Điều dưỡng

I. Thông điệp mới nhất của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19

- Bộ Y tế thông báo sửa đổi thông điệp 5K thành 2K gồm khẩu trang, khử khuẩn.

- Cùng đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch. 

1. Về khẩu trang:

- Bộ Y tế khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

- Bắt buộc đeo khẩu trang đối với:

1.1. Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19;

1.2. Các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021;Và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế.

2. Khử khuẩn:

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập. 

 

3. Đối với "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch.

Cụ thể:

- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

- Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19.

- Sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

- Ý thức người dân: chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu – độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.

- Các biện pháp khác: theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.

II. Trên cơ sở nghiên cứu các thông điệp đã ban hành của Bộ y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bệnh viện Than – Khoáng sản xây dựng thông điệp sử dụng trong nội bộ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là V5K, trong đó:

1. V: Vacine

2. 5K: - Khẩu trang.

     - Khử Khuẩn.

               - Khoảng cách.

               - Khai báo y tế.

               - Khám chữa bệnh khi mắc Covid-19.

                                                                        Tổng hợp: Bác sỹ Hải Anh

                                                                        (Nguồn: Bộ Y tế)

       

           Chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5

Sáng ngày 12/5/2022, Bệnh viện Than - Khoáng sản đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, ôn lại ý nghĩa lịch sử ngành Điều dưỡng, tôn vinh những điều dưỡng viên, kỹ thuật viên ngày đêm thầm lặng, tận tụy với người bệnh, những người không thể thiếu được trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Tham dự buổi Lễ có Đồng chí Trần Quang Lương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, cùng các đồng chí Trưởng, Phó các Khoa, Phòng, Điều dưỡng trưởng, kỹ thuật viên trưởng, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên trong toàn Bệnh viện.

Phát biểu tại buổi Lễ, Đồng chí Trần Quang Lương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đã gửi lời chúc mừng và tặng quà tới toàn thể anh chị em điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ lý trong toàn Bệnh viện. Đồng chí cũng đã ghi nhận và cảm ơn những kết quả đóng góp tích cực của các thế hệ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh cũng như những đóng góp cho sự phát triển của Bệnh viện.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bà Hồ Thị Như Quỳnh thay mặt cho toàn thể đội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên của Bệnh viện trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Ban lãnh đạo cùng toàn thể CBNV của Bệnh viện. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với toàn thể điều dưỡng viên, kỹ thuật viên để tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao và tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên nghiệp.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:

 

(Đồng chí Trần Quang Lương – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi Lễ)

 

(Đồng chí Nguyễn Hoàng Yến – Trưởng Phòng TCHC đọc Quyết định thưởng cho các điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ lý của Bệnh viện)

 

(Đồng chí Trần Quang Lương – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện và đồng chí Đỗ Thị Thoan - Kế toán trưởng tặng hoa và quà chúc mừng)

 

(Đồng chí Hồ Thị Như Quỳnh - Trưởng phòng Điều dưỡng & KSNK phát biểu tại buổi Lễ)

Tin bài: Phòng TCHC

Nữ điều dưỡng: 'Không thực sự yêu nghề đừng chọn ngành y'

Làm việc 10 giờ mỗi ngày với bệnh nhân và người nhà của họ, chị Triệu Thu Thủy nói công việc điều dưỡng khó hơn làm dâu trăm họ. 

5 năm trước, điều dưỡng Thủy vào ca trực đêm của mình ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Sau khi đo huyết áp cho bệnh nhân được vài phút thì chị phát hiện có dấu hiệu bất thường. Người bệnh đang hoàn toàn bình thường bỗng tím tái, khó thở, co giật rồi tim ngừng đập.

Mọi việc diễn ra quá nhanh, điều dưỡng không kịp trở tay. "Chân tôi cứng lại, tay vẫn cầm ống tai nghe đo huyết áp", cô điều dưỡng khi ấy còn rất trẻ, kể về ca trực đáng nhớ nhất của mình. 

"Chưa bao giờ Thủy thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh như vậy". Giây phút đó khiến Thủy ý thức hơn về nghề nghiệp của mình. Cô tự nhủ cần phải nỗ lực hơn để hoàn thành tốt công việc. 

Hiện, Triệu Thu Thủy, 26 tuổi, làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.

Bạch Mai là bệnh viện tuyến đầu ở miền Bắc. Riêng khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận mỗi ngày hơn 200 ca bệnh, trong đó đến 70% là bệnh nặng, nên áp lực của y bác sĩ điều dưỡng ở khoa này luôn rất nặng.

Điều dưỡng Thu Thủy trong một ca trực của mình. Ảnh: Thùy An

Điều dưỡng Triệu Thu Thủy. Ảnh: Thùy An

"Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề y", Thủy nói.

Trước đây, Thu Thủy thi vào đại học sư phạm với ước mơ trở thành cô giáo, nhưng không đỗ. Từ một người không phân biệt được điều dưỡng và y tá khác nhau thế nào, chưa từng đến bệnh viện cũng không hiểu gì nhiều về nghề y, Thủy lại quyết định thi vào trung cấp y.

