Super User

Super User

Bệnh viện Than – Khoáng sản tham gia chương trình “ Phúc lợi thợ mỏ năm 2023.”

 

( Đoàn CBCNV Bệnh viện Than – Khoáng sản tham gia chương trình “ Phúc lợi thợ mỏ năm 2023 “ của Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam)

   Thực hiện chương trình "Phúc lợi thợ mỏ" năm 2023 của Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Từ ngày 16 - 19/5/2023; Bệnh viện Than – Khoáng sản đã tổ chức cho 08 CBCNV, người lao động có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đi thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thời gian 4 ngày 3 đêm.

   Tại đây Người lao động đã được giao lưu văn hóa cồng chiêng với dân tộc Lạch; tham quan, học tập kinh nghiệm và thăm dây chuyền sản xuất Alumin tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV với mô hình "Nhà máy - công viên"; Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Đamb'ri đẹp nhất khu vực Nam Tây Nguyên; Thăm Thiền viện Trúc Lâm, biệt thự Bảo Đại; Chinh phục điểm cao nhất của Tây Nguyên - cao nguyên Langbiang đầy nắng và gió; Tham quan vườn hoa TP. Đà Lạt... Chương trình gala dinner với phần vui chơi có thưởng và nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của Tây Nguyên.

   Chuyến du lịch, nghỉ dưỡng dành cho CBCNV tiêu biểu đã kịp thời động viên và tạo động lực, thúc đẩy, khuyến khích Người lao động tiếp tục phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng Bệnh viện Than – Khoáng sản ngày càng phát triển.

Một số hình ảnh:

 

 

 

 

                                                                                   BCH Công đoàn Bệnh viện.

12 triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất

Đến nay, các chuyên gia y tế vẫn gặp khó khăn trong việc điều trị hậu Covid-19, chứng rối loạn gây ra mệt mỏi mạn tính, mất ngủ, sương mù não cùng hàng chục triệu chứng khác.

Mệt mỏi, khó chịu là tình trạng phổ biến nhất ở những người trải qua Covid-19. Ảnh: Pinterest.

Theo Pain News Network, sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, bệnh nhân thường có các triệu chứng khác nhau nên rất khó xác định nguyên nhân. Liệu đó có phải là hậu Covid-19 (còn gọi là long covid)? Hay là bệnh đau cơ xơ hóa? Cũng có thể là hội chứng mệt mỏi mạn tính? Bệnh lao hay chỉ là bệnh cúm nghiêm trọng?

12 triệu chứng phổ biến

Nghiên cứu mới do Sáng kiến PHỤC HỒI của Viện Y tế Quốc gia Mỹ chỉ đạo đã xác định 12 triệu chứng phổ biến nhất của hậu Covid-19. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu tạo ra một định nghĩa hiệu quả về tình trạng bệnh nhằm giúp chẩn đoán và điều trị dễ dàng hơn.

Tiến sĩ y khoa Leora Horwitz, Giám đốc Trung tâm Khoa học Chuyển phát và Đổi mới Chăm sóc Sức khỏe tại NYU Langone Health, tác giả chính, cho biết: “Nghiên cứu này là một bước quan trọng để xác định hậu Covid-19 ngoài các triệu chứng riêng lẻ. Định nghĩa này - có thể phát triển theo thời gian - sẽ đóng vai trò nền tảng cho việc phát hiện và điều trị khoa học”.

Tiến sĩ Horwitz cùng các đồng sự đã nghiên cứu dữ liệu khảo sát từ 9.764 tình nguyện viên là người trưởng thành trên khắp nước Mỹ. Gần 90% đã bị mắc Covid-19. Một số đã hồi phục hoàn toàn, trong khi những người khác có các triệu chứng hậu Covid-19 - về mặt kỹ thuật được gọi là di chứng hậu cấp tính của nhiễm SARS-CoV-2 (PASC). Khoảng 23% những người tham gia nhiễm virus corona trước đó có biểu hiện phù hợp với định nghĩa hậu Covid-19.

Kết quả nghiên cứu, được công bố trên JAMA, đã kiểm tra 37 triệu chứng trên nhiều vùng và cơ quan của cơ thể. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã áp dụng phân tích thống kê để xác định 12 triệu chứng mà một người mắc hậu Covid-19 rất có thể gặp phải.

Chúng bao gồm khó chịu sau khi gắng sức, mệt mỏi, sương mù não, chóng mặt, các triệu chứng tiêu hóa, tim đập nhanh, các vấn đề về ham muốn tình dục, mất khứu giác hoặc vị giác, khát nước, ho mạn tính, đau ngực và rối loạn vận động.

 

Mức độ phổ biến của các triệu chứng xuất hiện trên những người tham gia nghiên cứu từng mắc Covid-19 (đơn vị: %). Nguồn: JAMA.

