Điều dưỡng

Thuốc trầm cảm

Bùi Võ

Bùi Võ

Điều tra viên, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

“Thuốc nhẹ, không sao đâu”.

Cô dược sĩ an ủi sau khi bán thuốc ngủ cho tôi.

Năm 2018, tôi hay thức đêm câu cá, sinh hoạt không điều độ nên bị mất ngủ, cuộc sống đảo lộn. Tôi đến khám một bác sĩ nổi tiếng ở Hà Nội. Sau gần 30 phút trò chuyện, anh chẩn đoán tôi bị rối loạn lo âu, trầm cảm và kê thuốc liệu trình uống sáu tháng.

Thời gian đầu uống thuốc, tôi ăn ngủ ngon, tăng cân. Đến khoảng tháng thứ tư, tôi thấy bản thân không còn nhạy bén, cảm xúc thô cứng nên xin bác sĩ dừng thuốc. Dừng thuốc, tôi mới biết mình đã trở thành "con nghiện" lúc nào không hay. Chỉ hai viên thuốc an thần nhỏ như cúc áo nhưng thiếu nó tôi mất ngủ, kéo theo trào ngược dạ dày, huyết áp có lúc tụt xuống còn 58-80 mmHg.

Triệu chứng cai thuốc rất khó chịu, tôi bỏ rồi uống, uống rồi bỏ như cái vòng luẩn quẩn. Không muốn lệ thuộc nên đầu năm 2019, tôi quyết tâm bỏ thuốc an thần. Tôi dành thời gian ngồi thiền, chơi các môn thể thao. Nhưng sau nửa năm cố gắng, sức khỏe và tinh thần tôi ngày càng sa sút. Tôi đi khám lại bác sĩ trước đây thì được anh khuyên nhập viện để điều trị. Điều trị nội trú gần hai tuần ở một bệnh viện, tôi xin ra viện. Các bác sĩ nói tôi phải uống thuốc an thần cả đời.

Cuối năm 2020, cô bạn Hải An gửi cho tôi bài viết của một hành giả Phật giáo. Nội dung bài viết hàm ý: kỳ vọng là mong muốn, bắt sự việc nào đó phải xảy ra theo ý mình, kỳ vọng tất yếu sẽ sinh ra đau khổ. Tôi bừng tỉnh nhận ra mình đã sai. Trước đây, chỉ vì muốn thoát khỏi cơn trầm cảm, không chấp nhận việc mất ngủ mà tôi đã hành xác như con thiêu thân. Chính tâm lý "phải thế này, phải thế kia" đã làm bệnh của tôi nặng thêm.

Hiểu vấn đề, tôi bắt đầu thay đổi thái độ sống. Phóng sinh thay cho câu cá, yêu thương thay cho sân hận; tăng dần khả năng chấp nhận, chấp nhận cả những suy nghĩ tiêu cực nhưng quyết tâm không phản ứng tiêu cực ra bên ngoài, không làm tổn thương người bên cạnh. Nửa năm sau, sức khỏe và tinh thần tôi trở lại bình thường.

Theo ICD-10 (Phiên bản thứ 10 của Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới), trầm cảm có những triệu chứng như: buồn rầu, giảm sự quan tâm thích thú, mệt mỏi, mất tự tin vào bản thân, bi quan, giảm sự tập trung chú ý, có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, có ý tưởng và hành vi tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon miệng.

Với các triệu chứng như trên, có lẽ trong đời ai cũng từng có lần bị trầm cảm, ở các mức độ khác nhau.

Chị họ tôi, được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm và kê thuốc cho uống. Nghe nữ bệnh nhân bên cạnh hỏi về triệu chứng rụng tóc khi dùng thuốc, chị sợ quá về nhà không dám uống. Về sau, chị thấy đã may mắn không nghe lời bác sĩ. Tự mình thay đổi cách sống, các biểu hiện trầm cảm của chị dần biến mất.

Phong ở Hải Phòng, 15 năm trước, cũng được chẩn đoán trầm cảm như chị tôi. Phong đang bị tiểu đường, dạ dày do tác dụng phụ của thuốc gây ra nhưng cậu vẫn chưa thể ngưng thuốc vì hội chứng "nghiện thuốc". Tôi hỏi Phong nếu được lựa chọn lại thì ngày đó có uống thuốc trầm cảm hay không. Phong dứt khoát là không.