"Vậy mà đến nay đã là năm thứ 5 theo nghề rồi", cô nói.

Thủy kể, ban đầu khi thi đậu trung cấp y rồi vào viện làm, gia đình ai cũng mừng bảo "có người nhà làm ngành y là yên tâm". Chỉ riêng Thủy âm thầm suy nghĩ về những vất vả, khó khăn đang chờ phía trước. 

"Ở viện nhiều hơn ở nhà". Công việc một điều dưỡng của chị Thủy khoảng 9-10 giờ và chăm sóc hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày. Những ca trực đêm vừa chợp mắt vài phút thì lại vang lên tiếng còi cấp cứu. Theo thói quen, tất cả y bác sĩ điều dưỡng lại đứng dậy rồi tất bật với công việc quên thời gian. 

Buổi trưa,  điều dưỡng thường nghỉ ngơi từ 11h30 trong hai tiếng đồng hồ. Hầu hết mọi người đều mang cơm đến viện rồi cùng ngồi ăn với nhau trong phòng nghỉ. Giờ nghỉ trưa ngắn ngủi nhưng cũng là lúc để mọi người tranh thủ lấy lại tinh thần và năng lượng để tiếp tục công việc của mình.

Chị Thủy đang kiểm tra thuốc để tiêm cho người bệnh. Ảnh: Thùy An

Điều dưỡng Thủy đang kiểm tra thuốc để tiêm cho người bệnh. Ảnh: Thùy An

Khoa hồi sức là khoa chăm sóc toàn diện, nên áp lực công việc của một điều dưỡng cũng nhiều hơn. Buổi sáng, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các điều dưỡng viên sẽ chăm sóc người bệnh từ vệ sinh răng miệng, cho ăn, thay bỉm, hút đờm... Điều dưỡng cũng liên tục theo dõi diễn biến bệnh mà không có sự hỗ trợ của người nhà.

Là người hiểu rõ bệnh nhân nhất, điều dưỡng viên luôn phải tập trung để kịp thời ứng phó, xử trí khi người bệnh có dấu hiệu bất thường. Họ còn phải nắm rõ tên thuốc, liều lượng, tác dụng phụ để tư vấn cho người bệnh và gia đình. 

"Bệnh nhân mỗi người một tính, khi có bệnh lại càng khó chiều", chị Thủy chia sẻ. Điều dưỡng ngoài công việc thường ngày còn là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh và người nhà. Khi gặp ca cấp cứu nặng, điều dưỡng phải trấn an để người nhà bình tĩnh, nhất là vào những ca trực đêm.

Công việc quần quật, thường xuyên phải chịu đựng những bực bội, cáu gắt vô cớ của nhiều bệnh nhân cùng người nhà khiến chị nhiều lúc khóc thầm. 

"Ai cũng mong nhanh đến ngày nghỉ để nghỉ ngơi, còn ở viện càng vào ngày nghỉ thì công việc lại càng bận rộn", Thủy tâm sự. 

Anh Nguyễn Lê Ngọc 23 tuổi, là điều dưỡng nam làm việc tại khoa hồi sức cấp cứu. Nghề điều dưỡng được anh ví là nghề "bán mồ hôi, nở nụ cười", bởi dù công việc áp lực thì người điều dưỡng vẫn phải giữ tinh thần tươi tỉnh để giúp đỡ người bệnh.

Công việc trong khoa nặng nhẹ đều được chia đều, không phân biệt nam nữ. "Nhiều lúc thấy thương những điều dưỡng nữ vô cùng", anh Ngọc tâm sự. 

Ảnh: Giang Huy

Điều dưỡng viên đang hút đờm cho bệnh nhân, 3 giờ hút một lần. Ảnh: Giang Huy

Chồng của chị Thủy cũng là một điều dưỡng. Sáng nào thức dậy, vợ chồng cũng đều bảo ban nhau nỗ lực làm việc. Những lúc vất vả, họ lấy gia đình làm động lực để có thêm nhiệt huyết cống hiến với nghề. 

Khi ở viện, các điều dưỡng viên cũng thường xuyên động viên nhau làm việc. Có nhiều ca trực, mọi người góp gạo thổi cơm chung hay tổ chức những bữa tiệc sinh nhật nhỏ cho nhau. Chị Thủy cho rằng chính tình yêu thương đó giúp cho những người điều dưỡng yêu nghề và bản lĩnh hơn.

"Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn làm một điều dưỡng", Thủy tâm sự. "Nếu không thực sự yêu nghề, xin đừng chọn ngành y".

Thùy An - Giang Huy

Nguồn tin: https://vnexpress.net/nu-dieu-duong-khong-thuc-su-yeu-nghe-dung-chon-nganh-y-3852099.html

iều dưỡng căng thẳng nhất khi 'thấy sự chịu đựng của người bệnh'

Những ngày đầu thực tập, điều dưỡng Mỹ Xuyên bị ám ảnh đến mất ăn, mất ngủ vì hình ảnh bệnh nhân đau đớn khi cắt lọc, người chằng chịt vết thương.

