Công đoàn

 

Trần Văn Thuấn

GS.TS Trần Văn Thuấn hiện đang là giám đốc bệnh viện U bướu Trung ương (Bệnh viện K).

 

Tại sao lại là tôi?

Anh đã làm việc cả đời, sống tốt với vợ con, bạn bè, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, tại sao trời mang đến cho anh bệnh ung thư?

Đó là câu hỏi một bệnh nhân ung thư đại tràng tái phát di căn gan và phổi dành cho tôi. Anh 60 tuổi, mới nghỉ hưu và thực sự rất sốc. Anh tâm sự với tôi, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi, lo lắng và tuyệt vọng, anh đã đạt được bao nhiêu thành tựu, cư xử đẹp, không làm gì trái với đạo đức, lương tâm, hơn nữa ăn uống lành mạnh, tại sao trời hành hạ mang đến cho anh bệnh quái ác.

Là bác sĩ chuyên khoa ung thư, tôi đã nghe không biết bao nhiêu tâm tư, suy nghĩ như vậy, thậm chí có người cho rằng mình bị trời phạt vì việc sai trái đã từng làm trong quá khứ hay do nghiệp báo từ kiếp trước.Trên thực tế ai cũng có thể mắc ung thư, mọi lứa tuổi, giới tính, sắc tộc và thành phần xã hội. Ung thư xuất hiện ở mọi vùng địa lý từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền biển, hầu như mỗi xóm làng, dòng họ, cơ quan, đơn vị đều thấy có người mắc ung thư.

Nhưng nhìn chung đa phần ung thư xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích lũy để hình thành, phát sinh bệnh. Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng cao hơn ở xã hội phát triển, nơi tuổi thọ người dân tăng cũng như liên quan đến mức độ và lối sống công nghiệp hoá. Vậy những nguyên nhân, yếu tố nào gây bệnh ung thư?

Ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư, gây thương tổn DNA của tế bào không hồi phục. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, thoát ra khỏi sự kiểm soát sinh lý bình thường, mất khả năng biệt hóa, xâm lấn cục bộ phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau. Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như: hút thuốc, uống rượu, nhai trầu thuốc, ít vận động, lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh, nhiễm trùng ví dụ: nhiễm vi-rút HPV gây ung thư cổ tử cung do sinh hoạt tình dục không an toàn, lây nhiễm vi-rút viêm gan B gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan do không tiêm phòng vắc-xin...

Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là tuổi, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh. Càng nhiều tuổi, sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật càng giảm, thời gian tiếp xúc, tích lũy các yếu tố nguy cơ càng nhiều, ung thư càng dễ phát sinh. Rất may chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các yếu tố này, những nguyên nhân mà có thể nói nhân định không thắng được thiên, không dự phòng được.

Mặc dù khoa học đã xác định được các tác nhân, yếu tố nguy cơ gây ung thư nhưng trên thực tế hầu hết từng trường hợp cụ thể, bác sĩ khó đưa ra chẩn đoán nguyên nhân vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong toàn bộ đời sống. Hơn nữa, một tác nhân có thể gây ra nhiều loại ung thư và một loại ung thư có thể do nhiều yếu tố gây ra.

Chính vì các bác sĩ không phải lúc nào cũng có thể tìm ra nguyên nhân mắc ung thư chắc chắn, nên nhiều người tự đưa ra những lời giải thích riêng cho mình theo cách tâm linh để trả lời câu hỏi mình đã làm gì để dẫn đến mắc bệnh ung thư. Cùng với định kiến sai lầm mắc bệnh ung thư có nghĩa mang bản án tử hình dẫn đến hệ luỵ là bi quan quá mức, từ bỏ điều trị chính thống, tìm đến các phương pháp mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, dẫn tới tiền mất mà bệnh nặng thêm.

Mặc dù một số cơ chế bệnh sinh học ung thư còn chưa được làm sáng tỏ, căn bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn cần được khám phá, nhiều phương thức điều trị mới cần được nghiên cứu để chữa trị. Tuy nhiên có thể khẳng định ung thư là bệnh phần nhiều có thể phòng tránh được và các tiến bộ y học ngày nay cũng đã giúp chữa khỏi hoặc có thể kéo dài sống thêm đáng kể tuỳ loại ung thư và giai đoạn.