Tôi không phủ nhận vai trò của thuốc trầm cảm vì thuốc có thể không tác dụng với người này nhưng đáp ứng với người khác. Vấn đề là các bác sĩ tâm thần liệu có lạm dụng kê thuốc an thần cho người bệnh hay không? Vì ngay tại các nước có nền y tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ thì số người tự tử vì trầm cảm vẫn rất cao. Thuốc trầm cảm gây tác dụng phụ, tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Sẽ là con dao hai lưỡi nếu bác sĩ lạm dụng kê thuốc an thần cho người bệnh trong khi họ có thể đáp ứng các liệu pháp điều trị khác an toàn hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ tư trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dự đoán năm 2030 sẽ lên vị trí thứ nhất.

Bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý là những người cần tìm đến để ngăn chặn kịp thời các hành vi dại dột, thiếu kiểm soát. Nhưng người bệnh cũng phải nỗ lực tự thân nhìn sâu vào nội tâm, tiến đến thay đổi nhận thức, hành vi của chính mình. Hiểu vấn đề gặp phải, chấp nhận sống chung và từng bước khiến nó tan biến bằng việc thay đổi bản thân là cách hỗ trợ hiệu quả cho điều trị trầm cảm.

Sau nhiều lần cố gắng vượt qua trầm cảm bất thành, tôi và Hải An không còn chống lại các triệu chứng của bệnh. Nỗ lực chống lại sẽ gia tăng căng thẳng và mất năng lượng, trực tiếp làm biểu hiện của bệnh "phình to". Thay vào đó, chúng tôi chấp nhận, nỗ lực thay đổi bản thân, cho đến lúc nào đó, trầm cảm tự rời bỏ chúng tôi.

"Điều bạn chống lại sẽ ở lại, điều bạn chấp nhận sẽ tan biến", câu nói của học giả người Ba Tư Rumi thật thấm thía không chỉ trong các vấn đề tinh thần mà với cả cuộc sống. Với chúng tôi, trầm cảm là một sự cố lớn trong đời nhưng cũng là động lực, là cơ hội tuyệt vời để sống ý nghĩa.

Bùi Võ

Nguồn tin: https://vnexpress.net/thuoc-tram-cam-4708045.html

BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Các biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Bệnh tay chân miệng có thể trở nặng chỉ sau vài giờ

Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 500 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Trong số đó, có 20%-30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.

Theo TS.Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung Ương, tay chân miệng là bệnh thường gặp, có thể điều trị tại nhà nếu bệnh nhẹ. Tuy nhiên bệnh cũng rất dễ gây biến chứng nguy hiểm khi trở nặng, cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Các biến chứng thường gặp của bệnh này là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Biến chứng của tay chân miệng gây ảnh hưởng đến não bộ: viêm màng não, viêm não và viêm não tủy. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có một số biểu hiện bất thường như hay bị giật mình, đi không vững, nhãn cầu rung/giật, mắt nhìn ngược,…

Virus bệnh còn gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch: viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch,…; xuất hiện bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập tại các nốt mụn trên da.

Năm nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.

Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng,…

Theo bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, chủng EV71 gây ra những biến chứng nặng nề hơn. Đây là những chủng virus sống trong đường tiêu hóa và truyền nhiễm từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi của người bệnh.

Bệnh tay chân miệng đặc biệt hơn các bệnh lý khác do biến chứng của bệnh có thể trở nặng chỉ sau vài giờ. Vì vậy, bố mẹ không nên chủ quan, phải biết phát hiện các triệu chứng kèm theo các dấu hiệu ngoài da và niêm mạc để đưa bé đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Khi bé bị bệnh tay chân miệng có biểu hiện sốt cao khó hạ, hay sốt trên 48 giờ, triệu chứng về thần kinh (giật mình chới với, hốt hoảng, run hoặc yếu chi, đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường,…) là có khả năng bệnh có biến chứng và cần phải được thăm khám ngay.

"Riêng các triệu chứng về tim mạch, hô hấp thì người thân sẽ khó nhận biết, đặc biệt các triệu chứng như thở nhanh, nhịp tim nhanh, cao huyết áp chỉ có thể phát hiện được khi bé được bác sĩ thăm khám. Khi bé có biểu hiện sắc da biến đổi, da nổi bông, thở mệt thì bé đã nặng, nguy cơ diễn tiến xấu", bác sĩ Thoa cho hay.

