“ĐIỀU DƯỠNG, CHÀO EM!”

“ĐIỀU DƯỠNG, CHÀO EM!”

Người ta luôn ví nghề Điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà Điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mà người bệnh thì không ai giống ai, từ bệnh tình cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ.  Làm nghề Điều dưỡng ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Với xã hội ngày càng phát triển và nhận thức của mỗi người ngày càng được nâng cao, nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này. Chặng đường phía trước chúng tôi còn rất dài và gian nan, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chùn bước. Nghề phải luôn giữ được chữ TÂM và nó được đặt lên hàng đầu, không được vì bất cứ lý do gì mà đánh mất nó. Vì thế, tôi luôn nhắc mình phải phấn đấu để trở thành một Điều dưỡng tận tâm trong công việc, đối đãi với người bệnh chân tình, cởi mở để chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, giúp đỡ, động viên người bệnh yên tâm điều trị sớm phục hồi sức khỏe.

Mượn bốn câu thơ của đại văn hào Nguyễn Du để nói về nghề gắn liền với nghiệp của mình:

“ Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

          Trong xã hội hiện nay, nhìn nhận và đáng giá nhiệm vụ cũng như chức

năng nghề Điều dưỡng còn rất nhiều bất cập, không đúng. Tôi xin tham khảo

một bài viết có tính khoa học, tính chính xác, về ngành nghề của mình và cũng

xin đưa ra đây để bàn luận!

1. Điều dưỡng và nghề Điều dưỡng.
1.1. Định nghĩa điều dưỡng.

