan trọng là hướng đi và cách làm cho hiệu quả, bền vững.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 59
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 61

Câu trả lời chắc ai cũng biết, buồn lắm. Những người mình vẫn gặp hàng ngày, vẫn trao đổi công việc, thậm chí là những người bạn rất thân, lại vướng vào vòng lao lý.

Bài học rút ra là trong quá khứ chúng ta quá chủ quan, quá lỏng lẻo trong việc quản lý. Vì lý do đơn giản là không cung cấp đủ thu nhập chính đáng cho anh em bác sĩ nên sinh ra chuyện người ta làm sai một, rồi sai hai, sai ba… Đến lúc cả hệ thống sai, mọi người đều gật đầu với cái sai đó, nghĩ chuyện đó là bình thường, là đương nhiên.

Sau những chuyện vừa qua, buồn thật, đau thật nhưng tôi nghĩ sẽ có rất nhiều sự thay đổi tích cực; mọi chuyện sẽ trở nên tường minh hơn, rõ ràng hơn trong hệ thống y tế.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 63
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 65

Tự hào - đó tưởng là câu hỏi vui nhưng lại là câu hỏi buồn với tôi.

Tự hào chỉ có ít thôi, và đều là nhỏ lẻ. Chúng ta có thể thực hiện ca này ca nọ, một thủ thuật nào đó, giỏi một phẫu thuật nào đó, để bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam hoặc bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng về tổng thể, chúng ta thua xa các bạn ở những nước xung quanh, vì họ làm rất bài bản.

Bác sĩ thường có 2 nhóm. Một là bác sĩ ứng dụng (application) - những bác sĩ mổ rất nhiều và rất thạo, dân gian hay gọi là "bàn tay vàng".

Thứ hai là bác sĩ phát kiến (inventor) - những người nghĩ ra phương pháp và dụng cụ mới.

Nhóm thứ nhất Việt Nam rất nhiều, nhưng nhóm 2 gần như không có.

Nguyên nhân thứ nhất là do chúng ta chưa đầu tư cho khoa học cơ bản trong y tế. Đơn giản là phòng thí nghiệm động vật, nghĩ ra dụng cụ gì đưa vào cơ thể con người hay phương pháp mới đều phải thử trên động vật, nhưng cả Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm động vật nào tiêu chuẩn.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 67

Nguyên nhân thứ hai là thiếu sự đầu tư của các công ty. Nói đến chuyện này tôi nhớ câu chuyện của bản thân. Tôi từng nghĩ ra một kiểu van động mạch phổi thay qua da, làm cùng một công ty của Trung Quốc. Ca đầu tiên chúng tôi làm trên động vật nhưng sau đó họ loại mình ra khỏi cuộc chơi, và tất nhiên giai đoạn đó mình thiếu kinh nghiệm.

Sau đó tôi cũng tức giận, tìm một công ty khác của Thái Lan để tìm tài trợ, và người bạn của tôi đã tài trợ nghiên cứu đó, làm thí nghiệm trên động vật rất nhiều nhưng cuối cùng thất bại, bạn tôi mất 1 triệu USD, thậm chí phá sản, gần như không làm trong lĩnh vực sản xuất dụng cụ y khoa nữa. Thực tế đó cho thấy đầu tư lĩnh vực này cũng là sự mạo hiểm rất lớn.

Nhưng nếu thành công, như van tim của Trung Quốc bán trên thị trường thế giới hàng chục nghìn cái/năm, với giá khoảng 30.000 USD/cái, số tiền thu lại sau đầu tư lớn sẽ rất lớn.

Vì thế ở Việt Nam đang thiếu hai thứ, một là Nhà nước không đầu tư khoa học cơ bản và hai là thiếu các công ty dám đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực y khoa.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 69
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 71

Tôi chẳng thấy mình mạnh gì cả, nhưng tố chất của tôi ham học hỏi, ham thay đổi. Đó có thể là điểm mạnh nhưng cũng có thể là điểm yếu, ham quá lại làm quá sức mình.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 73

Là ham chơi. Tôi thích cuộc sống tự nhiên, thích khám phá. Cuộc đời ngắn lắm nên tôi luôn mong có thật nhiều trải nghiệm. Trong công việc, buổi sáng tôi đi làm nhưng tối vẫn thích uống rượu vang. Có hôm uống rượu vang đến 23h về đi ngủ và sáng 5h vẫn dậy đi làm, đó là việc hại sức khỏe, tôi tự biết thế nhưng vẫn chưa dừng được.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 75

