Print this page

Khuyến cáo phòng, chống dịch Covid 19

Cần biết: 3 cách khử khuẩn khẩu trang phòng dịch COVID-19 bằng lò vi sóng

(Thứ ba, 24/03/2020 09:15)

Khẩu trang vải, khẩu trang y tế dùng 1 lần đạt chuẩn để phòng chống dịch COVID-19 được xịt dung dịch khử trùng, cho vào lò vi sóng công suất 800W khử khuẩn trong vòng một phút, là có thể tái sử dụng.

Cách khử khuẩn đơn giản này được TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, hướng dẫn khi chia sẻ với báo chí về những giải pháp mà Viện đang thực hiện để cùng chống dịch COVID-19.

TS Doãn Ngọc Hải chia sẻ, trong xử lý khử khuẩn hiện nay có 4 công nghệ phổ biến là UV, ozone, nhiệt, sóng viba. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm khử khuẩn khẩu trang dựa trên các phương pháp này.

“Đối với UV thì chỉ có thể khử khuẩn trên bề mặt khẩu trang nhưng không có hiệu quả với lớp giữa. Trong khi đó, thiết bị khử khuẩn bằng ozone lại quá cồng kềnh, phức tạp. Cuối cùng, chúng tôi tập trung vào phương pháp sử dụng sóng viba vì khả thi và dễ ứng dụng nhất”- TS Hải nói

Để tiệt khuẩn khẩu trang, chỉ cần một chiếc lò vi sóng, mặc định công suất của lò ở mức 800W. Lò này dùng riêng cho việc tiệt khuẩn khẩu trang, không dùng chung cho việc làm nóng đồ ăn.

 

Với cách khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng rất đơn giản, tuy nhiên người dân cần thực hiện các bước theo đúng hướng dẫn

Theo đó, có 3 bước khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng như sau:

 Bước 1: Dùng dung dịch có tính sát khuẩn bất kỳ để xịt lên khẩu trang, có thể sử dụng nước muối ion, nước muối sinh lý 0,9% hoặc các dung dịch có tính sát khuẩn khác. Thao tác này có mục đích chính là làm ẩm khẩu trang, việc sát khuẩn chỉ là phụ

Bước 2: Cho khẩu trang vào lò vi sóng để mặt được xịt dung dịch sát khuẩn hướng lên trên, đặt lò ở chế độ chỉ sóng viba (không bật tính năng nướng) ở công suất 800W và quay trong vòng 1 phút.

Bước 3: Sau khi quay xong chờ một lúc cho khẩu trang nguội, lấy khẩu trang ra bằng cách cầm vào phần quai là ta đã có một chiếc khẩu trang sạch khuẩn, đảm bảo cho việc tái sử dụng.

TS Doãn Ngọc Hải khuyến cáo các thông số thiết lập cho lò vi sóng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng các thử nghiệm. Vì vậy, người dân áp dụng phương pháp này cần tuân thủ chính xác, để đảm bảo khả năng sát khuẩn, cũng như an toàn cho chính mình, tuyệt đối không tự ý sáng tạo, điều chỉnh mức thời gian hay công suất vì có thể gây cháy nổ.

Loại khẩu trang được khuyến nghị sử dụng cho phương pháp khử khuẩn này là khẩu trang vải, khẩu trang y tế dùng 1 lần đạt chuẩn. Với các loại khẩu trang không rõ nguồn gốc hoặc khẩu trang đặc biệt, trong thành phần cấu tạo có thể tiềm ẩm những vật liệu gây phản ứng cháy khi quay trong lò vi sóng.

Vì vậy, tốt nhất chỉ nên áp dụng với các loại khẩu trang được khuyến cáo. Ngoài ra, trong quá trình khử khuẩn cũng nên canh chừng để kịp thời xử lý nếu có vấn đề xảy ra.

Theo TS Hải, khẩu trang sau khi tiệt trùng bằng cách trên đã được Viện đánh giá, kiểm nghiệm tiệt khuẩn tuyệt đối. Tuy nhiên,cần chú ý chỉ nên tiệt trùng khẩu trang riêng của mình, không để chung với khẩu trang của người khác. Tốt nhất nên tiệt trùng từng cái một.