Nữ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải (Cà Mau) từng ý định kết thúc thực tập sẽ chọn làm nội khoa, đỡ nhìn cảnh bệnh nhân đau đớn phẫu thuật, ống thông chọc khắp người. "Đến ngày phỏng vấn xin việc, tôi lại quả quyết thích làm ngoại khoa vì ngưỡng mộ anh chị đồng nghiệp mảng này", chị chia sẻ.

10 năm theo nghề, chị Xuyên vẫn nguyên cảm giác lo lắng khi người bệnh nằm hậu phẫu có diễn biến bất thường. Xót xa trước những đớn đau của người bệnh, thương những lúc bệnh nhân khó chịu vì bệnh tật mà không thể yên giấc, nữ điều dưỡng 31 tuổi không ít lần stress nhưng cũng càng yêu nghề, mong có thể làm nhiều điều giúp bệnh nhân.

Nghiên cứu mới đây trên 926 điều dưỡng hệ thống y khoa Hoàn Mỹ cho thấy điều khiến điều dưỡng căng thẳng nhất là các yếu tố liên quan chăm sóc người bệnh.

Thạc sĩ Phạm Thị Thạch Trúc, chuyên viên huấn luyện điều dưỡng cấp cao Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết khảo sát thực hiện từ tháng 4 đến tháng 10. Đa số các điều dưỡng tuổi từ 21 đến 40, làm việc tại các khoa Hồi sức tích cực, Hậu phẫu, Cấp cứu và một số khoa nội trú.

Tình trạng stress của điều dưỡng khảo sát theo bộ 34 câu hỏi của Pamela Gray Toft và James G. Anderson. "Nhìn thấy sự chịu đựng của người bệnh" khiến điều dưỡng bị stress cao nhất. Một số yếu tố khác gây stress gồm thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật trên người bệnh phải chịu đau đớn, điều dưỡng cảm thấy bất lực khi tình trạng người bệnh không cải thiện, chứng kiến người bệnh tử vong, lắng nghe hoặc nói chuyện với người bệnh về cái chết sắp đến của họ...

Các yếu tố gây quá tải công việc cũng khiến điều dưỡng stress, đặc biệt là quá nhiều công việc giấy tờ và gặp sự cố máy tính khi đang làm việc, không đủ thời gian để hỗ trợ tư vấn tâm lý người bệnh. Một vài điều dưỡng stress do sự phê bình của bác sĩ, của cấp trên, được phân công đến hỗ trợ các khoa khác do thiếu nhân sự.

Các điều dưỡng công tác tại khoa Hồi sức tích cực và Cấp cứu có mức stress cao nhất.

Nữ điều dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ thăm hỏi người bệnh. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Nữ điều dưỡng thăm hỏi người bệnh. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Để ứng phó stress, một số điều dưỡng tìm sự hỗ trợ xã hội, trò chuyện với người có thể đưa ra giải pháp, lập kế hoạch hành động, rút kinh nghiệm trong quá khứ... Diễn tiến xấu của người bệnh có ảnh hưởng lớn đến tâm lý điều dưỡng, do đó cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống cấp cứu xảy ra.

Nhóm nghiên cứu đề xuất các nhà quản lý cần xây dựng chiến lược phòng ngừa và giải pháp ứng phó stress cho đội ngũ điều dưỡng tại bệnh viện. Nhân viên y tế cần được tập huấn về kỹ năng phê bình và lắng nghe về phê bình để không gây căng thẳng trong quá trình làm việc. Cần nâng cao kỹ năng khen thưởng và kỹ năng phản hồi, lập kế hoạch đào tạo nhân sự và luân chuyển điều dưỡng phù hợp với nguồn nhân lực tại bệnh viện.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế và hệ thống bệnh án điện tử có thể giúp giảm bớt công việc giấy tờ, cải thiện khả năng theo dõi tiến trình người bệnh và giảm tổng khối lượng công việc của điều dưỡng.

Stress là phản ứng sinh lý của cơ thể nhằm đáp ứng với thể chất hoặc tâm lý là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người bị stress được xem như không khỏe mạnh, làm việc không có hiệu quả và nguy cơ bị tai nạn cao. Stress sẽ tác động nghiêm trọng đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng và hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ y tế.

Mỹ Xuyên tâm sự, vất vả của điều dưỡng không nằm ở những bất thường về giờ giấc sinh hoạt, "cơm sáng lúc hai giờ chiều và cơm chiều lúc mười giờ tối", trực xuyên đêm, mà chủ yếu là những áp lực với công việc, với người bệnh, với bác sĩ, với mạng xã hội, nạn bạo hành nhân viên y tế...