 

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Cẩn trọng khi dùng kháng sinh

Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sẽ có khả năng tự phục hồi trong vòng 7-10 ngày, ngoại trừ những trường hợp có kèm biến chứng nặng.

Đối với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần đi tái khám theo hẹn để kịp thời phát hiện biến chứng. Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, việc chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Tay chân miệng là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng trong điều trị bệnh này (trừ các trường hợp trẻ có biến chứng bội nhiễm khuẩn). Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước,…được sử dụng trong điều trị tay chân miệng cần được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.

"Không được tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Một sai lầm rất hay thường gặp đối với các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Trong khi nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là virus, và thuốc kháng sinh không có tác dụng diệt được virus, chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn. Trên thực tế, dùng thuốc kháng sinh không mang lại tác dụng trong trường hợp này. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, chỉ nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt hoặc các thuốc khác theo đơn của bác sĩ", bác sĩ khuyến cáo.

 

Nguồn tin: Báo nhân dân

BS. Trương Thị Biên tổng hợp

KHI MẮC TAY CHÂN MIỆNG ĐỘ 2 NGUY CƠ DIỄN BIẾN RẤT NẶNG

Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng diễn tiến nhanh, cho nên quan trọng là phải kịp thời nhận biết dấu hiệu chuyển nặng để xử trí, chuyển tuyến kịp thời

Miền nam ghi nhận số ca mắc tay chân miệng mới đang có xu hướng tăng từ cuối tháng 4/2023 đến nay. Trong đó, đáng chú ý là số ca nặng và số ca tử vong do tay chân miệng đang gia tăng và cao hơn cùng kỳ năm trước.

Hoạt động giám sát tại khu vực phía nam ghi nhận hơn 50% mẫu bệnh phẩm tay chân miệng là chủng Enterovirus 71 (EV71). Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao, làm tăng ca nặng, là tác nhân gây các ổ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Từ đầu năm đến nay đã có 7 trẻ tử vong vì tay chân miệng ở phía nam.

Tại miền bắc cũng ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng diễn biến nặng, trong đó chủ yếu biến chứng do mắc chủng EV71. Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 500 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Trong số đó, có 20%-30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.

. Ngay từ khi ở giai đoạn 2 của bệnh, người bệnh đã có nguy cơ diễn biến sức khỏe từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tay chân miệng độ 2 là giai đoạn bệnh chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng hơn, có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời.

Tay chân miệng được chia làm 4 cấp độ tương ứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh:

Tay chân miệng cấp độ 1: Bệnh ở mức độ nhẹ với các tổn thương ngoài da, loét miệng.

Tay chân miệng cấp độ 2: Bệnh trở nên nặng hơn, bắt đầu gây ra các biến chứng về hệ thần kinh, tim mạch nhẹ.

Tay chân miệng cấp độ 3: Bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nặng đến thần kinh, tim mạch và hô hấp.

Tay chân miệng cấp độ 4: Bệnh ở giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng với các triệu chứng sốc, đe dọa tử vong ở trẻ.

Bệnh tay chân miệng cấp độ 2 được chia làm 2 nhóm với các triệu chứng thường gặp sau:

Tay chân miệng dạng 2a thường sẽ xuất hiện sau khoảng 48 giờ kể từ khi bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.

Triệu chứng của tay chân miệng độ 2a gồm: Giật mình đột ngột với tần suất dưới 2 lần/30 phút (trẻ có thể giật mình khi đang chơi, đang ngủ, không liên quan đến các yếu tố bên ngoài như âm thanh lớn,..); cơn sốt trở nên nặng dần, từ dưới 38,5 độ C lên trên 39 độ C.

Sốt cao kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi đã dùng thuốc hạ sốt; trẻ có biểu hiện nôn trớ khi ăn, khi bú; trẻ ủ rũ, mệt mỏi, mắt lờ đờ; quấy khóc nhiều, trung bình 15-20 phút/lần, diễn ra nhiều hơn vào ban đêm.

Ảnh minh họa.

Tay chân miệng độ 2b là tình trạng bệnh đang dần trở nên nặng hơn với các triệu chứng dễ nhận biết gồm: Nhóm 1: Trẻ giật mình trên 2 lần/30 phút kèm theo các triệu chứng mạch đập nhanh trên 130 lần/phút, có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn.

