Lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)

Lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)

 

(Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện Than – Khoáng sản)

Khoa học và thực tế đã chứng minh, một trong những biện pháp vô cùng quan trọng để phòng chống dịch Covid-19 đó là tiêm vắc xin. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang được kiểm soát, vì vậy đã tạo nên tâm lý chủ quan trước dịch bệnh, cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi hoặc đã từng mắc COVID-19 thì nguy cơ nhiễm bệnh không còn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì vắc xin phòng COVID-19 chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định. Sau tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3 khoảng 3 tháng, hiệu quả bảo vệ sẽ giảm mạnh, chỉ còn 50% và tiếp tục giảm theo thời gian. Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới. Do đó người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng lịch để đảm bảo miễn dịch cho bản thân và cộng đồng.

Vì sao cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)?

Giống như nhiều loại vắc xin khác, những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các biến thể và sự giảm dần khả năng bảo vệ sau tiêm vắc xin theo thời gian (đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng nguy cơ). Do đó, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế đã chỉ đạo về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.

Trong thời gian qua, vắc-xin phòng COVID-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người trong việc giảm khả năng bệnh nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa tử vong do COVID-19, đặc biệt ở những người đã tiêm mũi nhắc lại.

Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế thế giới, các nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 là có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỉ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều. Nghiên cứu cuối cùng được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vắc xin tăng lên đối với bệnh nặng. Cụ thể hiệu quả vắc xin tuyệt đối là 82% được đo hơn 84 ngày sau liều thứ ba và 92% đối với người nhận liều thứ 4. Theo các dẫn chứng, hiệu quả bảo vệ của mũi 4 được nghiên cứu làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 (trên 52%), nếu mắc sẽ không có triệu chứng (61%), khỏi nguy cơ nhập viện (72%), nếu có triệu chứng nặng thì sẽ giảm nguy cơ tử vong (76%)…

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ 4. Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế Israel đã phê duyệt tiêm liều thứ tư; ban đầu chỉ dành cho những người ở các cơ sở lão khoa được chăm sóc lâu dài và sau đó được mở rộng cho những người từ 60 tuổi trở lên.

Kết quả, trong số dân Israel nói chung từ 60 tuổi trở lên, khả năng bảo vệ trước bệnh được cấp bởi mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ tư được ước tính là vào khoảng 45 - 50% khả năng chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Mũi tiêm này cũng có hiệu quả từ 62 - 71% đối với nguy cơ COVID-19 nghiêm trọng trong thời gian từ 1 - 4 tuần sau khi tiêm chủng so với tiêm chủng với ba liều bốn tháng hoặc hơn trước đó. Như vậy, mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ tư chắc chắn đã cứu sống người bệnh và giảm nguy cơ nhập viện cấp tính.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.

Bên cạnh việc tiêm chủng định kỳ, đúng lịch thì người dân cũng nên tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đối tượng nào cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) khuyến nghị tiêm nhắc mũi 4 vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna COVID-19 ít nhất 4 tháng sau lần tiêm nhắc lại đầu tiên (mũi 3) cho các đối tượng gồm người lớn từ 50 tuổi trở lên; Những người từ 12 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch vừa phải hoặc nghiêm trọng.

Theo đó, ngày 9/5/2022, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 2357/BYT-DP chỉ đạo về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) như sau:

- Đối tượng tiêm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.

-Vắc xin sử dụng: Vắc xin mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc xin do Astra Zeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi 3.

- Khoảng cách: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.

- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.

Vắc xin phòng COVID-19 chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Do đó, mỗi người dân hãy tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ y tế.

 

Tổng hợp: Bác sỹ Hải Anh

                                                             Nguồn: Internet.