Ý nghĩa của nghiên cứu

Bằng cách cho điểm cho từng từng triệu chứng, các nhà nghiên cứu xác định điểm PASC của từng người tham gia nghiên cứu dựa trên sự kết hợp các triệu chứng của họ. Một số triệu chứng xuất hiện với tỷ lệ cao hơn những triệu chứng khác, trong đó, tình trạng khó chịu và mệt mỏi là nổi bật nhất, xảy ra trong gần 90% trường hợp.

Đồng tác giả Andrea Foulkes, điều tra viên chính của Lõi Tài nguyên Dữ liệu RECOVER, cho biết: “Giờ đây, chúng tôi có thể xác định những người mắc hậu Covid-19 và bắt đầu thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn để hiểu các cơ chế đang diễn ra. Những phát hiện này tạo tiền đề cho việc xác định các chiến lược điều trị hiệu quả cho những người mắc long Covid. Việc hiểu được nền tảng sinh học rất quan trọng đối với nỗ lực đó”.

Các nhà nghiên cứu phát hiện hậu Covid-19 phổ biến và nghiêm trọng hơn ở những người tham gia bị nhiễm trước khi chủng Omicron xuất hiện vào cuối năm 2021. Những người chưa được tiêm phòng và người bị mắc Covid-19 nhiều lần cũng có nhiều khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu đã xác định 4 nhóm bệnh nhân với các nhóm triệu chứng khác nhau. Một số cụm bao trùm nhiều cơ quan, chẳng hạn tim, phổi và não, cho thấy phản ứng toàn cơ thể với virus có thể xảy ra ở một số người mắc long Covid.

Tính đến tháng 5, hơn 100 triệu người Mỹ đã nhiễm SARS-CoV-2. Các chuyên gia ước tính khoảng 6% trong số này tiếp tục gặp phải các triệu chứng Covid-19 kéo dài.

Nguyên Lê

Nguồn tin: https://baomoi.com/12-trieu-chung-hau-covid-19-pho-bien-nhat/c/45967091.epi

10 phát biểu ấn tượng của đại biểu Quốc hội ở phiên họp về COVID-19, y tế cơ sở.

(VTC News) - Phiên thảo luận của Quốc hội ngày 29/5 khép lại với nhiều ý kiến của đại biểu các địa phương tranh luận thẳng thắn, tâm huyết, nhìn thẳng vào nhiều vấn đề hạn chế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kể chuyện 4 Bộ trưởng ăn mì tôm ở sân bay thời chống COVID-19

 

Nhớ lại quãng thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, Chính phủ làm việc không quản thời gian nhằm nhanh chóng lập quỹ vaccine phòng chống COVID-19. "21h đêm, Thủ tướng điện cho tôi hỏi có thành lập được quỹ vaccine không? Tôi trả lời là thành lập được. Ngay trong đêm hôm đó, chúng tôi triệu tập cuộc họp, phân công nhiệm vụ các Vụ, Cục để triển khai quy chế, thành lập quỹ. Chúng tôi đã giao cho Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng Thông tư 41 ngay trong đêm. Và 8h hôm sau đặt trên bàn Thủ tướng cả Thông tư và Quyết định thành lập quỹ vaccine phòng chống COVID-19", Bộ trưởng Tài chính chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) thắng thắn cho rằng, sự bất hợp lý của chính sách đang bóp nghẹt sự phát triển của trạm y tế xã, phường. Có trường hợp, cùng một loại bệnh nền, nếu chữa ở trạm y tế xã chỉ được sử dụng thuốc hạ huyết áp 100 nghìn đồng, trong khi lên tỉnh, huyện lại dùng thuốc đắt tiền hơn. Hay chế độ khám bệnh nhân của các y bác sĩ ở y tế xã chỉ được 27 nghìn đồng/người bệnh mà còn bị trừ ngược trừ xuôi...

 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu, tình trạng trạm y tế xã biên chế mỗi đêm trực chỉ một người, trong khi đây là tuyến đầu cấp cứu ban đêm cho các bệnh nhân đánh nhau, tai nạn giao thông... rất phức tạp, nên các nhân viên y tế, nhất là nữ không thể trực một mình. Nhiều bác sĩ nữ đi trực phải rủ mẹ, chị em hoặc chồng, con đi theo vì sợ bệnh nhân gây khó khăn. Trong khi, tiền trực mỗi đêm chỉ 25 nghìn đồng, tiền ăn 15 nghìn đồng, chế độ rất khiêm tốn với cống sức đội ngũ này bỏ ra. Chế độ chính sách thấp rất khó thu hút, giữ chân người làm việc ở y tế cơ sở.

 

Đại biểu Trịnh Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) chia sẻ, nhiều xã phường của các thành phố, đặc biệt khu vực đô thị mật độ dân cư đông, tỷ lệ 10 bác sĩ/30.000-50.000 dân (tiêu chuẩn theo quy định là 10 bác sĩ/15.000 dân). Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng, thu nhập cán bộ y tế chỉ 5 - 7 triệu đồng tháng. 