Nhóm 2: Sốt cao trên 39.5 độ C, không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đã dùng thuốc hạ sốt, mạch đập trên 150 lần/phút, run người, run tay chân, chi yếu, đi loạng choạng, giọng nói thay đổi, mắt chuyển lác.

Tay chân miệng cấp độ 2 xảy ra do sự tấn công của virus nhóm đường ruột. Coxsackievirus (A16) và Enterovirus 71 (EV71) là hai chủng virus thường gặp gây ra các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, phát ban,…ở trẻ bị tay chân miệng.

Các virus gây bệnh tay chân miệng sống trong đường tiêu hóa và có thể lây lan trực tiếp từ người này sang người khác qua tiếp xúc với các giọt bắn có chứa Virus được người bệnh phát tán khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc do tiếp xúc với dịch tiết từ các nốt mụn nước khi chúng bị vỡ ra, chất nôn, phân của người bệnh.

"Bệnh tay chân miệng cấp độ 2 vẫn được đánh giá là cấp độ bệnh nhẹ. Bệnh có thể được chữa khỏi tại nhà trong khoảng 7-10 ngày nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu chuyển biến sang cấp độ 2b, trẻ cần được đưa đến bệnh viện khẩn cấp để được hỗ trợ", bác sĩ Tùng khuyến cáo.

Trong một số trường hợp, bệnh tay chân miệng cấp độ 2 gây ra các biến chứng nguy hiểm, liên quan đến hô hấp, tim mạch và thần kinh của trẻ như viêm màng não, viêm nhu mô não, viêm thân não, viêm não, viêm não tủy,… Các biến chứng này có thể gây ra nhiều tổn thương không thể hồi phục, thậm chí gây tử vong ở trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Điều trị tay chân miệng độ 2

Tay chân miệng cấp độ 2 hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị bệnh thường sẽ dựa vào các nguyên tắc: Các phương pháp điều trị hiện có chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng. Thuốc kháng sinh không được sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng, trừ các trường hợp xuất hiện bội nhiễm do vi khuẩn.

Trẻ mắc bệnh cần được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng nhằm phát hiện và xử lý sớm các biến chứng, giảm tối đa tổn thương do bệnh gây ra. Thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ. Nguy cơ xảy ra biến chứng ở trẻ bị tay chân miệng cấp độ 2b cao, do đó, bố mẹ cần chú ý: Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, kê gối cao cho trẻ sao cho đầu cao hơn người 30 độ; hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ; theo dõi chặt chẽ nhiệt độ, huyết áp, mạch đập, tri giác, nhịp thở của trẻ nhằm phát hiện và xử lý sớm các bất thường nếu có.

Theo bác sĩ Duy Tùng, tùy thuộc vào các yếu tố như: tình trạng bệnh của trẻ, độ tuổi, tiền sử bệnh,… bác sĩ sẽ cân nhắc và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Để bảo đảm an toàn và xử lý kịp thời các biến chứng nguy hiểm (nếu có), trẻ bị tay chân miệng độ 2 thường sẽ được yêu cầu điều trị tại bệnh viện.

 

Nguồn tin: Báo nhân dân

BS. Trương Thị Biên tổng hợp

 

CHƯƠNG TRÌNH BỔ SUNG KIẾN THỨC THỰC HÀNH CHUYÊN MÔN, CẬP NHẬT THÔNG TƯ SỐ 20/2021/TT-BYT NGÀY 26/11/2021 CỦA BỘ Y TẾ QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TRONG PHẠM VI KHUÔN VIÊN CƠ SỞ Y TẾ VÀ THỰC HÀNH KỸ THUẬT SỬ DỤNG BƠM TIÊM ĐIỆN

 

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện về công tác đào đạo, bổ sung, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ nhân viên y tế làm công tác chuyên môn. Phòng Điều dưỡng-KSNK tổ chức chương trình đào tạo thực hành và cập nhật Thông tư 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Trên cơ sở đó nhắc lại những kiến thức đã được học và thực hành những vấn đề liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Thông tư số 20/2021/TT-BYT bổ sung, thay thế, cập nhật thêm một số nội dung chưa có ở Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNVMT ngày 31/12/2015.

Tham dự buổi cập nhật có đầy dủ Ban Giám đốc Bệnh viện cùng các thành viên là cán bộ nhân viên y tế các khoa, phòng.

