ĐBQH: Các đơn vị y tế lúng túng, chưa thống nhất được cách hiểu, cách làm trong cơ chế tự chủ

“Gần đây nhất là ngày 19/5/2019 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện thuộc bộ Y tế, tuy nhiên với các bệnh viện còn lại thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào”, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt bày tỏ sự trăn trở.

Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K là 4 bệnh viện thuộc bộ Y tế thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện. Nghị quyết thí điểm tự chủ 4 bệnh viện được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua ngày 19/5. Cơ chế tự chủ giúp bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân...

Tại nghị trường, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) cũng đã bày tỏ ý kiến của mình xoay quanh nội dung liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập, đặc biệt là ở tuyến tỉnh.

Theo đó, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt cho hay, hiện nay hệ thống bệnh viện công ở nước ta đang đảm nhận khoảng 90% khối lượng khám, chữa bệnh cho các tầng lớp nhân dân. Đây là lực lượng chủ yếu của ngành y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội nên được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư.

Tại hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19 về việc tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 85 năm 2012 và Nghị quyết số 16 năm 2015 về vấn đề này.

Bộ Y tế là một trong những Bộ tiên phong trong việc đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp với mục tiêu đổi mới tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải bảo đảm nhiệm vụ thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.

Các địa phương cũng ban hành chương trình hành động, xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thành chuyển các bệnh viện dần sang cơ chế tự chủ về tài chính, có thể là tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên.

Có thể nói, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước. Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cùng với việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh đã thay đổi nhận thức của nhiều đơn vị; từng bước phát huy tính năng động của các đơn vị; không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước mà chủ động bằng nhiều biện pháp khác nhau như đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh rất đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

ĐBQH Vũ Thị Nguyệt quan tâm đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập, đặc biệt là ở tuyến tỉnh.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Nguyệt cho biết, quá trình thực hiện đã nảy sinh những hạn chế, bất cập từ chính sách cho tới thực tế.

“Một là, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng bộ để thực hiện các cơ chế về tự chủ đối với ngành y tế. Gần đây nhất là ngày 19/5/2019 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện thuộc bộ Y tế, tuy nhiên với các bệnh viện còn lại thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào. Điều này dẫn đến các đơn vị y tế lúng túng, chưa thống nhất được cách hiểu, cách làm; mỗi đơn vị làm một kiểu, điều này rất dễ dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện.

Hai là, cơ chế về phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế, cụ thể: Các đơn vị y tế được giao tự chủ về tài chính nhưng lại chưa được giao tự chủ về các nội dung khác như tự chủ về bộ máy tổ chức, cơ chế thu, về tuyển dụng và sử dụng nhân lực, về đầu tư mua sắm trang, thiết bị, về cơ chế đãi ngộ…

Ba là khó khăn về nhân lực, nhiều bệnh viện được giao tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên nhưng lại chưa được tự chủ về tổ chức bộ máy và về nhân lực. Hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh đều chưa tuyển đủ số nhân lực theo định mức tối thiểu trên giường bệnh được giao. Do vậy, các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng nhân lực, đặc biệt là thiếu đội ngũ bác sĩ. Nhiều địa phương cũng đã ban hành chính sách thu hút bác sĩ trẻ, bác sĩ giỏi, các chuyên gia, nhưng trong quá trình thực hiện chưa đáp ứng được thu nhập, chưa có chính sách thu hút thỏa đáng cho các bác sĩ yên tâm công tác trong các cơ sở y tế công lập.

Trong khi đó, với các đơn vị y tế ngoài công lập được linh hoạt trong chi trả thu nhập; đồng thời có chính sách thu hút rất mạnh mẽ. Cho nên, việc giữ chân các bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ giỏi ở lại các cơ sở y tế công lập là rất khó khăn. Điều này tạo nên hiện tượng chảy máu chất xám tại các bệnh viện công lập như trong thời gian vừa qua.

Bốn là, khó khăn trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Có mâu thuẫn giữa việc giao chỉ tiêu chuyên môn của cấp trên với giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ở nhiều đơn vị, số giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế rất thấp so với giao chỉ tiêu chuyên môn, thấp hơn cả số kinh phí khi đơn vị chưa được giao tự chủ về tài chính. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị trong việc giữ không vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Năm là, giá dịch vụ y tế hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ, mới chỉ tính 4 trên 7 yếu tố cấu thành giá, còn 3 yếu tố chưa được tính vào.

Sáu là, có sự chênh lệch giữa việc thực hiện tự chủ tại các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, khi thực hiện tự chủ sẽ gặp khó khăn hơn, thực hiện chậm hơn so với các bệnh viện ở tuyến trung ương. Do các yếu tố liên quan tới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực, thương hiệu bệnh viện và có thể liên quan cả yếu tố tâm lý của người dân”.

Từ những phân tích nêu trên, để thực hiện tốt cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đại biểu Vũ Thị Nguyệt đề nghị Chính phủ, bộ Y tế cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện tự chủ toàn diện, từ tài chính, nhân lực tới cơ chế hoạt động tạo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng, đồng bộ để các đơn vị có căn cứ thực hiện.

Cần quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là đối với các đơn vị thuộc nhóm 1 theo Nghị định 85 năm 2012 của Chính phủ; Sớm kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, quyết toán bảo hiểm y tế để giảm thời gian cũng như công sức của các bên liên quan; Đẩy nhanh lộ trình, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, trao quyền cho các bệnh viện, trong đó cho phép bệnh viện được ban hành mức giá thu dịch vụ y tế tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá và cuối cùng có cơ chế phù hợp để các đơn vị đặc biệt là các đơn vị tuyến tỉnh thu hút nhân tài là các bác sĩ trẻ, bác sĩ giỏi, các chuyên gia và có chính sách ưu đãi thỏa đáng để giữ chân đội ngũ bác sĩ gắn bó lâu dài với bệnh viện để khắc phục tình trạng chảy máu chất xám trong các cơ sở y tế công lập trong thời gian vừa qua.

Nhóm PV Quốc hội

Nguồn tin: www.nguoiduatin.vn