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhắc lại những vết gợn, những bài học xương máu trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó "cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức sản xuất kit test thật đau đớn, thật đáng lên án. Sự trả giả là quá đắt, quá lớn". Hay có những trường hợp vi phạm không phải do tham lam, vụ lợi mà chỉ là làm sai quy trình để đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) băn khoăn sai khi hết dịch COVID-19, các y bác sĩ ở bệnh viện lại đối mặt với nỗi lo trả trang thiết bị y tế, oxy, thuốc men cho đơn vị doanh nghiệp từng mượn trong lúc chống dịch khẩn cấp. Hiện các đơn vị doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng các cơ sở y tế không có đủ cơ sở pháp lý để hoàn trả.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu: "Trong việc phòng chống dịch COVID-19, chúng ta thu được rất nhiều thành quả, được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, tôi - với tư cách người dân - chỉ thấy rằng chúng ta chiến thắng mà thay tướng, "trảm" tướng thì suy ra là thất bại. Nguyên hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch quá lớn". 

 

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành Luật bảo hiểm y tế để khắc phục tình trạng bác sỹ không phải là người kê toa thuốc hay quyết định điều trị cho bệnh nhân thế nào, mà lại là nhân viên bảo hiểm y tế - những người không có chuyên môn. Nhiều bác sĩ chia sẻ khi giải trình với bảo hiểm y tế thì nhận được những câu hỏi rất khó "tại sao lại kê thuốc này mà không phải một loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cấp...". Nguyên nhân do các quy định, thủ tục thanh toán y tế gây khó cho bệnh nhân và bác sĩ.

 

Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành Y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều, cần loại bỏ ngay. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác cần áp dụng luật để phán xét làm cho cái hợp pháp thực sự là hợp tình và hợp lý.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm chưa thay đổi. Hay chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm nay. Đây là nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ không mặn mà với ngành Y. Nữ đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở. 

Chuyên đề: Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV

HÀ CƯỜNG

Nguồn tin: https://vtc.vn/10-phat-bieu-an-tuong-cua-dai-bieu-quoc-hoi-o-phien-hop-ve-covid-19-y-te-co-so-ar786078.html

Thứ sáu, 26 Tháng 5 2023 09:11

Đại hội Công đoàn Bệnh viện

Đại hội Công đoàn Bệnh viện Than – Khoáng sản: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”

Ngày 24/5, Bệnh viện Than – Khoáng sản đã tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.

(Các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện tặng hoa chúc mừng Đại hội)

Tham dự Đại hội có:

-      Bà Nguyễn Thị Minh – Phó chủ tịch Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam.

-      Ông Trần Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện.

-      Ông Trần Quang Lương – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Bệnh viện.

-      Các đồng chí đại diện cho các Ban của Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và 61 đại biểu đại diện cho 270 đoàn viên công đoàn của toàn Bệnh viện.

 

(Đồng chí Lê Quang Chung – Chủ tịch công đoàn – Phó Giám đốc Bệnh viện trình bày các báo cáo tại Đại hội)

Công đoàn Bệnh viện đã chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCNV, người lao động; tuyên truyền, giáo dục CBCNV, người lao động về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chủ trương của Ngành, của Công đoàn; Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CBCNV, người lao động, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Bệnh viện, cũng như của ngành Than – Khoáng sản. Toàn thể CBCNV, người lao động của Bệnh viện Than – Khoáng sản đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động của Công đoàn, của Bệnh viện Than – Khoáng sản tổ chức.

 

(Đồng chí Trần Quang Lương – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Than – Khoáng sản phát biểu tại Đại hội)

Trong thời gian qua, Bệnh viện Than – Khoáng sản đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được triển khai trong các lĩnh vực: Điều trị Bệnh nghề nghiệp; nội soi và nội soi can thiệp,, … Công tác khám kiểm tra sức khoẻ định kỳ; khám Bệnh nghề nghiệp hàng năm đạt khoảng hơn 55.000 lượt khám sức khoẻ cá nhân và theo đoàn, khám sức khỏe Bệnh nghề nghiệp…

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù có nhiều khó khăn khách quan như dịch bệnh Covid-19, thiên tai; sự thay đổi cơ chế quản lý … nhưng với sự lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện nên Bệnh viện đã thực hiện tốt về việc làm, tiền lương, thu nhập của đoàn viên, CBCNV, người lao động. Luôn đảm bảo thu nhập ổn định, điều kiện lao động và các chế độ chính sách được đảm bảo và từng bước cải thiện.

Tập thể và cá nhân của Công đoàn cơ sở Bệnh viện Than – Khoáng sản đã nhận được nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam .

 

(Đồng chí Nguyễn Thị Minh – Phó chủ tịch Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam phát biểu tại Đại hội)

Đại hội đã lựa chọn và bầu ra Ban Chấp hành công đoàn Bệnh viện Than – Khoáng sản nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 07 đồng chí. Đồng thời, bầu đoàn đại biểu dự Đại hội VI Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 01 đại biểu chính thức .

 

(Ban Chấp hành công đoàn cơ sở Bệnh viện Than – Khoáng sản nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt Đại hội )

Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Than – Khoáng sản lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với phương châm “Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển”, toàn thể CNCNV, đoàn viên công đoàn sẽ quyết tâm đổi mới, đoàn kết một lòng, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Góp phần xây dựng và phát triển Bệnh viện Than – Khoáng sản trở thành Bệnh viện đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến theo tinh thần, nội dung Nghị quyết 54/NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Đồng thời khẳng định uy tín, xứng đáng là Bệnh viện điều trị chuyên sâu về Bệnh nghề nghiệp, đáp ứng những kỳ vọng của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của CBCNV ngành Than – Khoáng sản và nhân dân.

Đại hội cũng đã được nghe các ý kiến phát biểu chúc mừng và chỉ đạo tại Đại hội của đồng chí Trần Quang Lương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, đồng chí Nguyễn Thị Minh - Phó chủ tịch Công đoàn TKV.

Một số hình ảnh tại Đại hội:

 

 

(Toàn cảnh Đại hội)

 

(Toàn cảnh Đại hội)

 

(Đoàn chủ tịch Đại hội)

 

(Bỏ phiếu bầu cử tại Đại hội)

 

(Công đoàn TKV tặng hoa chúc mừng Đại hội )

  

  

(Trung tâm y tế Than khu vực Mạo khê tặng hoa chúc mừng Đại hội)

  

( BCH Công đoàn Bệnh viện chia tay đồng chí Hồ Đại Ngọc - Ủy viên BCH công đoàn khóa VI )

                                                      

                                                                       BCH Công đoàn Bệnh viện


Một số quy định mới về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Khi tham gia bảo hiểm xã hội người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi từ chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Từ 1/7/2023 do ảnh hưởng của mức lương cơ sở tăng người lao động và người thân sẽ được nhận thêm quyền lợi.

 

 

Ảnh minh họa

Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là gì?

Căn cứ theo nội dung quy định tại  Điều 142, 143 Bộ luật lao động 2012, khái niệm chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (Viết tắt: TNLĐ&BNN) sẽ được hiểu đúng như sau:

Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra đối với người lao động trong quá trình lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người hoặc gây tử vong cho người lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động trong thời gian làm việc, thực hiện nhiệm vụ. Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

Như vậy, người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc sẽ được hưởng chế độ TNLĐ&BNN theo đúng với quy định hiện hành của pháp luật.

 Từ 1/7/2023 Tăng thêm quyền lợi hưởng chế độ TNLĐ-BNN

Do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở năm 2023 từ ngày 01/7/2023 lên mức mới là 1,8 triệu đồng/ tháng do đó mà mức hưởng trợ cấp của những người lao động lao động bị TNLĐ - BNN cũng được tăng lên đáng kể.

Cụ thể mức tăng các khoản trợ cấp này như sau:

Trợ cấp bhxh đối với người lao động bị ảnh hưởng

1. Người lao động sẽ được tăng mức hưởng trợ cấp bhxh 1 lần, cụ thể:

- Mức suy giảm khả năng lao động 5% mức nhận trợ cấp tăng từ 7,45 triệu lên mức 9 triệu đồng

- Mức suy giảm khả năng lao động từ 6% - 30% trở lên mức nhận tăng từ (7,45 + 0,745 x % suy giảm vượt quá 5%) lên mức (9 + 0,9 x % suy giảm vượt quá 5%) triệu đồng

2. Người lao động được tăng thêm mức hưởng trợ cấp hằng tháng. Cụ thể,

- Với mức suy giảm 31% khả năng lao động NLĐ được nhận mức trợ cấp bhxh hàng tháng tăng từ 447.000 đồng lên 540.000 đồng/tháng

- Với mức suy giảm từ 32% khả năng lao động trở lên NLĐ được hưởng mức trợ cấp tăng từ (447.000 + 29.800 x % suy giảm vượt quá 31%) lên (540.000 + 36.000 x % suy giảm vượt quá 31%) đồng

3. Người lao động được tăng trợ cấp phục vụ từ 1,49 triệu lên 1,8triệu đồng/tháng

4. NLĐ được tăng trợ cấp dưỡng sức sau điều trị thương tật, bệnh tật, cụ thể:

· Trợ cấp ngày tăng từ 447.000 lên 540.000 đồng

· Trợ cấp nghỉ 05 ngày tăng từ 2.235.000 lên 2.700.000 đồng

· Trợ cấp nghỉ 07 ngày tăng từ 3.129.000 lên 3.780.000 đồng

· Trợ cấp nghỉ 10 ngày tăng từ 4.470.000 lên 5.400.000 đồng

5. Người lao động được tăng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tối đa, mức tăng từ 22,35 triệu đồng lên 27 triệu đồng