Trong Thông tư gồm 4 chương, 16 điều và 7 phụ lục và Chương 2 là nội dung quan trọng dành cho tất cả cán bộ công nhân viên trong Bệnh viện là PHÂN ĐỊNH, PHÂN LOẠI, THU GOM, LƯU GIỮ, GIẢM THIỂU, TÁI CHẾ, BÀN GIAO CHẤT THẢI Y TẾ.

Các thành viên tham gia đã đưa ra các câu hỏi, các vấn đề để thảo luận được Ban Giám đốc giải đáp đưa ra những phương hướng thực hiện tiếp còn thiếu sau buổi cập nhật này.

Kết thúc chương trình, Ban Giám đốc Bệnh viện yêu cầu các thành viên đều nắm bắt được nội dung của Thông tư, biết cách phân định, phân loại, thu gom rác thải y tế trong khuôn viên Bệnh viện và đã tiến hành cho cho các thành viên tham gia thực hành tại chỗ.

Sau đây là một số hình ảnh tại chương trình cập nhật Thông tư mới:

 

 

 

 

 

Ngày 05/3/2023 Phòng Điều dưỡng & Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng đã tổ chức buổi thực hành công tác chuyên môn: “Hướng dẫn sử dụng bơm tiêm điện cho đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên trong Bệnh viện. Dưới đây là một số hình ảnh của buổi thực hành công tác chuyên môn:

 

 

 

                                                                                          Tin và bài: Hoàng Ngân

Ngày Điều dưỡng: 'Buồn lo nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn tình thương yêu đọng lại'

SKĐS - Dành trọn lòng yêu thương để chăm sóc người tâm thần, nhiều năm qua, điều dưỡng Đặng Thị Hợi luôn xem họ là những “bệnh nhân đặc biệt”.

Không ngại vất vả

Biết nghề y nhiều gian nan nhưng từ khi còn là học sinh, Đặng Thị Hợi đã ấp ủ khát vọng được sát cánh cùng các y, bác sĩ ngày đêm túc trực cứu người.

Chị thổ lộ rằng: Bố tôi là một thương binh. Một số lần đưa ông đến bệnh viện thấy hình ảnh nhiều thầy thuốc phải căng mình cứu chữa bệnh nhân, trong lòng tôi lại trỗi dậy sự khâm phục với những người mặc áo blouse.

Biến khát vọng thành hiện thực, 16 năm trước, sau khi học xong nghề điều dưỡng, trước nhiều cơ sở y tế, điều dưỡng Đặng Thị Hợi đã chọn Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (Biện Hòa, Đồng Nai) để gắn bó với những "bệnh nhân đặc biệt" cho đến nay.

Làm điều dưỡng của “bệnh nhân đặc biệt” - Ảnh 2.

Những ngày dịch COVID-19 căng thẳng của năm 2021, điều dưỡng Đặng Thị Hợi vẫn cận kề chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19

Những ngày đầu đến với bệnh viện, trong lòng điều dưỡng Hợi cũng có chút lo lắng khi nhìn bệnh nhân với nhiều trạng thái khác nhau. Người thì ngồi im, thả đôi mắt vô định. Người thì cười nói luyên thuyên cả ngày. Người thì trầm tư, người thì thẫn thờ, người thì nhìn kiến bò rồi lẩm bẩm một mình…

Nhưng rồi, những lo lắng đã sớm được xua tan đi khi Hợi nhận ra hơn ai hết, những bệnh nhân tâm thần kia là những người cần sự chăm chút của điều dưỡng nhiều nhất.

Điều dưỡng Hợi chia sẻ: "Quan trọng nhất với nghề điều dưỡng của chúng tôi là sự tỉ mỉ và tâm huyết. Ngày cũng như đêm luôn ở trạng thái sẵn sàng "kề cận" trực tiếp với bệnh nhân. Không giống như ở các cơ sở y tế khác, hầu hết bệnh nhân tâm thần ở đây đều không có người thân chăm sóc. Thế nên điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện cả chuyên môn lẫn chuyện miếng ăn, giấc ngủ, phục hồi chức năng cho người bệnh. Có những chi tiết tưởng rất nhỏ như vỗ lưng, dịu dàng động viên người bệnh uống thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh sự điều trị của bác sĩ. Ở đây, các điều dưỡng luôn chăm sóc người bệnh tâm thần như người thân của mình vậy".

Làm điều dưỡng của “bệnh nhân đặc biệt” - Ảnh 3.