"Vất vả là vậy nhưng nếu hỏi có hối hận không khi chọn ngành điều dưỡng, câu trả lời là không", chị khẳng định. Nữ điều dưỡng nói chị yêu khoảnh khắc bệnh nhân nở nụ cười sau 72 giờ hậu phẫu sóng gió, thích cảm giác nhìn thấy những vết thương nhiễm trùng tiến triển tốt từng ngày, mến những ánh mắt chào tạm biệt của người bệnh khi xuất viện.

Nghề điều dưỡng bị xem nhẹ

Nguyên thứ trưởng Y tế Phạm Mạnh Hùng cho rằng, nhiều người vẫn nghĩ điều dưỡng là y tá hay "osin cao cấp" của bác sĩ, dẫn đến vị trí và chức năng của ngành điều dưỡng chưa được nhìn nhận.

"Lực lượng điều dưỡng Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng, tỷ lệ điều dưỡng trên nghìn dân hầu như không thay đổi nhiều trong những năm qua", giáo sư Hùng nói tại hội nghị điều dưỡng do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh tổ chức hồi cuối tuần trước.

Theo ông Hùng, nghị quyết năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 2,5 điều dưỡng trên 1.000 dân - tức cần tăng số điều dưỡng hiện nay lên hai lần. Ngoài số lượng ít, vai trò và chức năng của người điều dưỡng chưa được nhiều người hiểu rõ, thậm chí nhầm với vai trò của y tá hoặc phụ việc cho bác sĩ. Tỷ lệ điều dưỡng trên bác sĩ hiện khoảng 1,4 - tức một bác sĩ có khoảng 1,4 điều dưỡng viên, trong khi mức trung bình của nhiều nước trên thế giới là 3-4.

"Nhiều người vẫn hiểu nhầm điều dưỡng là osin cao cấp của bác sĩ", ông Hùng nói. Trên thực tế bác sĩ và điều dưỡng viên có vai trò, chức năng khác nhau. Điều dưỡng là người bảo hộ bệnh nhân, quan tâm đến sức khỏe và phục hồi sức khỏe, chăm sóc toàn diện cả thể xác lẫn tinh thần người bệnh. Còn bác sĩ tập trung vào việc đối phó với bệnh, chẳng hạn chẩn đoán bệnh, chữa trị ra sao, mổ thế nào...

Điều dưỡng cũng có nhiệm vụ đeo ống nghe để khám cho bệnh nhân - công việc chính của bác sĩ, song rất ít người làm việc này. Vì vậy, vai trò của điều dưỡng không được phát huy, mang tâm lý là trợ thủ cho bác sĩ chứ không phải mối quan hệ hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.

"Thực chất người điều dưỡng được ví như trái tim của công tác chăm sóc sức khỏe, nếu không có các điều dưỡng thì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ sụp đổ ngay lập tức", ông Hùng nói.

 

Điều dưỡng điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP HCM, tháng 7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nói rằng Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch vụ điều dưỡng là một trong các trụ cột, xương sống của hệ thống dịch vụ y tế. Tuy nhiên, vai trò của điều dưỡng tại Việt Nam chưa được nhìn nhận đúng và "vẫn là nghề âm thầm trong các nghề âm thầm". Đội ngũ điều dưỡng ít được tham gia vào quá trình hoạch định xây dựng chính sách y tế nói chung và chính sách cho điều dưỡng nói riêng.

Công tác đào tạo nghề điều dưỡng có những giai đoạn chưa được chú trọng. Suốt 20 năm từ 1975 đến 1995, Việt Nam chỉ đào tạo điều dưỡng trình độ trung cấp là cao nhất. Những năm 1990, một loạt điều dưỡng bỏ nghề. Nhiều điều dưỡng giỏi giang, có trí tuệ mong muốn nâng cao trình độ nhưng cánh cửa phát triển chưa được mở rộng.

Gần đây, nghề điều dưỡng được quan tâm hơn, nhiều người được xét chọn thầy thuốc ưu tú, tôn vinh cấp quốc gia... Ngành điều dưỡng được nâng cấp đào tạo lên đại học, thạc sĩ. Từ năm 2019 bắt đầu đào tạo tiến sĩ điều dưỡng, song thầy dạy chủ yếu vẫn là bác sĩ y khoa nên cách tiếp cận chưa hướng tới chăm sóc sức khỏe (ứng xử sức khỏe) mà chủ yếu đối phó với bệnh (ứng xử với bệnh).

Tuy nhiên, ông Mục cho rằng, Việt Nam mới có điều dưỡng đa khoa chứ chưa có chuyên khoa, trong khi thế giới có đến 20 chuyên khoa điều dưỡng. Điều dưỡng viên chưa thực hiện đúng chức năng điều phối trong chăm sóc người bệnh, chưa có tư duy phản biện và độc lập, chủ yếu vẫn phụ thuộc theo chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, từ vai trò trợ thủ cho bác sĩ, người điều dưỡng ngày nay phải đóng vai trò điều phối, tích hợp công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Một bất cập khác là trong bối cảnh các bệnh viện tự chủ kinh tế, nhóm nghề nào tạo được tài chính cho bệnh viện thì nhóm đó giữ vai trò nền tảng. Với cơ cấu viện phí hiện nay, bảo hiểm y tế không chi trả cho các dịch vụ của điều dưỡng. Chẳng hạn, bác sĩ khám bệnh nhân thì được trả tiền, còn điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hôn mê nằm trên giường hàng tuần, hàng tháng, công sức bỏ ra nhiều nhưng không được thể hiện rõ trong bảng giá thanh toán bảo hiểm, khiến thu nhập của điều dưỡng viên thường thấp, bị đánh giá thấp giá trị.