 Trợ cấp BHXH dành cho thân nhân người lao động

Trong một số trường hợp do người lao động không qua đời hưởng chế độ tai nạn lao động bhxh, thì người thân của người lao động sẽ được nhận mức trợ cấp này. Theo đó tăng mức trợ cấp BHXH cụ thể như sau:

- Tăng mức trợ cấp 1 lần khi chết tăng từ 53,64 triệu lên 64,8 triệu đồng

- Tăng trợ cấp mai táng tăng từ 14,9 triệu lên 18 triệu đồng

- Trợ cấp tuất hàng tháng:

· Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng tăng từ 1,043 triệu lên 1,26 triệu đồng/tháng

· Trường hợp còn lại tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng/tháng

Những khoản tăng trợ cấp BHXH trích từ Ngân sách Chính phủ sẽ là nguồn động viên kịp thời dành cho người lao động và nhân thân của họ trong trường hợp không may mắn xảy ra.

Trong trường hợp người lao động có nhu cầu xin hưởng chế độ cần xác định rõ bản thân có đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên hay không? Sau đó bạn cần thực hiện việc làm hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ theo đúng quy định.

Phương Minh

Nguồn tin: https://baodansinh.vn/mot-so-quy-dinh-moi-ve-che-do-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep-20230420110223.htm

Những kỷ niệm sinh nhật sâu sắc trong cuộc đời Bác Hồ

 

Kể từ ngày 18/5/1946 khi các báo ở Thủ đô Hà Nội lần đầu thông tin với đồng bào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngày 19/5/1890, cứ vào dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Người những tình cảm sâu nặng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Nhưng Bác luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường dặn trước các địa phương, cơ quan không nên tổ chức linh đình... Ôn lại kỷ niệm về những ngày sinh của Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời phẩm chất cao đẹp của một con người vĩ đại!

Kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên: 19/5/1946

Ngày 19/5, nhân dân Thủ đô Hà Nội vô cùng hạnh phúc được thay mặt đồng bào cả nước đến chúc mừng sinh nhật Bác. 

Ngay từ sáng sớm, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ đã tới chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cháu nhi đồng Tháng Tám, mũ ca-lô đội lệch, súng gỗ vác trên vai, kéo sang Bắc Bộ phủ. Bác Hồ cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫy tay chào các cháu. Bác đề nghị mở cửa Bắc Bộ phủ cho các cháu vào.

 
( Bác luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho các em thiếu nhi. Ảnh tư liệu )

Trong các em thiếu nhi đến chúc mừng sinh nhật Bác hôm ấy, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.

Quà của Bác Hồ cho các cháu bé là một cây bách tán với lời gửi gắm: "Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!".

Các em thiếu nhi vui mừng hát một bài cảm ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu cây bách tán ra thì một đoàn hơn 50 anh, chị là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc mừng sinh nhật Bác. 

Trong phái đoàn có chị Nguyễn Thị Định, người sau này trở thành một nữ tướng, người đại diện cho truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam. Chị kể lại trong hồi ký rằng, Bác đã xúc động nói: "Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay nước ta đang có nhiều khó khăn". Câu tiếp theo, giọng Bác càng xúc động hơn: "Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ" .

Cũng trong buổi sáng ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người, trong đó có đại diện của Tổng hội Công chức và Hội đồng Kiến thiết quốc gia; Ban vận động Trung ương Đời sống mới. Lực lượng Thanh niên Thủ đô thì tổ chức tuần hành mừng sinh nhật Bác Hồ.

Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí, Bác nói: "… Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc… Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi" .

Kỷ niệm sinh nhật Bác ở chiến khu Việt Bắc

Ở chiến khu Việt Bắc, công việc kháng chiến bề bộn nhưng Bác luôn tạo nên một không khí bình thản, tự tại, một cuộc sống đầm ấm mang nặng tình đồng chí, nghĩa đồng bào để vượt qua thử thách, gian nan, thiếu thốn. 

Sinh nhật năm 1948 là kỷ niệm sinh nhật không bao giờ quên đối với Bác. Trước đó vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) - người phục vụ nấu ăn cho Bác cũng là người đồng chí, người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc rồi sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng - vừa mới qua đời do sốt rét ác tính. Vì vậy mà kỷ niệm sinh nhật Bác diễn ra lặng lẽ. 

Sáng sớm ngày 19/5/1948, các đồng chí phục vụ mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác. Khi nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng, Bác xúc động rơm rớm nước mắt: "Bác cảm ơn các chú. Bác đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc". Thế là lễ mừng sinh nhật của Bác Hồ năm ấy, Bác đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.

