Nghe rất sâu và đau rất nhiều

Nghe rất sâu và đau rất nhiều...

BS. Bảo Trung - 06:00 18/06/2020 GMT+7

Suckhoedoisong.vn - Máy bay từ từ cất cánh. Sài Gòn thu nhỏ dần rồi chìm khuất dưới làn mây... BS. Du tiếp tục trò chuyện với người phụ nữ cùng đi trong chuyến bay:

- Thời sinh viên, “quán” tôi hay ngồi uống cà phê là chiếc xe đẩy đặt bên vỉa hè có rất nhiều chim sẻ. Tôi đã hỏi: Từ đâu đàn chim sẻ nâu bay về kêu ríu rít trên những sợi dây điện, giăng mắc tứ tung xẹt ngang xẹt dọc thế kia? Cô Ngọc chủ xe cà phê trả lời: Có bà ăn xin tưng tửng mỗi sáng đi ngang qua đây rải xuống vỉa hè một nắm thóc, thế là chim cứ bay về đầy sân. Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm và thốt lên: Một bà ăn xin tưng tửng ư?

Giá như ai cũng được như bà ăn xin tưng tửng, ném một nắm thóc xuống để gọi chim về cho phố thêm rộn ràng... Đôi khi vì lợi danh địa vị trước mắt mà chúng ta đầu độc những dòng sông và phá nát những cánh rừng. Rồi một sớm mai nào đó thức dậy trong thành phố chẳng còn ai nghe được những tiếng chim ca...

- Anh là bác sĩ à?

- À, vâng, tôi là bác sĩ.

- Anh kể tiếp đi.

- Ừ thì, do sống vội vã quá chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị trên chuyến hành trình một chiều ngang qua cuộc đời này. Chị thấy không, khi dòng sông chảy chậm một chút, bao nhiêu mây trắng và trăng sao hiện ra trong lòng.

- Anh là bác sĩ đúng không?

- Ơ... Chị hỏi câu này lúc nãy rồi.

- À, tại vì tôi thấy anh giống nghệ sĩ hay cách anh nói chuyện giống một nghệ sĩ.

- Không đâu, do tôi thích đi và thích viết những điều mình cảm nhận được thôi. Có đi xa mới có dịp quay đầu nhìn lại ngắm mình rõ hơn, biết mình là ai, đang ở đâu và ngừng câu hỏi tại sao. Hồi trước khi tham gia những buổi hội thảo, tôi hay đứng lên hỏi tại sao lắm; bây giờ thì khác, mọi sự việc diễn ra như vậy thì là như vậy và tôi không còn hỏi nữa. Tích trữ kiến thức là một điều tốt, nhưng bỏ quên bao nhiêu bí ẩn của cuộc sống là bỏ quên cả cuộc đời để sống. Người bác sĩ tốt theo tôi, ngoài khả năng chẩn đoán được bệnh của bệnh nhân còn phải nhìn được những góc khuất khác về mặt xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tình trạng hôn nhân và nhiều thứ khác của bệnh nhân nữa. Từ đó mới hy vọng có thể đưa bệnh nhân trở về hài hòa với cuộc sống.

Nhưng muốn như thế, bác sĩ phải nghe rất sâu và đau rất nhiều, chị ạ. Bởi không đau cùng nỗi đau của người khác, chúng ta khó mà cảm thông và chữa trị.

- Nghĩ cũng đúng.

- Mạnh khỏe là gì nếu không có bệnh tật hiện hữu như một cặp nhị nguyên? Khi mà một trong các bộ phận không còn hài hòa với toàn bộ cơ thể nữa thì sẽ có bệnh. Nhưng trước khi có sự can thiệp từ bên ngoài, cơ thể đã cố gắng chữa lành cho chính nó trước. Và chúng ta đã không bao giờ chịu lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình. Càng tích trữ, càng mang vác, càng bám víu... thì càng trở nên nặng nề và bệnh tật. Chị phải nghe lại từng nhịp tim, từng hơi thở của mình để xem nỗi đau đến từ đâu mà tìm cách chữa lành...

BS. Bảo Trung

Nguồn tin: Suckhoedoisong.vn