Với bệnh nhân tâm thần, điều dưỡng vừa chăm sóc vừa phải quan sát mọi việc làm, hành động của bệnh nhân

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần thông thường khó một thì những bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 khó gấp nhiều lần. Nhớ những ngày cao điểm của dịch COVID-19 hơn một năm trước, điều dưỡng Đặng Thị Hợi cùng các đồng nghiệp của mình đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ kín mít lo vỗ về cho từng bệnh nhân uống thuốc.

"Nhớ năm 2021, để giúp bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 uống thuốc đều đặn chúng tôi phát thuốc xong còn phải đứng bên quan sát kỹ càng để tránh tình trạng bệnh nhân nhả thuốc ra, không chịu uống. Có lúc cả hệ thống lãnh đạo lẫn các thầy thuốc và điều dưỡng trong bệnh viện đều tập trung cao độ để chăm lo cho người bệnh. Mỗi một viên thuốc được bệnh nhân uống đều đặn, mỗi một cử chỉ bình thường của bệnh nhân là cả một chuỗi ngày cần mẫn của y, bác sĩ, điều dưỡng. Khi dịch bệnh được khống chế, các điều dưỡng lại lao vào phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần"-Điều dưỡng Đặng Thị Hợi tâm tình.

Làm điều dưỡng của “bệnh nhân đặc biệt” - Ảnh 4.

Dẫu vất vả nhưng điều dưỡng Đặng Thị Hợi cùng các đồng nghiệp của mình luôn gắn bó với nghề

Với không ít bệnh nhân, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II thực sự như nơi nương tựa lớn nhất với cuộc đời họ. Đó là những bệnh nhân mà có khi cả gần nửa thế kỷ không có người thân thích đến thăm. Nhắc về những hoàn cảnh này, điều dưỡng Đặng Thị Hợi thổ lộ: "Một số bệnh nhân vô gia cư, từ mấy chục năm trước đã được đưa vào đây. Điều dưỡng chúng tôi càng phải chăm kỹ hơn. Tuổi bệnh nhân cao nên khi mắc thêm bệnh nặng khác phải chuyển đi cơ sở y tế đa khoa điều trị. Lúc đó điều dưỡng chúng tôi phải đi theo sát như là đi chăm sóc người nhà của mình vậy. Từ lau mặt, bón ăn, hỗ trợ vệ sinh cá nhân…đều phải làm một cách tận tình nhất".

Hạnh phúc với nghề điều dưỡng đã chọn

Nỗi vất vả luôn hiện hữu hàng ngày nhưng có những điều đi vào tiềm thức, nghĩ suy của điều dưỡng, khơi dậy sức mạnh tinh thần để gắn bó, yêu nghề hơn.

Có bệnh nhân tâm thần lúc lên cơn thì hò hét, không nhớ cả người thân mình. Có bệnh nhân thì cứ như ở "cõi điên". Những khi ấy, điều dưỡng lại phải vỗ về họ, chăm sóc như "chăm con mọn".

Nhìn lại chặng đường 16 năm mình đã đi qua, điều dưỡng Đặng Thị Hợi tâm tình: "Cứ nghĩ quá trình chăm sóc toàn diện cho một bệnh nhân tâm thần từ khi họ lên cơn, hay trầm cảm triền miên đến lúc họ tỉnh táo dần, biết nhận thức là một quá trình vô cùng gian khổ. Công sức của cả bác sĩ lẫn điều dưỡng đổ ra không gì đong đếm được. Có những đợt vật lộn lo vệ sinh, ăn, ngủ cho bệnh nhân xong thì mệt lả người".

Làm điều dưỡng của “bệnh nhân đặc biệt” - Ảnh 5.

Điều dưỡng Đặng Thị Hợi chia sẻ rằng, luôn hạnh phúc với nghề đã chọn

Bao ngày tháng chăm sóc "bệnh nhân đặc biệt" còn mang đến cho điều dưỡng Đặng Thị Hợi nhiều tình huống khiến chị hạnh phúc với nghề mình đã chọn. Đó là khi bệnh nhân từ nặng chuyển thành nhẹ dần, từ thờ ơ với điều dưỡng đến biết nghe lời thầy thuốc dùng thuốc đều đặn và đúng giờ.