Từ những bất cập trên, các chuyên gia đề xuất ngành y tế cần tăng cường xây dựng ngành điều dưỡng, đảm bảo về số lượng, trước mắt đạt tiêu chí tỷ lệ 3 điều dưỡng/bác sĩ. Theo ông Hùng, ngoài đào tạo đa khoa cần đổi mới đào tạo chuyên khoa, tăng tỷ lệ "giảng viên là điều dưỡng dạy điều dưỡng" thay vì giảng viên là bác sĩ.

"Việt Nam là nước hiếm hoi trên thế giới dùng rất nhiều bác sĩ để dạy nghề điều dưỡng, điều này giống như dùng bộ đội để dạy công an dẫn đến họ có thể bắn súng rất giỏi nhưng kỹ năng điều tra sẽ hạn chế", ông Mục nói.

Lê Phương

Nguồn tin: https://vnexpress.net/nghe-dieu-duong-bi-xem-nhe-4460130.html

Bài tập yoga giảm thân nhiệt, hạ sốt sau khi khỏi Covid-19

Một số kỹ thuật thở trong yoga có thể giúp giảm nhiệt độ cơ thể, hạ sốt, tăng cường miễn dịch, đồng thời giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn sau khi khỏi Covid-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), sốt là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến, bên cạnh các dấu hiệu khác như mệt mỏi, khó thở, ho, đau ngực ,... Mặc dù có thể tự khỏi sau thời gian ngắn, triệu chứng sốt có thể gây mệt mỏi, ảnh hưởng thói quen sinh hoạt, làm việc và làm chậm khả năng hồi phục hậu Covid-19 ở người bệnh.

Theo Hindustan Times, có nhiều kỹ thuật, bài tập hít thở sâu trong yoga có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể, sự khó chịu khi người bệnh bị sốt. Các bài tập này cũng tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm tắc nghẽn ở ngực, mũi, giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn.

Kỹ thuật thở luân phiên bằng mũi (Nadi shodhan pranayama)

Tư thế yoga này giúp cân bằng thân nhiệt và giải độc cơ thể. Nó cũng hỗ trợ cải thiện lưu thông máu và giảm căng thẳng cho cơ thể.

 

 

Cách thực hiện:

- Ngồi ở một vị trí thoải với chân vắt chéo, đặt tay trái lên đầu gối trái, nâng tay phải lên mũi.

- Thở ra hoàn toàn, sử dụng ngón cái của tay phải bịt lỗ mũi phải, hít vào qua lỗ mũi trái.

- Sau đó bịt lỗ mũi trái bằng một ngón tay khác, mở lỗ mũi phải và thở ra.

- Tiếp tục mở lỗ mũi trái và thở ra.

- Thực hiện chu kỳ lặp lại trong khoảng 5 phút.

Kỹ thuật hơi thở làm mát (Shitali pranayama)

Tư thế này giúp làm mát cơ thể và thanh nhiệt dư thừa. Nó cũng kích thích đốt cháy mỡ bụng, tăng cường chức năng tiêu hóa. Ngoài ra, kỹ thuật thở này giúp làm dịu các tình trạng viêm da.

 

 

Cách thực hiện:

- Ngồi ở tư thế thoải mái và nhắm mắt lại.

- Đặt 2 tay lên đầu gối và thả lỏng cơ thể.

- Thè lưỡi về trước, cố gắng gập lưỡi sao cho giống hình dạng cái ống, khép nhẹ miệng.

- Hít sâu vào bằng miệng để không khí đi qua lưỡi làm mát miệng, cổ họng.

- Thu lưỡi về và khép miệng.

- Sau đó, cúi đầu, hướng cằm về phía trước ngực, nín thở theo khả năng của bạn.

- Thả lỏng cổ và thở ra chậm bằng mũi.

- Thực hiện động tác khoảng 10 lần.

Nguồn tin: https://zingnews.vn/bai-tap-yoga-giam-than-nhiet-ha-sot-sau-khi-khoi-covid-19-post1312857.html

Có nên uống thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ?

(Dân trí) - Bệnh nhân F0 chỉ uống thuốc kháng virus nếu được xếp vào nhóm bệnh nhân nặng, có bệnh nền, béo phì... nhưng phải có đơn của bác sĩ.

Mới đây, PGS.TS.Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) Nguyễn Viết Lượng đã có những chia sẻ trực tuyến qua phòng họp zoom cho khoảng 1.000 người về những vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Những người tự theo dõi, điều trị Covid-19 ở nhà cần làm gì?