Ngày 19/5/1949, anh em cơ quan định tổ chức một bữa ăn "tươi" mừng sinh nhật Bác. Lúc này bác cháu đang ở tại một bản đồng bào Mán, thuộc tỉnh Thái Nguyên, giáp Bắc Kạn. Anh em chưa kịp nói gì thì Bác đã chủ động thân mật bảo: "Bác cảm ơn các chú, thôi để về Thủ đô tha hồ mà chúc". Rồi Bác phân công anh em, người sang bên "vô tuyến điện" để lấy tin tức, người làm nốt một số công việc ở cơ quan, người thì đi làm thêm dây câu cá để cải thiện... Bác vừa thân tình không để cho anh em chúc thọ, vừa thiết thực giao việc cho anh em làm. "Về Thủ đô tha hồ mà chúc!", câu nói giản dị, thân tình của Bác sao mà đúng tâm tình của anh em đến thế, nên đã càng thúc đẩy mọi người hăng say mọi mặt công tác để kháng chiến mau chóng thắng lợi còn về Thủ đô chúc thọ Bác Hồ!

 

( Các chiến sĩ Điện Biên mừng sinh nhật Bác (19/5/1954). Ảnh tư liệu )

Kỷ niệm sinh nhật giải phóng

Sau 9 năm gian lao kháng chiến, quân và dân ta giành được những thắng lợi to lớn, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đầu tháng 5/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra đúng dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu, là món quà vô giá và đặc biệt nhất của quân và dân ta kính dâng lên Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người.

Có lẽ đây là kỷ niệm sinh nhật vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời Bác Hồ. Hoà cùng với niềm vui chung của quân và dân ta, Bác viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, bức thư được đăng trên báo Nhân dân, số 184. 

Trong thư, Người nhắc nhở không được chủ quan, khinh địch; phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để giành thắng lợi lớn hơn nữa. Người và Chính phủ dự định tặng thưởng cho các chiến sĩ và cán bộ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Số báo trên còn đăng bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ký bút danh C.B. Bài thơ ca ngợi tinh thần dũng cảm, gan dạ vượt nhiều gian khổ, khó khăn của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng nhân dịp sinh nhật, Bác đã chiêu đãi những chiến sĩ tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáng 19/5/1954, đoàn chiến sĩ thi đua từ mặt trận Điện Biên Phủ về mừng sinh nhật Bác. Bác khen ngợi và hỏi về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người. 

Bác xúc động khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của các chiến sĩ và động viên: Đất nước rồi sẽ độc lập, chắc chắn dân sẽ đủ ăn. Bác căn dặn các chiến sĩ: Phải tranh thủ học tập thật nhiều nâng cao trình độ văn hoá. Có học mới phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng . Bác tự tay gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng De Castries. Gắn huy hiệu xong, Người đề nghị để đạo diễn Liên Xô Roman Karmen cùng chụp ảnh với các chiến sĩ. Người nói vui: "Phải cười tươi lên đấy! Ai cười to, Bác cưới cho vợ đẹp". Buổi tối, Người mở tiệc chiêu đãi các chiến sĩ đã lập công trong chiến thắng Điện Biên Phủ và các bạn Liên Xô .

 

Theo đồng chí Vũ Kỳ-Thư ký riêng của Bác: "Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến 19/5/1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc" - Ảnh tư liệu

Kỷ niệm sinh nhật, Bác viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật"

Kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 là dịp hết sức đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Dường như Người dự liệu trước được quy luật khắc nghiệt mà cuộc đời bất kỳ con người nào cũng phải trải qua nên Người bắt đầu viết "Di chúc" để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Sáng ngày 10/5/1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, vào lúc 9h sáng - giờ đẹp nhất của một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu "Tuyệt đối bí mật".

Với đức khiêm tốn cao cả, Bác không gọi là "Di chúc", "Chúc thư" hay "Di huấn"... mà Bác gọi rất giản dị là "Tài liệu", là "Thư", là "Mấy lời… tóm tắt vài việc". Bác cũng không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người sắp "đi xa", ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi trong hoàn cảnh cả nước đang đánh Mỹ, nên mở đầu bài viết, Bác ghi rõ "Nhân dịp 75 tuổi" và phía bên lề trái, Bác ghi chú thêm hàng chữ "Tuyệt đối bí mật", có nghĩa tài liệu này sẽ chỉ được công bố khi Người "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác".

Những ngày tiếp theo của tháng 5/1965 hay những ngày trung tuần tháng 5 của những năm sau cũng vậy, Bác viết, sửa chữa, bổ sung tài liệu "Tuyệt đối bí mật" ở phòng làm việc Nhà sàn.