Điều dưỡng Hợi thổ lộ rằng: "Những lúc bệnh nhân không hợp tác chúng tôi càng phải lao vào an ủi, chăm họ chu đáo hơn vì chúng tôi luôn nghĩ mọi hành động đều là do căn bệnh của họ mà ra chứ họ cũng không hề muốn như vậy. Khác với môi trường bình thường, ở đây chẳng mấy khi điều dưỡng được nghe lời cảm ơn từ các bệnh nhân tâm thần

Thế nhưng những lúc họ ổn định tâm lý đều gọi chúng tôi là cô, là chú, trong ánh mắt họ như lấp lánh sự cảm kích…thấy thương lắm. Có những ca trực cả đêm chẳng có phút giây nào được giải lao khi nhiều bệnh nhân tâm thần không chịu ngủ yên. Nhưng tình yêu nghề trong lòng tôi chưa bao giờ giảm".

Ngày điều dưỡng Việt Nam năm nay, với điều dưỡng Đặng Thị Hợi nỗi buồn lo nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn tình thương yêu đọng lại, nhân lên đó là tâm niệm mà các điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương II luôn nhắc nhở nhau.

Hà Đạo

MÔ HÌNH TIÊM CHỦNG VẮC-XIN COVID-19 TẠI BỆNH VIỆN THAN – KHOÁNG SẢN - HIỆU QUẢ, NHANH CHÓNG VÀ AN TOÀN

Hiện nay Bệnh viện Than – khoáng sản đã và đang thực hiện quy trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19, tương tự quy trình tiêu chuẩn quốc tế. Quy trình này không cần sử dụng nhiều nhân sự nhưng lại đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng, nên có thể áp dụng được cho các chiến dịch tiêm chủng cộng đồng đông người.

Nhờ tính khoa học, tiết kiệm nhân sự mà vẫn đảm bảo an toàn cho người tiếp nhận tiêm chủng, hiện quy trình cũng đang được áp dụng tại tất cả các buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Than – Khoáng sản.

Theo quy trình, kế hoạch tiêm chủng được sắp xếp theo từng nhóm, vào từng khung thời gian cụ thể để phù hợp với quy định giãn cách, đảm bảo an toàn cho người đến tiêm khi đến bệnh viện.

Các đối tượng tiêm chủng sẽ được hướng dẫn tự sàng lọc trước tiêm, sau đó được điều dưỡng sàng lọc chi tiết thêm một lần nữa để đảm bảo an toàn. Sau đó điều dưỡng sẽ thực hiện đo các chỉ số sinh tồn.

Kế tiếp, người tiêm sẽ đến khu vực chờ. Tại khu vực chờ tiêm, mỗi người sẽ nhận được tài liệu hướng dẫn về loại vắc-xin mình sẽ được tiêm. Tài liệu bao gồm tác dụng, các phản ứng nếu có sau khi tiêm, cũng như các hướng dẫn chăm sóc sau tiêm, qua đó các đối tượng sẽ hiểu rõ thông tin và tự nguyện chấp thuận việc tiêm chủng. Nếu ai có bất kỳ băn khoăn, lo ngại nào, đều có thể thông báo với các nhân viên tại khu vực chờ, để được tư vấn giải thích rõ hơn.

 

 

(Người đến tiêm vắc-xin đều tỏ ra phấn khởi khi được tiêm chủng với quy trình hiện đại, an toàn tại Bệnh viện Than – Khoáng sản )

Tiếp đến, các đối tượng tiêm sẽ được hướng dẫn theo từng nhóm nhỏ để đến khu vực tiêm chủng. Mỗi bàn tiêm sẽ có điều dưỡng phụ trách việc tiêm chủng và cả theo dõi sau tiêm. Các điều dưỡng đều được đào tạo cẩn thận về các bước trong quy trình tiêm chủng an toàn với vắc-xin COVID-19. Bên cạnh đó ngay tại khu vực thực hiện tiêm chủng và chờ sau tiêm, Bệnh viện luôn trang bị đầy đủ các thiết bị cấp cứu cần thiết để xử trí các trường hợp có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

Cuối cùng, các đối tượng vừa tiếp nhận tiêm chủng cần ngồi chờ tại khu vực theo dõi sau tiêm khoảng 30 phút. Nếu không có các phản ứng bất lợi sau tiêm thì mọi người có thể ra về. Sau khi hoàn thành mũi tiêm, các đối tượng tiếp nhận tiêm chủng cũng sẽ nhận một bản chứng nhận đã tiêm chủng. Chứng nhận với đầy đủ các thông tin về loại vắc xin, cũng như ngày tiêm.

