Có nên uống thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ?

Có nên uống thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ?

(Dân trí) - Bệnh nhân F0 chỉ uống thuốc kháng virus nếu được xếp vào nhóm bệnh nhân nặng, có bệnh nền, béo phì... nhưng phải có đơn của bác sĩ.

Mới đây, PGS.TS.Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) Nguyễn Viết Lượng đã có những chia sẻ trực tuyến qua phòng họp zoom cho khoảng 1.000 người về những vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Những người tự theo dõi, điều trị Covid-19 ở nhà cần làm gì?

Tại buổi chia sẻ, PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng đã đưa ra khuyến cáo, những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà phải được cách ly ở phòng riêng biệt, có nhà vệ sinh riêng càng tốt. Phòng cho F0 phải thoáng, không nên dùng điều hòa trong quá trình điều trị. Trong phòng cách ly nếu có máy lọc không khí, thiết bị xông tinh dầu thì càng tốt.

"Lưu ý, quần áo, rác thải của F0 phải để riêng và bọc kín trong túi nilon. Người giúp F0 mang rác thải, mang quần áo đi giặt, phải đeo khẩu trang và găng tay. F0 cách ly, điều trị tại nhà phải vận động nhiều, nếu nằm triền miên quá nhiều thì tình trạng sẽ xấu hơn.

Nếu có viêm phổi do Covid-19 thì bệnh nhân càng nằm nhiều càng không tốt, trừ trường hợp quá mệt. Nhưng mệt thì phải theo dõi, nếu cần thì phải vào viện. Bệnh nhân còn chịu được thì nên dành thời gian vận động trong phòng một cách phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tập thở trong thời gian này", ông Lượng khuyên.

Có nên uống thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ? - 1

Những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà phải được cách ly ở phòng riêng biệt, có nhà vệ sinh riêng càng tốt. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông khuyến cáo thêm, trong thời gian cách ly, điều trị, bệnh nhân F0 cần súc miệng bằng nước muối sinh lý ấm hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhiều lần trong ngày và xịt mũi, họng thường xuyên. Quá trình súc miệng, bệnh nhân đã loại bỏ được nhiều virus ở đường hô hấp trên ra khỏi cơ thể. 

Theo nhận định của các nhà khoa học, ở Việt Nam, Hà Nội và TPHCM tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 chủng Omicron rất cao. Chủng Omicron lây lan rất nhanh, triệu chứng nhẹ, ít nguy hiểm và ít gây viêm phổi hơn so với chủng Delta. Omicron chủ yếu gây viêm đường hô hấp trên như: viêm mũi, họng, nên bệnh nhân thường hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho ra đờm.

"Bệnh nhân phải duy trì uống đủ nước, tốt nhất là nước ấm, bổ sung các loại nước trái cây như: cam, bưởi để tăng Vitamin C, tăng sức đề kháng. Với những người sốt cao thì càng cần uống nhiều nước hơn so với người bình thường, trẻ em cũng vậy. Bởi bệnh nhân càng sốt cao sẽ càng mất nước, nếu không uống nước thì tình trạng sức khỏe sẽ càng xấu đi", ông Lượng nói.

Bên cạnh đó, bữa ăn của bệnh nhân F0 cần được bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều đạm, bởi đạm sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng; bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: Vitamin D3, C;  bổ sung thực phẩm giàu chất xơ để tránh tình trạng táo bón, không tốt cho đường tiêu hóa.

Đối với trẻ nhỏ, tiếp tục cho uống sữa và bú sữa mẹ. Con hoặc mẹ, hoặc cả 2 mắc Covid-19 thì vẫn hoàn toàn duy trì cho con bú sữa mẹ bình thường.

Hàng trăm bệnh nhân F0 không uống thuốc kháng virus vẫn khỏi bệnh sau 7 ngày

Theo PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng, hiện nay cộng đồng mạng vẫn tự "truyền tai" nhau những bài thuốc điều trị Covid-19 và nói "Em từng bị và điều trị theo đơn thuốc đó 7 ngày sau thì khỏi". Nhưng theo ông, mọi người dường như quên mất rằng: "Trong 7 ngày đó người bệnh khỏi, nhưng chưa ai khẳng định khỏi do đơn thuốc trôi nổi trên mạng. Thực tế, có hàng trăm bệnh nhân F0  không uống thuốc vẫn khỏi bệnh sau 7 ngày".