Tại buổi chia sẻ, PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng đã đưa ra khuyến cáo, những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà phải được cách ly ở phòng riêng biệt, có nhà vệ sinh riêng càng tốt. Phòng cho F0 phải thoáng, không nên dùng điều hòa trong quá trình điều trị. Trong phòng cách ly nếu có máy lọc không khí, thiết bị xông tinh dầu thì càng tốt.

"Lưu ý, quần áo, rác thải của F0 phải để riêng và bọc kín trong túi nilon. Người giúp F0 mang rác thải, mang quần áo đi giặt, phải đeo khẩu trang và găng tay. F0 cách ly, điều trị tại nhà phải vận động nhiều, nếu nằm triền miên quá nhiều thì tình trạng sẽ xấu hơn.

Nếu có viêm phổi do Covid-19 thì bệnh nhân càng nằm nhiều càng không tốt, trừ trường hợp quá mệt. Nhưng mệt thì phải theo dõi, nếu cần thì phải vào viện. Bệnh nhân còn chịu được thì nên dành thời gian vận động trong phòng một cách phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tập thở trong thời gian này", ông Lượng khuyên.

Có nên uống thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ? - 1

Những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà phải được cách ly ở phòng riêng biệt, có nhà vệ sinh riêng càng tốt. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông khuyến cáo thêm, trong thời gian cách ly, điều trị, bệnh nhân F0 cần súc miệng bằng nước muối sinh lý ấm hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhiều lần trong ngày và xịt mũi, họng thường xuyên. Quá trình súc miệng, bệnh nhân đã loại bỏ được nhiều virus ở đường hô hấp trên ra khỏi cơ thể. 

Theo nhận định của các nhà khoa học, ở Việt Nam, Hà Nội và TPHCM tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 chủng Omicron rất cao. Chủng Omicron lây lan rất nhanh, triệu chứng nhẹ, ít nguy hiểm và ít gây viêm phổi hơn so với chủng Delta. Omicron chủ yếu gây viêm đường hô hấp trên như: viêm mũi, họng, nên bệnh nhân thường hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho ra đờm.

"Bệnh nhân phải duy trì uống đủ nước, tốt nhất là nước ấm, bổ sung các loại nước trái cây như: cam, bưởi để tăng Vitamin C, tăng sức đề kháng. Với những người sốt cao thì càng cần uống nhiều nước hơn so với người bình thường, trẻ em cũng vậy. Bởi bệnh nhân càng sốt cao sẽ càng mất nước, nếu không uống nước thì tình trạng sức khỏe sẽ càng xấu đi", ông Lượng nói.

Bên cạnh đó, bữa ăn của bệnh nhân F0 cần được bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều đạm, bởi đạm sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng; bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: Vitamin D3, C;  bổ sung thực phẩm giàu chất xơ để tránh tình trạng táo bón, không tốt cho đường tiêu hóa.

Đối với trẻ nhỏ, tiếp tục cho uống sữa và bú sữa mẹ. Con hoặc mẹ, hoặc cả 2 mắc Covid-19 thì vẫn hoàn toàn duy trì cho con bú sữa mẹ bình thường.

Hàng trăm bệnh nhân F0 không uống thuốc kháng virus vẫn khỏi bệnh sau 7 ngày

Theo PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng, hiện nay cộng đồng mạng vẫn tự "truyền tai" nhau những bài thuốc điều trị Covid-19 và nói "Em từng bị và điều trị theo đơn thuốc đó 7 ngày sau thì khỏi". Nhưng theo ông, mọi người dường như quên mất rằng: "Trong 7 ngày đó người bệnh khỏi, nhưng chưa ai khẳng định khỏi do đơn thuốc trôi nổi trên mạng. Thực tế, có hàng trăm bệnh nhân F0  không uống thuốc vẫn khỏi bệnh sau 7 ngày".

Vậy khi nào bệnh nhân cần uống thuốc kháng virus?  Ông Lượng đưa ra quan điểm, F0 chỉ uống thuốc kháng virus nếu được xếp vào nhóm bệnh nhân nặng; bệnh nhân nặng vừa nhưng có bệnh nền; có tình trạng thừa cân, béo phì. Những trường hợp này phải có đơn của bác sĩ mới được uống thuốc kháng virus. 

"Hiện nay trên mạng bán rất nhiều loại thuốc kháng virus, người dân cứ tự động mua về để dùng thì hoàn toàn không nên. Phần lớn bệnh nhân F0 không phải dùng thuốc kháng virus nếu đã tiêm đủ liều vaccine", ông Lượng nhấn mạnh.

Có nên uống thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ? - 2

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng (trái) trả lời các thắc mắc của những người tham gia cuộc trò chuyện qua phòng họp trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Một điểm lưu ý nữa mà ông Lượng đưa ra, đó là, khi bệnh nhân F0, nhất là trẻ em bị sốt cao và cần hạ sốt khi nào? Theo đó, chỉ thực hiện các biện pháp hạ sốt khi bệnh nhân sốt trên 38,5 độ trở lên.

"Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể, của hệ thống miễn dịch của con người. Tuy nhiên, nếu sốt cao và kéo dài sẽ làm cho bệnh nhân mất nhiều năng lượng, dẫn đến suy kiệt năng lượng. Trẻ em bị sốt cao thường dẫn đến bị co giật do thiếu oxy lên não.

Khi cơn sốt nâng lên, bệnh nhân cảm thấy gai rét, thậm chí rất rét, khiến tâm lý khi trẻ em sốt và kêu lạnh, người lớn lại ủ rất nhiều chăn cho trẻ, thậm chí ôm chặt khiến cơ thể không tỏa nhiệt được, càng làm cho sốt cao. Cảm giác gai rét là cảm giác nhiễm độc của virus, cảm giác rét run là sự chênh lệch giữa nhiệt độ cơ thể bệnh nhân với nhiệt độ bên ngoài", ông Lượng nói thêm.

Do đó, bệnh nhân sốt cao cần được uống thuốc hạ sốt, mặc quần áo thoáng có khả năng thấm mồi hôi; tiến hành xoa nách, chườm trán bằng khăn ấm. Tuyệt đối không chườm đá cho bệnh nhân bị sốt, vì gặp đá lạnh mạch máu sẽ co lại không tỏa nhiệt ra bên ngoài được; khăn ấm sẽ giúp mạch máu giãn ra, tỏa nhiệt nhanh hơn.

Ngoài ra, có thể dùng cồn 70 độ xoa vào một số vị trí của bệnh nhân bị sốt như nách, bẹn, vùng da hở, để khi cồn bốc hơi sẽ kéo theo nhiệt cơ thể ra bên ngoài, làm cơ thể hạ sốt.

"Khi bị sốt bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể dùng các thuốc hạ sốt như Paracetamol, Panadol Extra,... , bổ sung nước điện giải (orezol); trẻ em có thể uống các loại thuốc hạ sốt dạng siro... Hoặc dân gian  hay dùng các bài thuốc hạ sốt như: lá diếp cá, rau má, lá cỏ mực, rửa sạch, xay nát và cho chút đường vào rồi uống, sẽ có tác dụng vừa hạ sốt, vừa an thần, làm dịu thần kinh và tránh được hiện tượng co giật", ông Lượng chia sẻ thêm.

Nguồn tin: https://dantri.com.vn/ban-doc/co-nen-uong-thuoc-khang-virus-khi-khong-co-chi-dinh-cua-bac-si-20220308111858771.htm

Di chứng hậu COVID-19: Ngày càng nhiều người rối loạn lo âu, trầm cảm

(VTC News) - 

 

Ngày càng nhiều F0 sau khỏi bệnh gặp các di chứng hậu COVID-19 về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là các triệu chứng phổ biến như lo âu, mất ngủ, thậm chí trầm cảm.

 

Mắc COVID-19 hồi tháng 10/2021, sau khỏi bệnh nửa tháng, chị N.K.L. (TP Thủ Đức, TP.HCM) bắt đầu xuất hiện triệu chứng hụt hơi khi nói, mỏi mệt khi đi lên cầu thang. Ngoài những biểu hiện trên, chị L. còn thường xuyên có cảm giác lo lắng, lo âu dẫn đến mất ngủ. 

“Mới đầu khỏi COVID-19, tôi thấy không sao, nhưng chừng nửa tháng sau, tôi bắt đầu mệt mỏi khi lên xuống cầu thang, luôn hụt hơi khi nói và đặc biệt là cảm giác luôn lo lắng không yên”, chị L. nói.

 

Bệnh nhân khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. 

Không gặp các triệu chứng về sức khỏe, nhưng chị N.T.N.P. (39 tuổi, quận 7, TP.HCM) lại thường xuyên mất ngủ, buồn phiền khi nghĩ về trận đại dịch vừa qua.

Chị P. cho hay, cả ba mẹ và họ hàng của chị 7 người đã mất vì COVID-19. Đó là nỗi buồn, nỗi đau mà chị khó nguôi ngoai. Bản thân chị cũng mắc COVID-19, sau khi khỏi bệnh, chị gặp vấn đề tâm lý, luôn lo lắng, buồn phiền, mệt mỏi vì mất ngủ và mỗi khi nhắc về người thân chị đều không kìm được nước mắt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công việc, cuộc sống hằng ngày của chị. 

“Giờ cứ nghe nói có F0 quanh nhà là tôi sợ, sợ bản thân bị lây nhiễm lần nữa, sợ phải chứng kiến chuyện buồn, sợ họ chết”, chị P. chia sẻ.

Thực tế cho thấy, không chỉ gặp tình trạng thể chất mà sau mắc COVID-19 nhiều người còn gặp phải vấn đề về tinh thần, tâm lý.

 

Th.S BS Trần Quang Trọng tư vấn tâm lý cho bệnh nhân hậu COVID-19.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM), theo ghi nhận, mỗi ngày khoảng 40 - 50 bệnh nhân đến khám sức khỏe hậu COVID-19.