Hiện nay với quy trình này, cùng các nhóm hỗ trợ hành chính, Bệnh viện Than – Khoáng sản đã có thể tiêm 1000 mũi mỗi ngày. Bên cạnh việc nhanh chóng, tiện lợi, quy trình cũng được Ban Giám đốc chú trọng việc đảm bảo an toàn cho người tiếp nhận tiêm chủng, hướng tới một mô hình quy chuẩn để đáp ứng cho nhu cầu tiêm chủng rất lớn trong tương lai.

                                                                            Tin bài và ảnh: Bác sỹ Hải Anh

Lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)

 

(Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện Than – Khoáng sản)

Khoa học và thực tế đã chứng minh, một trong những biện pháp vô cùng quan trọng để phòng chống dịch Covid-19 đó là tiêm vắc xin. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang được kiểm soát, vì vậy đã tạo nên tâm lý chủ quan trước dịch bệnh, cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi hoặc đã từng mắc COVID-19 thì nguy cơ nhiễm bệnh không còn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì vắc xin phòng COVID-19 chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định. Sau tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3 khoảng 3 tháng, hiệu quả bảo vệ sẽ giảm mạnh, chỉ còn 50% và tiếp tục giảm theo thời gian. Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới. Do đó người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng lịch để đảm bảo miễn dịch cho bản thân và cộng đồng.

Vì sao cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)?

Giống như nhiều loại vắc xin khác, những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các biến thể và sự giảm dần khả năng bảo vệ sau tiêm vắc xin theo thời gian (đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng nguy cơ). Do đó, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế đã chỉ đạo về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.

Trong thời gian qua, vắc-xin phòng COVID-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người trong việc giảm khả năng bệnh nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa tử vong do COVID-19, đặc biệt ở những người đã tiêm mũi nhắc lại.

Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế thế giới, các nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 là có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỉ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều. Nghiên cứu cuối cùng được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vắc xin tăng lên đối với bệnh nặng. Cụ thể hiệu quả vắc xin tuyệt đối là 82% được đo hơn 84 ngày sau liều thứ ba và 92% đối với người nhận liều thứ 4. Theo các dẫn chứng, hiệu quả bảo vệ của mũi 4 được nghiên cứu làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 (trên 52%), nếu mắc sẽ không có triệu chứng (61%), khỏi nguy cơ nhập viện (72%), nếu có triệu chứng nặng thì sẽ giảm nguy cơ tử vong (76%)…

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ 4. Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế Israel đã phê duyệt tiêm liều thứ tư; ban đầu chỉ dành cho những người ở các cơ sở lão khoa được chăm sóc lâu dài và sau đó được mở rộng cho những người từ 60 tuổi trở lên.

Kết quả, trong số dân Israel nói chung từ 60 tuổi trở lên, khả năng bảo vệ trước bệnh được cấp bởi mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ tư được ước tính là vào khoảng 45 - 50% khả năng chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Mũi tiêm này cũng có hiệu quả từ 62 - 71% đối với nguy cơ COVID-19 nghiêm trọng trong thời gian từ 1 - 4 tuần sau khi tiêm chủng so với tiêm chủng với ba liều bốn tháng hoặc hơn trước đó. Như vậy, mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ tư chắc chắn đã cứu sống người bệnh và giảm nguy cơ nhập viện cấp tính.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.

Bên cạnh việc tiêm chủng định kỳ, đúng lịch thì người dân cũng nên tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đối tượng nào cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4)?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) khuyến nghị tiêm nhắc mũi 4 vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna COVID-19 ít nhất 4 tháng sau lần tiêm nhắc lại đầu tiên (mũi 3) cho các đối tượng gồm người lớn từ 50 tuổi trở lên; Những người từ 12 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch vừa phải hoặc nghiêm trọng.

Theo đó, ngày 9/5/2022, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 2357/BYT-DP chỉ đạo về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) như sau:

- Đối tượng tiêm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.

-Vắc xin sử dụng: Vắc xin mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc xin do Astra Zeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi 3.

- Khoảng cách: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.

- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.

Vắc xin phòng COVID-19 chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Do đó, mỗi người dân hãy tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ y tế.

 

Tổng hợp: Bác sỹ Hải Anh

                                                             Nguồn: Internet.

Trang 1 của 6