            Do vị trí xã hội, trình độ và sự phát triển của ngành Điều dưỡng ở các nước rất khác nhau, cho đến nay chưa có sự thống nhất về một định nghĩa chung cho ngành Điều dưỡng. Dưới đây là một số định nghĩa đã được đa số các nước công nhận:
            - Theo Quan điểm của Florence Nightingale 1860: Điều dưỡng là một nghệ thuật sử dụng môi trường của người bệnh để hỗ trợ sự phục hồi của họ.
            Định nghĩa của Florence Nightingale về điều dưỡng phản ánh mối quan tâm của thời đại mà bà đang sống. Bà đặt vai trò trọng tâm của người Điều dưỡng là giải quyết các yếu tố môi trường xung quanh nơi người bệnh để người bệnh được phục hồi một cách tự nhiên. Bà đã xây dựng chương trình đào tạo và mở trường Điều dưỡng đầu tiên trên thế giới tại bệnh viện Thomas Anh quốc và từ đó đặt nền tảng cho đào tạo Điều dưỡng sau này.
            - Theo quan điểm của Viginia Handerson 1960: Chức năng nghề nghiệp cơ bản của người Điều dưỡng là hỗ trợ các hoạt động nâng cao hoặc phục hồi sức khoẻ của người bệnh hoặc người khỏe hoặc cho cái chết được thanh thản mà mỗi cá nhân có thể thực hiện nếu như họ có đủ sức khỏe, ý chí và kiến thức. Giúp đỡ các cá thể sao cho họ đạt được sự độc lập càng sớm càng tốt...
            Định nghĩa của Viginia Handerson đã được Hội Điều dưỡng Quốc tế chấp nhận vào năm 1973 và đa số các nhà học thuyết điều dưỡng cũng có sự thống nhất. Theo Handerson chức năng nghề nghiệp của người điều dưỡng là chăm sóc và hỗ trợ người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày.
            - Theo quan điểm của Hội Điều dưỡng Mỹ ( Năm 1965): Điều dưỡng là một nghề hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chăm sóc đóng góp vào việc hồi phục và nâng cao sức khoẻ.
Năm 1980, định nghĩa về điều dưỡng của Mỹ đã được sửa đổi để phản ánh rõ bản chất nghề nghiệp, các khía cạnh luật pháp về phạm vi thực hành của người điều dưỡng và thể hiện xu hướng của ngành điều dưỡng trong lĩnh vức chăm sóc sức khoẻ: Điều dưỡng là chẩn đoán (Diagnosis) và điều trị (treatment) những phản ứng của con người đối với bệnh hiện tại hoặc bệnh có tiềm năng xảy ra.
            Định nghĩa trên là cơ sở để đưa ra quy trình điều dưỡng mà hiện nay được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, định nghĩa trên thiên về kỹ thuật và giảm đi thiên chức của nghề đó là chăm sóc.
            - Theo quan điểm của các nhà khoa học Việt nam.
            Mãi tới cuối thế kỷ XIX, khi các bệnh viện đầu tiên của Việt Nam được người Pháp thành lập thì điều dưỡng Việt Nam mới chính thức được hình thành. Lúc đầu những người điều dưỡng được đào tạo tại các bệnh viện theo cách cầm tay chỉ việc để làm công tác phục vụ trong các bệnh viện và cứu thương. Đến năm 1946 các khoá đào tạo y tá, hộ sinh nông thôn được mở ra và sau đó tăng lên  trình độ trung học vào cuối những năm 1960 và đào tạo cao đẳng và đại học điều dưỡng được bắt đầu vào cuối của thế kỷ XX. Mặc dù trình độ đào tạo và phạm vi thực hành của điều dưỡng Việt Nam hiện nay đã có nhiều thay đổi song trong nhận thức chung về vai trò của người điều dưỡng chưa được cập nhật cho phù hợp thực tế.
            Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1999 định nghĩa: Y tá (Điều dưỡng) là người có trình độ trung cấp trở xuống và chăm sóc người bệnh theo y lệnh bác sỹ.   Chúng ta cần có định nghĩa mới về điều dưỡng và nghề điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ hiện nay.
1.2. Định hướng nghề Điều dưỡng.
            Điều dưỡng là một nghề dịch vụ sức khoẻ cộng đồng (public health service). Tổ chức y tế thế giới đánh giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do Điều dưỡng - hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế nên đã đưa ra nhiều nghị quyết về củng cố và tăng cường dịch vụ Điều dưỡng - hộ sinh toàn cầu phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng có trình độ được coi là một chiến lược quan trọng để tăng cường sự tiếp cận của người nghèo với các dịch vụ y tế, cũng như đảm bảo công bằng xã hội trong y tế. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo các nước xây dựng và củng cố ngành Điều dưỡng theo các định hướng cơ bản sau đây.
            Điều dưỡng là một nghề chuyên nghiệp (Nursing profession).
          - Y học ngày càng phát triển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức và trình độ chuyên nghiệp của điều dưỡng. Việc nâng cao trình độ chuyên nghiệp của điều dưỡng ở bậc đại học và sau đại học đã tạo ra sự thay đổi về mối quan hệ giữa người thầy thuốc và người điều dưỡng (Doctor-Nurse relationship), người điều dưỡng trở thành người cộng sự của thầy thuốc, một thành viên của nhóm chăm sóc thay vì chỉ là người thực hiện y lệnh.
            - Nghề Điều dưỡng với bản chất nghề nghiệp là chăm sóc, nuôi dưỡng, đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người bệnh, giúp họ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường, khỏe mạnh.
            - Đối tượng phục vụ của người Điều dưỡng là con người. Đối tượng phục vụ này đòi hỏi người Điều dưỡng phải có kiến thức, kỹ năng, thái độ thích hợp để đảm đương công việc hết sức nặng nề và vinh quang mà Đảng, Nhà nước giao phó: duy trì, bảo vệ và nâng cao tình trạng sức khỏe cho nhân dân.
            Điều dưỡng là một khoa học về chăm sóc người bệnh (Nursing is a caring sciences).
            - Người Điều dưỡng không phải là bác sỹ thu nhỏ về phương diện kiến thức và kỹ năng, nói một cách khác kiến thức và kỹ năng của thầy thuốc sẽ vừa thừa và vừa thiếu đối với người điều dưỡng. Do bởi hai nghề có định hướng khác nhau về vai trò nghiệp vụ. Vai trò chính của bác sỹ là chẩn đoán và điều trị, vai trò chính của người Điều dưỡng là chăm sóc và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người bệnh về thể chất và tinh thần. Do đó, đào tạo một đội ngũ giảng viên là điều dưỡng để giảng dạy điều dưỡng trong tương lai là một trong những chính sách thiết yếu để phát triển nghề điều dưỡng ở Việt Nam.
            - Người làm công tác Điều dưỡng phải trải qua một quá trình đào tạo thích đáng về nghề nghiệp, trong các trường đào tạo tin cậy để được trang bị các kiến thức khoa học y học và Điều dưỡng.
            Điều dưỡng là một ngành học
(Nursing is a discipline).

            Do đặc thù của nghề điều dưỡng là làm các công việc chăm sóc từ đơn giản nhất đến những công việc phức tạp. Từ việc thay ga trải giường tới các công việc nghiên cứu, quản lý, đào tạo và trở thành những chuyên gia điều dưỡng lâm sàng có trình độ (Nusing expert) nên các nước đã đào tạo điều dưỡng ở các trình độ từ sơ học, đến trung học, đại học và sau đại học để đáp ứng nhu cầu hành nghề. Ngày nay, điều dưỡng không chỉ là một ngành học có nhiều chuyên khoa như điều dưỡng nhi, điều dưỡng phòng mổ, điều dưỡng cộng đồng, điều dưỡng tâm thần và nhiều nước còn áp dụng đào tạo hộ sinh là một chuyên khoa của điều dưỡng.
            Phạm vi hành nghề của điều dưỡng được pháp luật quy định.
            - Bao gồm luật về phạm vi hành nghề (Scope of Nursing Practices) và đạo đức nghề điều dưỡng (Nursing ethics). Những quy định này là rất cần thiết để người điều dưỡng thực hiện đúng nghĩa vụ nghề nghiệp của mình đối với xã hội, đồng thời người điều dưỡng cũng được pháp luật bảo vệ trong quá trình hành nghề.          

  + Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác điều dưỡng - hộ sinh đến 2010 đã được Bộ Y tế phê duyệt (5/2002) sẽ là cơ sở cho việc xây dựng những chính sách phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng cũng như đầu tư phát triển ngành điều dưỡng.
2.
Chức năng của người Điều dưỡng.

            Theo tổ chức y tế thế giới khuyến cáo Điều dưỡng có hai chức năng: Chức năng chủ động và chức năng phối hợp. Trong thực tế tại Việt Nam vẫn tồn tại 2 chức năng:

-         Chức năng chủ động (độc lập).

-         Chức năng phối hợp (hợp tác).

2.1. Chức năng chủ động (Chức năng độc lập).
            Chức năng chủ động của người Điều dưỡng bao gồm những nhiệm vụ chăm sóc cơ bản thuộc phạm vi kiến thức mà người Điều dưỡng đã được học và họ có thể thực hiện được một cách chủ động.
            Thực hiện chức năng chủ động là nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho người bệnh. Các nhu cầu cơ bản đó bao gồm các nhu cầu của người bệnh về: Hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt, vệ sinh cá nhân, thay mặc quần áo, ngủ và nghỉ, an toàn, giao tiếp, tín ngưỡng, lao động, học tập, hỗ trợ tinh thần.

2.2. Chức năng phối hợp (Chức năng hợp tác).
            Chức năng này liên quan tới việc thực hiện các y lệnh của thầy thuốc và việc báo cáo tình trạng người bệnh cho thầy thuốc. Trong khi thực hiện chức năng này người Điều dưỡng phải hiểu được mình là người cộng tác với thầy thuốc (Co- ordinator), chứ không phải là người trợ giúp cho thầy thuốc như quan điểm trước đây. Chức năng phối hợp của người Điều dưỡng bao hàm cả việc người Điều dưỡng cần có sự phối hợp với bạn bè đồng nghiệp (Điều dưỡng, Hộ sinh, kỹ thuật viên khác) để hoàn thành công việc của mình.

3. Chức năng của người Điều dưỡng chăm sóc :
            - Nghiêm chỉnh thực hiện quy chế bệnh viện, đặc biệt chú ý thực hiện quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện, quy chế quản lý buồng bệnh, buồng thủ thuật.
            - Nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ y lệnh của thầy thuốc.
            - Thực hiện chăm sóc người bệnh theo đúng quy định kỹ thuật bệnh viện:
            + Điều dưỡng trung cấp (Điều dưỡng chính) thực hiện được các kỹ thuật cơ bản như: Lập kế hoạch chăm sóc cho người bệnh, uống thuốc, kỹ thuật tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng, đặt Sonde, kỹ thuật cấp cứu theo quy định và vận hành bảo quản các thiết bị y tế trong khoa theo sự phân công.
            + Điều dưỡng cao cấp (Cử nhân Điều dưỡng) ngoài việc thực hiện như Điều dưỡng chính còn phải thực hiện các kỹ thuật chăm sóc phức tạp khi Điều dưỡng chính không thực hiện được, tham gia đào tạo, quản lý và sử dụng thành thạo các thiết bị y tế trong khoa.
            - Đối với người bệnh nặng nguy kịch phải chăm sóc theo y lệnh và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường cho bác sỹ điều trị xử trí kịp thời.
            - Ghi những thông số dấu hiệu, triệu chứng bất thường của người bệnh và cách xử trí vào phiếu theo dõi, chăm sóc theo quy định.
            - Hàng ngày cuối giờ làm việc phải bàn giao đầy đủ tình hình người bệnh cho Điều dưỡng trực và ghi vào sổ những y lệnh còn lại trong ngày, những yêu cầu theo dõi, chăm sóc đối với từng người bệnh đặc biệt là người bệnh  nặng.
            - Bảo quản tài sản, thuốc, dụng cụ y tế, trật tự và vệ sinh buồng bệnh, buồng thủ thuật trong phạm vi  được phân công.
            - Tham gia nghiên cứu Điều dưỡng và hướng dẫn thực hành về công tác chăm sóc người bệnh cho học sinh - sinh viên khi được Điều dưỡng trưởng phân công.
            - Tham gia thường trực theo sự phân công của Điều dưỡng trưởng khoa.
            - Động viên người bệnh an tâm điều trị. Phải thực hiện tốt quy định y đức
            - Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức.

                                                              Sưu tầm và viết bài: Hoàng Ngân