Theo đồng chí Vũ Kỳ-thư ký riêng của Bác: "Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến 19/5/1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc" . Tại ngôi nhà sàn lộng gió thời đại, Bác ung dung, thư thái viết ra những điều Bác đã suy nghĩ, đúc kết những tư tưởng lớn lao, những suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và dựng xây lại cho đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Di chúc của Bác do đó là tài sản tinh thần vô giá Bác trao cho thế hệ chúng ta hôm nay cũng như các thế hệ mai sau.

Kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ

Sang năm 1969, sức khoẻ của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi "công tác xa" như những năm trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên trong 4 năm (1965-1969) Bác viết và sửa Di chúc muộn hơn, từ 9h30 đến 10h30 ngày 10/5/1969 (do Bác đi dự Hội nghị Trung ương ở nhà khách Hồ Tây về đến nhà sàn đã hơn 9h sáng).

Ngày hôm đó Bác đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản Tin tham khảo đặc biệt (Việt Nam Thông tấn xã phát hành) số ra thứ 7 ngày 3/5/1969. 

Bản viết này Bác viết bằng bút mực Cửu Long xanh đen, còn những chữ sửa lại, viết thêm thì Bác dùng bút mực đỏ, những chỗ gạch chân, chữ số, Bác dùng bút bi đỏ. Ngày 12/5, do buổi sáng Bác đi dự họp Bộ Chính trị nên Bác chuyển giờ viết Di chúc vào buổi chiều, từ 15h đến 16h. Những ngày này Bác chủ yếu sửa chữa đoạn mở đầu và viết thêm Di chúc năm 1968.

Chiều ngày 11/5/1969, Bác đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Cả hội trường vang dậy những tràng vỗ tay vui mừng phấn khởi được đón Bác. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt các cán bộ và chiến sĩ toàn quân mang hoa đến chúc thọ Bác. Đồng chí xúc động bày tỏ: "Thưa Bác! Nhân dịp mừng thọ Bác 79 tuổi, chúng cháu xin thay mặt cán bộ chiến sĩ toàn quân, kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu. Toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác". Đồng chí Vương Thừa Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại đồng chí .

Ngày 18/5/1969, các cán bộ trong cơ quan Phủ Chủ tịch tổ chức mừng thọ Bác. Mọi người phấn khởi thưa với Bác về những chiến công mà quân và dân miền Nam đã giành được kính dâng lên Bác nhân dịp sinh nhật. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, thay mặt các cán bộ văn phòng và những người giúp việc đứng dậy xúc động nói: "Thưa Bác, nguyện vọng tha thiết của anh em là cố gắng mọi mặt mong Bác ăn được ngon, ngủ được tốt. Kính chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi".

Chiều cùng ngày, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản, đầm ấm. Mọi người đều đứng xung quanh Bác. Đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc mừng sinh nhật Bác. Bác cười vui thân mật mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn "nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà".

Ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản nhất. Bác cố gắng và kiên trì tập ném bóng vào chiếc giỏ đựng giấy để cách xa khoảng vài mét ở dưới nhà sàn. Bác bình tĩnh chuẩn bị ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn kiên nhẫn muốn có thêm thời gian, thêm sức khoẻ để ở lại với đồng bào, đồng chí, vì sự nghiệp cách mạng chưa trọn vẹn, miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất.

9h sáng của ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Bác thay đổi ba chữ trên trang đầu: Bác thêm chữ "rất" thay chữ "như thường" trong câu "Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường" để thành "Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt"; Bác thay chữ "tuổi" bằng chữ "xuân" trong câu "Khi người ta đã ngoài 70 tuổi"  và Bác dùng từ "sẽ" thay chữ "phải" trong câu "phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác" .

10h30 Bác tiếp và mời cơm chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ Người. Và bữa cơm trưa ngày 19/5 ấy, ngày 19/5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ, đã diễn ra thật ấm cúng, thân tình: Bác ngồi ở đầu bàn, chị Quyên ngồi bên trái Bác, chị Châu ngồi bên phải Bác, cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thế là gần đủ 3 thế hệ, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Hôm ấy, Bác ăn ngon miệng, Bác vừa ăn, vừa nói chuyện rất vui.

14h, các bác sĩ đến kiểm tra sức khoẻ cho Bác. 14h30, Người lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc trâu bò. 

Đây là bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho thiếu nhi Việt Nam, trong thư có đoạn viết: "Các cháu tuy tuổi còn nhỏ cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà, của hợp tác xã". Trong ngày, Bác gửi tặng cán bộ nhân dân tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Người. Phía dưới tấm ảnh Người viết: "Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân". Người cũng gửi tặng ảnh chân dung cho cán bộ, công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng và Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người.

Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những ngày làm việc của Bác và tất cả mọi người đều không ai nghĩ rằng đó là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần cuối cùng.

                                                                                                 Nguồn: Chinhphu.vn

Bệnh viện Than – Khoáng sản đã điều trị thành công ca sốt xuất huyếtDengue/ người bệnh xơ gan cổ chướng mức độ nặng.