Tôi thích uống rượu vang và chơi thể thao. Trước đây tôi thích các môn thể thao va chạm như bóng đá, bóng rổ, nhưng giờ không có điều kiện chơi nữa. Khi có thời gian, tôi cố gắng vận động bằng cách đi bộ. Một ngày cố đi bộ 10.000 bước là thành công nhưng đa phần tôi chỉ giữ được mức 6.000-7.000 bước.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 77
BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 79

Được là tôi được đi nhiều, được trải nghiệm đúng sở thích của tôi. Có lẽ chưa chỗ nào ở Việt Nam mà tôi chưa từng đặt chân đến, các xã, huyện xa nhất tôi đều có mặt, kể cả ở vùng sâu vùng xa nơi địa đầu Tổ quốc.

Mất là có những cái rất muốn làm nhưng không được, ví dụ chơi thể thao.

Xưa tôi rất mê bóng rổ, nhưng giờ chơi bóng rổ mà chẳng may chấn thương ở tay thì "gãy mất cần câu cơm" (Cười).

Đánh golf là môn mà tôi nghĩ tôi cũng rất thích, nhưng không dám cầm đến gậy vì mất nhiều thời gian, đang đánh mà có điện thoại liên tục, làm sao tập trung được.

Với ngành y, các bác sĩ không thể quản lý được thời gian riêng của mình nên bị hạn chế nhiều thứ, không phải tôi mà các bác sĩ khác đều thế, đang chơi mà có ca cấp cứu thì phải chạy thôi, không thể tránh được.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 81

Tôi không để ý vì tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó. Làm bộ trưởng, thứ trưởng chắc chắn mình phải tách rời khỏi chuyên môn, vì tôi chưa thấy ông bộ trưởng, thứ trưởng nào còn đi mổ cả. Mà với tôi, công việc chuyên môn mới là đam mê của tôi.

Ấp ủ lớn nhất của tôi là hoàn thành nhiệm vụ giám đốc hai bệnh viện.

BS Nguyễn Lân Hiếu: Vị trí tôi thích nhất là ở phòng phẫu thuật can thiệp - 83

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nội dung: Hoài ThuVõ Thành

Ảnh: Tiến Tuấn

Video: Minh QuangPhạm Tiến

Thiết kế: Thủy Tiên

Thứ tư, 21 Tháng 2 2024 01:14

Thuốc trầm cảm

Thuốc trầm cảm

Bùi Võ

Bùi Võ

Điều tra viên, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

“Thuốc nhẹ, không sao đâu”.

Cô dược sĩ an ủi sau khi bán thuốc ngủ cho tôi.

Năm 2018, tôi hay thức đêm câu cá, sinh hoạt không điều độ nên bị mất ngủ, cuộc sống đảo lộn. Tôi đến khám một bác sĩ nổi tiếng ở Hà Nội. Sau gần 30 phút trò chuyện, anh chẩn đoán tôi bị rối loạn lo âu, trầm cảm và kê thuốc liệu trình uống sáu tháng.

Thời gian đầu uống thuốc, tôi ăn ngủ ngon, tăng cân. Đến khoảng tháng thứ tư, tôi thấy bản thân không còn nhạy bén, cảm xúc thô cứng nên xin bác sĩ dừng thuốc. Dừng thuốc, tôi mới biết mình đã trở thành "con nghiện" lúc nào không hay. Chỉ hai viên thuốc an thần nhỏ như cúc áo nhưng thiếu nó tôi mất ngủ, kéo theo trào ngược dạ dày, huyết áp có lúc tụt xuống còn 58-80 mmHg.

Triệu chứng cai thuốc rất khó chịu, tôi bỏ rồi uống, uống rồi bỏ như cái vòng luẩn quẩn. Không muốn lệ thuộc nên đầu năm 2019, tôi quyết tâm bỏ thuốc an thần. Tôi dành thời gian ngồi thiền, chơi các môn thể thao. Nhưng sau nửa năm cố gắng, sức khỏe và tinh thần tôi ngày càng sa sút. Tôi đi khám lại bác sĩ trước đây thì được anh khuyên nhập viện để điều trị. Điều trị nội trú gần hai tuần ở một bệnh viện, tôi xin ra viện. Các bác sĩ nói tôi phải uống thuốc an thần cả đời.