ThS.BS Trần Quang Trọng, Chuyên viên tâm lý tại Trung tâm Vật lý trị liệu và Tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm của bệnh nhân sau khỏi COVID-19 khám ở bệnh viện ngày càng tăng. Trước đó (thời điểm tháng 9 và 10/2021) chỉ khoảng 10% người bệnh khám hậu COVID-19 bị vấn đề về tâm lý nhưng hiện giờ tỷ lệ này tăng lên khoảng 25%.

Từ tháng 9 đến 11/2021 rất nhiều bệnh nhân khỏi COVID-19 đến khám gặp những cơn lo lắng về sức khỏe, lo về kinh tế, lo lắng về mối quan hệ của mình... Triệu chứng họ thường gặp là rối loạn lo âu dẫn đến mất ngủ, nhà có người thân mất vì COVID-19 nên buồn bã, sợ hãi, thậm chí là trầm cảm. Hoặc những người khi cách ly ở nhà quá lâu cũng dẫn đến lo sợ về sức khỏe, dù về mặt thể chất họ hoàn toàn bình thường.

“Sau khi khỏi COVID-19, rất nhiều người không chỉ gặp vấn đề về sức khỏe mà gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý. Bệnh nhân đã nhiễm thì họ lo âu về sức khỏe của mình, rồi trong thời gian cách ly tập trung, trong cơn “thập tử nhất sinh” họ sinh ra tâm lý lo lắng sợ chết. Nhiều người nhiễm ở mức độ nhẹ thôi, nhưng lại lo thái quá về cách điều trị nhưng không biết phải điều trị tại nhà như thế nào, bất cứ ở đâu có lời khuyên, phương pháp là họ đều tìm để điều trị, nhiều người rối loạn lo âu, trầm cảm là vì thế”, BS Trọng thông tin.

Tuy nhiên, những người hậu COVID-19 gặp vấn đề về tâm lý ít hơn về thể chất, chiếm 10% bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân khi đến khám chữa hậu COVID-19 sẽ được thăm khám sàng lọc sau đó được tư vấn và điều trị về tâm lý trước khi điều trị các di chứng khác. 

“Những bệnh nhân rối loạn lo âu cần được tư vấn để giải tỏa những vấn đề của họ. Bản chất của việc này là gặp sự vật, sự việc nhưng không lý giải được, không hiểu và không nắm bắt được nên sinh ra lo lắng và sợ hãi. Cách giải quyết là cung cấp thông tin, để họ nhận thức vấn đề đó”, BS Trọng nói.

 

Người có nhu cầu khám hậu COVID-19 ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)

ThS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Hô hấp, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 30 bệnh nhân nằm điều trị hậu COVID-19. Rất nhiều bệnh nhân COVID-19 khi mắc bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, tuy nhiên ở giai đoạn hậu COVID-19, triệu chứng lại kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như chất lượng công việc, cuộc sống. Trong đó, vấn đề người bệnh gặp phải nhiều nhất là hô hấp và tâm thần kinh. 

"Có thể nói số lượng bệnh nhân hậu COVID-19 hiện nay rất lớn, gần tương đương với số người nhiễm COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 vừa qua. Triệu chứng nổi bật là về hô hấp như ho, khó thở, giám khả năng gắng sức, mệt nhanh khi làm việc nặng,... Thứ hai các rối loạn về tâm thần kinh, trong đó phổ biến lo âu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, giảm sự tập trung trong công việc, giảm trí nhớ dẫn đến hay quên. Rồi rối loạn lo âu quá mức dẫn đến trầm cảm, nhưng ít gặp hơn", BS Công nói. 

Khi người khỏi COVID-19 có triệu chứng hoặc tâm lý lo lắng về bệnh nên đến khám và điều trị tại các cơ sở uy tín, đặc biệt cơ sở y tế công lập. Ở đó các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị đúng cho người bệnh, thay vì đến các sơ sở tư nhân. Bởi trước nhu cầu khám hậu COVID-19 lớn, có nhiều cơ sở y tế, phòng khám tư nhân "chui" hoạt động không rõ về chất lượng cũng như khó về quản lý. 

"Người bệnh có nhu cầu khám hậu COVID-19 nên chọn những cơ sở y tế công lập hoặc các bệnh viện có uy tín để được tư vấn điều trị sớm. Điều này rất quan trọng, nếu tư vấn điều trị sai sẽ dẫn đến hệ lụy về sức khỏe. Thứ hai, có rất nhiều cơ sở y tế tư nhân chỉ định những xét nghiệm cận lâm sàng tràn lan, lạm dụng xét nghiệm dẫn đến hệ lụy về kinh tế, mất tiền của người bệnh", BS Công khuyến cáo. 

 

Nguồn tin: https://vtc.vn/di-chung-hau-covid-19-ngay-cang-nhieu-nguoi-roi-loan-lo-au-tram-cam-ar663824.html

Trang 2 của 6