(Chăm sóc người bệnh)

Theo thông tin, nam người bệnh Phùng Quang Lợi, 53 tuổi, địa chỉ tại Hoàng Mai – Hà Nội, nhập viện điều trị ngày 1/5/2023 (ngày thứ 3 của bệnh) với chẩn đoán Dengue xuất huyết trên bệnh nhân Xơ gan cổ chướng, rối loạn đông máu.

Người bệnh được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng sốt, xuất huyết da nhiều vị trí, da vàng đậm, củng mạc mắt vàng, bụng căng to, cổ chướng nhiều.

Các bác sĩ khẩn trương tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng viêm, tràn dịch ổ bụng, rối loạn đông chảy máu với biểu hiện tiểu cầu giảm thấp, D-Dimer tăng cao, tổn thương gan cấp, rối loạn nước điện giải.v.v..

Người bệnh được chẩn đoán xác định: Sốt xuất huyết Dengue / Xơ gan cổ chướng, tổn thương gan cấp. Được điều trị thở 0xy lưu lượng cao qua mũi, bù Albumin, điều chỉnh rối loạn điện giải, hỗ trợ tế bào gan, kháng sinh mạnh phối hợp.

Trong quá trình theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, người bệnh trải qua các đợt diễn biến nặng, CRPhs tăng cao, cổ chướng tăng, người bệnh gặp ảo giác.

Sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia, các bác sĩ tiến hành sử dụng kháng sinh phối hợp, tiếp tục bù albumin và điều chỉnh cân bằng nước, điện giải.

Sau những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện trở về cùng với gia đình vào ngày 12/5/2023. Khi ra viện người bệnh được kê đơn điều trị tại nhà và hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt cụ thể.

Bác sỹ đã đưa ra khuyến cáo về bệnh Sốt xuất huyết Dengue như sau:

  1. Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua trung gian là Muỗi, gây ra các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
  2. Đặc điểm của Sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc, giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng.v.v.. nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
  3. Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn:

-         Giai đoạn sốt.

-         Giai đoạn nguy hiểm.

-         Giai đoạn hồi phục.

     * Giai đoạn nguy hiểm: Thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh tính từ khi khởi phát với các biểu hiện của thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch.

   * Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau mỏi người, chảy máu tự nhiên.v.v.. cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh chủ quan dẫn đến những biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

                                                                                                

                                                                                     Tin bài và ảnh: Bác sỹ Hải Anh

Thứ ba, 16 Tháng 5 2023 09:40

Công đoàn TKV thăm và tặng quà

Công đoàn TKV thăm và tặng quà tại Bệnh viện Than – Khoáng sản nhân dịp Tháng công nhân 2023.

  

(Đồng chí Nguyễn Thị MinhPhó chủ tịch Công đoàn TKV tới thăm và tặng quà Khoa Điều trị Bệnh nghề nghiệp)

   Ngày 15/5/2023, Phó chủ tịch Công đoàn TKV - Nguyễn Thị Minh đã tới thăm, tặng quà và gặp mặt các tập thể và cá nhân xuất sắc tiêu biểu của Bệnh viện Than – Khoáng sản nhân dịp Tháng Công nhân năm 2023.

   Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Phó chủ tịch Công đoàn TKV đã đến thăm, tặng quà và động viên tập thể xuất sắc tiêu biểu là Khoa điều trị Bệnh nghề nghiệp và Công đoàn Khối Nghiệp vụ.

   Nhân chuyến thăm, đồng chí Nguyễn Thị Minh đã trao đổi, trò chuyện thân mật và ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các tập thể và cá nhân xuất sắc cũng như của Bệnh viện Than – Khoáng sản. Đồng chí hy vọng tập thể CBCNVC Bệnh viện tiếp tục đoàn kết, phát huy kết quả, thành tích đạt được, hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt các nội dung trong “Tháng hành động về ATVSLĐ - Tháng Công nhân” năm 2023, nâng cao thu nhập, đời sống, phúc lợi cho người lao động ngày càng tốt hơn.

   Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Quang Chung – Chủ tịch công đoàn – Phó Giám đốc Bệnh viện cảm ơn sự quan tâm của Công đoàn TKV tới CBCNV trong Bệnh viện và công nhân của ngành Than – Khoáng sản đang điều trị tại Bệnh viện. Sự quan tâm này đã tiếp thêm động lực cho mỗi đoàn viên công đoàn trong Bệnh viện luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của Bệnh viện .

   Cũng trong chuyến thăm này, đồng chí Nguyễn Thị Minh đã tới thăm hỏi và động viên công nhân trong ngành đang điều trị tại Khoa Điều trị Bệnh nghề nghiệp .

Một số hình ảnh :

 

 

 

 

                                                                                   Tin bài và ảnh: Bác sỹ Hải Anh