Cuối năm 2020, cô bạn Hải An gửi cho tôi bài viết của một hành giả Phật giáo. Nội dung bài viết hàm ý: kỳ vọng là mong muốn, bắt sự việc nào đó phải xảy ra theo ý mình, kỳ vọng tất yếu sẽ sinh ra đau khổ. Tôi bừng tỉnh nhận ra mình đã sai. Trước đây, chỉ vì muốn thoát khỏi cơn trầm cảm, không chấp nhận việc mất ngủ mà tôi đã hành xác như con thiêu thân. Chính tâm lý "phải thế này, phải thế kia" đã làm bệnh của tôi nặng thêm.

Hiểu vấn đề, tôi bắt đầu thay đổi thái độ sống. Phóng sinh thay cho câu cá, yêu thương thay cho sân hận; tăng dần khả năng chấp nhận, chấp nhận cả những suy nghĩ tiêu cực nhưng quyết tâm không phản ứng tiêu cực ra bên ngoài, không làm tổn thương người bên cạnh. Nửa năm sau, sức khỏe và tinh thần tôi trở lại bình thường.

Theo ICD-10 (Phiên bản thứ 10 của Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới), trầm cảm có những triệu chứng như: buồn rầu, giảm sự quan tâm thích thú, mệt mỏi, mất tự tin vào bản thân, bi quan, giảm sự tập trung chú ý, có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, có ý tưởng và hành vi tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon miệng.

Với các triệu chứng như trên, có lẽ trong đời ai cũng từng có lần bị trầm cảm, ở các mức độ khác nhau.

Chị họ tôi, được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm và kê thuốc cho uống. Nghe nữ bệnh nhân bên cạnh hỏi về triệu chứng rụng tóc khi dùng thuốc, chị sợ quá về nhà không dám uống. Về sau, chị thấy đã may mắn không nghe lời bác sĩ. Tự mình thay đổi cách sống, các biểu hiện trầm cảm của chị dần biến mất.

Phong ở Hải Phòng, 15 năm trước, cũng được chẩn đoán trầm cảm như chị tôi. Phong đang bị tiểu đường, dạ dày do tác dụng phụ của thuốc gây ra nhưng cậu vẫn chưa thể ngưng thuốc vì hội chứng "nghiện thuốc". Tôi hỏi Phong nếu được lựa chọn lại thì ngày đó có uống thuốc trầm cảm hay không. Phong dứt khoát là không.

Tôi không phủ nhận vai trò của thuốc trầm cảm vì thuốc có thể không tác dụng với người này nhưng đáp ứng với người khác. Vấn đề là các bác sĩ tâm thần liệu có lạm dụng kê thuốc an thần cho người bệnh hay không? Vì ngay tại các nước có nền y tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ thì số người tự tử vì trầm cảm vẫn rất cao. Thuốc trầm cảm gây tác dụng phụ, tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Sẽ là con dao hai lưỡi nếu bác sĩ lạm dụng kê thuốc an thần cho người bệnh trong khi họ có thể đáp ứng các liệu pháp điều trị khác an toàn hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ tư trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dự đoán năm 2030 sẽ lên vị trí thứ nhất.

Bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý là những người cần tìm đến để ngăn chặn kịp thời các hành vi dại dột, thiếu kiểm soát. Nhưng người bệnh cũng phải nỗ lực tự thân nhìn sâu vào nội tâm, tiến đến thay đổi nhận thức, hành vi của chính mình. Hiểu vấn đề gặp phải, chấp nhận sống chung và từng bước khiến nó tan biến bằng việc thay đổi bản thân là cách hỗ trợ hiệu quả cho điều trị trầm cảm.

Sau nhiều lần cố gắng vượt qua trầm cảm bất thành, tôi và Hải An không còn chống lại các triệu chứng của bệnh. Nỗ lực chống lại sẽ gia tăng căng thẳng và mất năng lượng, trực tiếp làm biểu hiện của bệnh "phình to". Thay vào đó, chúng tôi chấp nhận, nỗ lực thay đổi bản thân, cho đến lúc nào đó, trầm cảm tự rời bỏ chúng tôi.

"Điều bạn chống lại sẽ ở lại, điều bạn chấp nhận sẽ tan biến", câu nói của học giả người Ba Tư Rumi thật thấm thía không chỉ trong các vấn đề tinh thần mà với cả cuộc sống. Với chúng tôi, trầm cảm là một sự cố lớn trong đời nhưng cũng là động lực, là cơ hội tuyệt vời để sống ý nghĩa.

Bùi Võ

Nguồn tin: https://vnexpress.net/thuoc-tram-cam-4708045.html