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã cải tiến một số lò vi sóng, để cho ra đời thiết bị chuyên dùng cho mục đích khử khuẩn khẩu trang ở bệnh viện hoặc công sở. Để tránh việc người dùng điều chỉnh thông số lò sai khuyến nghị, ở các thiết bị này chúng tôi đã tháo nút điều chỉnh công suất lò, chỉ còn nút điều chỉnh thời gian ở các mức đã quy định

Thái Bình

Chuyên gia Chống độc: Tự uống Chloroquin phòng COVID-19 có thể gây chết người

(Thứ ba, 24/03/2020 09:48)

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai xác nhận trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét do người dân tự uống với mục đích phòng COVID-19 theo tin đồn.

Mới đây, Trung tâm Chống độc đã điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc chloroquin để phòng bệnh COVID-19 theo lời đồn trên mạng internet.

Theo lời kể của người nhà, vào khoảng 12h ngày 7/3/2020, bệnh nhân V.V.T (nam 43 tuổi, quê ở Đan Phượng, Hà Nội) đã tự uống 10 viên thuốc chloroquin 250mg để phòng dịch COVID-19. Sau uống khoảng 30 phút, anh T. thấy da mặt đỏ, cảm giác nóng, kèm theo mệt mỏi tăng dần, run tay chân, nhìn mờ. Anh T. được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Đan Phượng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên xác nhận đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do người dân tự uống với mục đích phòng COVID-19. Cũng may bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đã được xuất viện và không để lại hậu quả đáng tiếc.

  

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên.

Thuốc có độc tính cao, không tùy tiện sử dụng

Theo BS. Nguyên, chloroquine là thuốc kê đơn, được sử dụng cho các bệnh nhân sốt rét, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp… Đây là thuốc có độc tính cao, ranh giới giữa liều điều trị rất gần với liều ngộ độc. Nếu sử dụng không có kiểm soát, không có chuyên môn, kể cả bác sĩ không phải chuyên khoa cũng rất dễ dẫn tới ngộ độc.

 "Ngộ độc chloroquin rất nguy hiểm, biểu hiện là mờ mắt, mù, ù tai, điếc, co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và dễ tử vong nhanh. Khi đã ngộ độc thực sự, một cơ sở y tế nếu không đảm bảo tốt về hồi sức cấp cứu cũng khó có thể cứu sống bệnh nhân" - Giám đốc Trung tâm Chống độc nói.

BS. Nguyên cũng cho biết thêm, theo quy định của Bộ Y tế, một thuốc kê theo đơn có nghĩa là chỉ khi bác sĩ khám bệnh, kê đơn thuốc đó thì bệnh nhân mới được tới hiệu thuốc trình đơn thuốc để mua, đồng thời phải có đơn của bác sĩ thì hiệu thuốc mới được phép bán theo đơn đó. Với thuốc kê theo đơn thì người dân không thể tự mua hoặc hiệu thuốc không thể tự bán nếu không có đơn.

Hiệu thuốc theo quy định với năng lực tối đa cũng chỉ là các dược sĩ chỉ được phép bán thuốc theo đơn của bác sĩ và có thể tự bán một số thuốc theo quy định không phải kê đơn. Thực ra đã từ lâu đây là vấn đề rất lớn và gây ra nhiều hậu quả mà chúng ta chưa giải quyết được. Ở các nước phát triển việc này được thực hiện rất nghiêm.

 

Tự ý sử dụng Chloroquine gây hại cho sức khỏe.

Các bác sĩ cảnh báo, việc người dân tùy tiện dùng các loại thuốc diện phải kê theo đơn đã dẫn tới không đúng bệnh, không đúng thuốc, không đúng tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh. Một hậu quả rõ nhất với việc tự ý dùng thuốc kháng sinh là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng không bị tiêu diệt mà còn nhận diện ra thuốc dẫn tới kháng lại thuốc đó, bệnh thì không khỏi, ai cũng thế thì các vi trùng này kháng hết với thuốc kháng sinh và khi đến viện thì bác sĩ hết thuốc để chữa. Các thuốc kháng sinh mới được phát minh ra hiện nay rất ít và chậm, trong khi vi trùng thì ngày càng nhiều, nhanh và phức tạp, kháng lại kháng sinh. Nhân loại đang sắp hết kháng sinh để chữa bệnh cứu mình.

 BS. Nguyên khuyến cáo người dân không được tự mua, không tự dùng loại thuốc này và không uống dự phòng để ngừa COVID-19. Các cơ quan quản lý cũng nên tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hiệu thuốc bán các thuốc thuộc diện kê theo đơn mà không có đơn của bác sĩ. Trong tình hình hiện nay, điều đúng đắn là người dân cần bám sát các hướng dẫn của cơ quan y tế và cũng như hệ thống quản lý của đất nước để có các hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời, đúng đắn.