Vậy khi nào bệnh nhân cần uống thuốc kháng virus?  Ông Lượng đưa ra quan điểm, F0 chỉ uống thuốc kháng virus nếu được xếp vào nhóm bệnh nhân nặng; bệnh nhân nặng vừa nhưng có bệnh nền; có tình trạng thừa cân, béo phì. Những trường hợp này phải có đơn của bác sĩ mới được uống thuốc kháng virus. 

"Hiện nay trên mạng bán rất nhiều loại thuốc kháng virus, người dân cứ tự động mua về để dùng thì hoàn toàn không nên. Phần lớn bệnh nhân F0 không phải dùng thuốc kháng virus nếu đã tiêm đủ liều vaccine", ông Lượng nhấn mạnh.

Có nên uống thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ? - 2

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng (trái) trả lời các thắc mắc của những người tham gia cuộc trò chuyện qua phòng họp trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Một điểm lưu ý nữa mà ông Lượng đưa ra, đó là, khi bệnh nhân F0, nhất là trẻ em bị sốt cao và cần hạ sốt khi nào? Theo đó, chỉ thực hiện các biện pháp hạ sốt khi bệnh nhân sốt trên 38,5 độ trở lên.

"Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể, của hệ thống miễn dịch của con người. Tuy nhiên, nếu sốt cao và kéo dài sẽ làm cho bệnh nhân mất nhiều năng lượng, dẫn đến suy kiệt năng lượng. Trẻ em bị sốt cao thường dẫn đến bị co giật do thiếu oxy lên não.

Khi cơn sốt nâng lên, bệnh nhân cảm thấy gai rét, thậm chí rất rét, khiến tâm lý khi trẻ em sốt và kêu lạnh, người lớn lại ủ rất nhiều chăn cho trẻ, thậm chí ôm chặt khiến cơ thể không tỏa nhiệt được, càng làm cho sốt cao. Cảm giác gai rét là cảm giác nhiễm độc của virus, cảm giác rét run là sự chênh lệch giữa nhiệt độ cơ thể bệnh nhân với nhiệt độ bên ngoài", ông Lượng nói thêm.

Do đó, bệnh nhân sốt cao cần được uống thuốc hạ sốt, mặc quần áo thoáng có khả năng thấm mồi hôi; tiến hành xoa nách, chườm trán bằng khăn ấm. Tuyệt đối không chườm đá cho bệnh nhân bị sốt, vì gặp đá lạnh mạch máu sẽ co lại không tỏa nhiệt ra bên ngoài được; khăn ấm sẽ giúp mạch máu giãn ra, tỏa nhiệt nhanh hơn.

Ngoài ra, có thể dùng cồn 70 độ xoa vào một số vị trí của bệnh nhân bị sốt như nách, bẹn, vùng da hở, để khi cồn bốc hơi sẽ kéo theo nhiệt cơ thể ra bên ngoài, làm cơ thể hạ sốt.

"Khi bị sốt bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể dùng các thuốc hạ sốt như Paracetamol, Panadol Extra,... , bổ sung nước điện giải (orezol); trẻ em có thể uống các loại thuốc hạ sốt dạng siro... Hoặc dân gian  hay dùng các bài thuốc hạ sốt như: lá diếp cá, rau má, lá cỏ mực, rửa sạch, xay nát và cho chút đường vào rồi uống, sẽ có tác dụng vừa hạ sốt, vừa an thần, làm dịu thần kinh và tránh được hiện tượng co giật", ông Lượng chia sẻ thêm.

Nguồn tin: https://dantri.com.vn/ban-doc/co-nen-uong-thuoc-khang-virus-khi-khong-co-chi-dinh-cua-bac-si-20220308111858771.htm