Việc bất kỳ biện pháp nào có tác dụng cụ thể đến đâu và áp dụng như thế nào là trách nhiệm và chuyên môn của ngành y. Các chuyên gia y tế trong nước đang luôn theo dõi và biết những phác đồ và kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới về vấn đề này. Người dân yên tâm là Bộ Y tế cùng cả ngành y luôn cập nhật tình hình và đảm bảo phác đồ chẩn đoán và điều trị COVID-19 được tốt nhất.

Mai Thanh - Dương Hải

Nguồn: Báo Sức khỏe&Đời sống

Những khuyến cáo mới nhất của chuyên gia tim mạch đầu ngành trong dịch COVID-19

(Thứ ba, 24/03/2020 16:34)

Với những người khỏe mạnh, việc nhiễm COVID-19 đã là một đe dọa tính mạng, nhưng những bệnh nhân tim mạch thì vấn đề còn đặc biệt nghiêm trọng. Virus corona mới này đã được biết sẽ tấn công ban đầu vào phổi của người bệnh, nhưng càng ngày người ta càng thấy rõ là kết cục xấu nhất (tử vong) lại liên quan nhiều đến tim mạch (chiếm tỉ lệ cao nhất - 10,5% trong tỉ lệ tử vong ở các loại bệnh lý nền).

Virus Corona mới (COVID-19 hay SARS CoV2) trở thành đại dịch toàn cầu với nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Tính đến hết ngày 23/03/2010 đã có trên 300.000 người nhiễm bệnh và gần 15 000 người tử vong trên toàn thế giới.

Với số lượng người bị bệnh tim mạch luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu bệnh tật ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới, đây là một thời điểm hết sức căng thẳng. Tại Việt Nam, dân số có xu hướng già hóa, mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tăng đã khiến bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong và gánh nặng bệnh tật hàng đầu với con số ước tính khoảng 15 triệu người bị tăng huyết áp ở các mức độ khác nhau. Do vậy, cần hết sức cảnh giác và chủ động phòng ngừa cũng như có hành động đúng để giảm tối đa các ảnh hưởng của COVID-19, nhất là đối với bệnh nhân tim mạch.

Những biến chứng tim mạch cấp ở bệnh nhân COVID-19

Theo các báo cáo đối với bệnh nhân ở Vũ Hán và một số trung tâm lớn trên thế giới, người nhiễm COVID-19 có diễn biến rất thất thường phức tạp. Giai đoạn đầu có vẻ diễn biến âm thầm từ từ, nhưng khá nhiều ca diễn biến nặng xảy nhanh chóng cần phải thở máy hoặc hỗ trợ tuần hoàn hô hấp. Với những bệnh nhân tử vong, mặc dù bệnh ảnh hưởng đền hô hấp (phổi) đầu tiên, nhưng có vẻ như sốc tim hoặc biến cố tim mạch khác lại là kết cục dẫn đến cái chết nhiều hơn là suy hô hấp đơn thuần.

Trong một báo cáo với 138 ca COVID-19 nhập viện, 16,7% bệnh nhân xuất hiện rối loạn nhịp tim, 7,2% bệnh nhân có tổn thương tim cấp tính, cùng với các biến chứng khác liên quan đến COVID-19. Những biến chứng tim mạch cấp được báo cáo ở bệnh nhân COVID-19 bao gồm: khởi phát suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim và ngừng tim.Cũng giống như bất kỳ bệnh lý cấp tính nào khác, COVID-19 khiến gánh nặng tim mạch-chuyển hóa cao hơn và có thể gây ra các biến chứng tim mạch. Hiện chưa có báo cáo so sánh về tỉ lệ biến chứng tim mạch giữa bệnh nhân có hoặc không có bệnh nền tim mạch. Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân COVID-19 có sự tương đồng với bệnh nhân SARS, MERS, và cúm.

 

COVID-19 khiến gánh nặng tim mạch-chuyển hóa cao hơn và có thể gây ra các biến chứng tim mạch.

Bệnh nhân tim mạch cần phải làm gì?

Bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần ý thức được họ là nhóm nguy cơ rất cao về nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng xảy ra nếu không may bị nhiễm COVID-19. Bệnh nhân tim mạch lại thường là những bệnh cần được theo dõi dài hạn, dùng thuốc dài ngày. Một số thuốc điều trị bệnh lý tim mạch lại cần theo dõi định kỳ xét nghiệm cũng như có thể tương tác hoặc bị ảnh hưởng khi phải điều trị bởi các thuốc khác. Bên cạnh đó, một số triệu chứng của bệnh tim mạch lại cũng rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm COVID-19 như khó thở, đau ngực…

 

Người mắc bệnh tim mạch nên đi khám, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng tim mạch cấp.

Tuy nhiên, các bệnh nhân tim mạch và người thân nên tỉnh táo, không hoang mang và nên biết cách tự theo dõi diễn biến của bệnh.

Theo khuyến cáo của các Hiệp hội Tim Mạch lớn trên thế giới cũng như các Ủy Ban Kiểm soát bệnh tật (CDC) trên thế giới, những bệnh nhân có nguy cơ cao, trong đó có bệnh nhân tim mạch, trước hết cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo chung cho mọi người dân của cơ quan y tế tại địa phương.

Tại Việt Nam, Chính phủ và Bộ Y Tế đã đưa ra các khuyến cáo chung rất rõ ràng là:

- Tránh tụ tập nơi đông người; người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài;

 - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;

- Tăng cường chế độ dinh dưỡng và luyện tập nâng cao sức khỏe;

- Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.

Với bệnh nhân tim mạch, ngoài những khuyến cáo trên cần có những lưu ý riêng:

- Bản thân bệnh tim mạch là nguy cơ cao, nên những người bị bệnh tim mạch càng nên hạn chế tiếp xúc người khác, nên ở nhà.

- Cần liên hệ, hoặc tìm ngay số điện thoại liên hệ với các nhân viên y tế địa phương và bác sỹ/điều dưỡng chuyên khoa tim mạch đang theo dõi sưc khỏe cho bản thân. Nếu chưa có liên lạc của chuyên khoa tim mạch, cần tìm cách thiết lập ngay mối liên hệ này thông qua các thầy thuốc đa khoa ở địa phương mà mình đang có hoặc qua các đường dây nóng về y tế ở địa phương.

- Cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc tim mạch mà mình hiện có, nếu cơ số còn ít thì cần gọi bác sỹ/phòng khám chuyên khoa và nhà thuốc mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời đầy đủ số lượng.

- Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp tự động, cân sức khỏe;

- Tự theo dõi thường xuyên các dấu hiệu thường gặp trong nhiễm covid-19, như sốt, khó thở, ho, đau tức ngực… Lưu ý là các dấu hiệu này cũng có thể gặp ở bệnh tim mạch.

  

Xây dựng chế độ luyện tập hợp lý, hạn chế tiếp xúc nơi đông người và chế độ ăn uống lành mạnh để giúp tăng cường sức khỏe tim mạch trong đại dịch COVID-19.

Khi chớm có các dấu hiệu này, cần gọi đến các thầy thuốc đang theo dõi cho bản thân trước, không nhất thiết vội vàng đến các phòng cấp cứu/bệnh viện. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở nhiều, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… mới xảy ra cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được vận chuyển tới bệnh viện gần nhất.

Đừng quên - Hãy nhớ!

Cần chú ý là, nếu chúng ta (bệnh nhân tim mạch) chỉ chú ý vào dịch mà quên mất rằng bệnh tim mạch của chúng ta vẫn tiến triển, có thể nguy hiểm dẫn đến chết người, do vậy, bệnh nhân tim vẫn hết sức chú ý trong việc chăm sóc bản thân và tuân thủ điều trị trước hết là với các bệnh lý tim mạch theo chỉ dẫn của thầy thuốc trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Bên cạnh đó, những chú ý về COVID-19 nên được quan tâm đúng mực.

Chúng ta đang ở giai đoạn rất cam go trong cuộc chiến chống COVID-19, mọi tình huống có thể xảy ra. Với bệnh nhân tim mạch, chúng ta cần cẩn trọng hơn, mạnh mẽ hơn, có ý thức hơn với bản thân và xã hội, luôn tuân thủ các hướng dẫn điều trị cũng như là dịp để chúng ta xem lại và thay đổi chính bản thân mình.

Chắc chắn chúng ta sẽ thắng lợi trong cuộc chiến này!

PGS.TS.BS. Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim Mạch Quốc gia Việt Nam)

Nguồn: Báo Sức khỏe&Đời sống