Nếu loại bỏ, tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, có thể phòng được ít nhất 2/3 bệnh ung thư. Nhiều bệnh ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh hơn 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng...

Câu hỏi "Tại sao lại là tôi?" hay ngược lại "Tại sao không phải tôi?" tôi nghĩ khoa học dù có tiến bộ như thế nào cũng chỉ có thể tiếp cận gần nhất chứ không đạt đến một câu trả lời tuyệt đối. Đây cũng là câu hỏi mang nhiều ý nghĩa triết lý, dù có cố gắng đến mấy một con người mà cuộc sống chỉ toàn niềm vui, hạnh phúc, thành công là không thể có.

Chúng ta đa phần như vậy, xen lẫn với thăng hoa của hạnh phúc, niềm vui, hy vọng bao giờ cũng có những sự cố, thậm chí một bi kịch, một tai nạn, một vực sâu của đau khổ, thất vọng mà không cách nào tránh hay lý giải được. Điều quan trọng chúng ta có thể làm là ứng phó, xử trí để thay đổi, cải thiện các biến động xấu, vượt qua khó khăn, thử thách.

Chính những chuỗi thăng trầm không ngừng này mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống cũng như hành trình truy tầm kiến thức trong khoa học khơi gợi niềm đam mê khám phá, mơ ước chinh phục bất tận.

Trần Văn Thuấn

Nguồn tin: vnexpress.net

KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN

CÁC ĐƠN VỊ NGÀNH THAN ĐÓNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Trong thời gian tháng 7 năm 2019, Bệnh viện Than- Khoáng sản đã thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho hơn 2000 CBCNV là nhân viên của các đơn vị trong ngành Than - Khoáng sản đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, Bệnh viện Than – Khoáng sản đã triển khai nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho CBCNV trong ngành tới khám sức khỏe tại bệnh viện như máy siêu âm, máy điện tim, hệ thống xét nghiệm sinh hóa, huyết học hiện đại, đặc biệt là đã xét nghiệm các maker phát hiện ung thư sớm: Ung thư gan ( AFP); ung thư đường tiêu hóa ( CEA); ung thư tuyến tiền liệt (PSA); ung thư vú (CA 12 – 5 ) .v.v..

Rất nhiều đơn vị đã khám sức khỏe trong thời gian này như: Công ty than Khánh Hòa; Công ty xi măng Quán Triều; Chi nhánh than Núi Hồng – VVMI; Công ty xi măng La Hiên .v.v..

Tổng số khám được trên 2800 lượt người .

Hầu hết CBCNV đi khám được xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu nhằm sàng lọc và phát hiện sớm bệnh nội tiết, chuyển hóa như bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng men gan.v.v.. Làm các thăm dò như Siêu âm; Điện tâm đồ; Đo mật độ xương; Đo lưu huyết não; Đo chức năng hô hấp; chụp Xquang.v.v..

CBCNV được phát hiện bệnh sớm, tư vấn sức khỏe, điều trị.

Những bệnh nhân mắc bệnh nặng sẽ được tư vấn điều trị tại chỗ hoặc chuyển tuyến trên điều trị kịp thời.

Một số hình ảnh khám sức khỏe:

 

                                                                                         

                                                                                                       Bài và ảnh: Bác sỹ Hải Anh

Thấy chết không cứu

Tháng 6 năm 1985, sau một phiên chợ bán ế những đồ gia đình tự đan lát, tôi đạp xe chở hàng đi vào một ngôi làng cách nhà cả chục kilomet để bán rong. Chiếc xe đạp không phanh, khi xuống một con dốc cao tôi đạp chân vào bánh trước để giảm tốc độ. Đến cuối con dốc là một ngã tư, đột nhiên có chiếc xe tải lao ngang qua, tôi chỉ kịp ngoặt phải và lao xuống bụi rậm đầy gạch đá.

Một tiếng nổ lớn từ chiếc lốp trước, do săm quá cũ bị "chửa" phải buộc dây chun chằng chịt, ngực tôi đập mạnh vào tay lái, mắt hoa lên và tôi chẳng còn nhận ra điều gì. Tỉnh dậy, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, cẳng tay trái bị cong vẹo và đau tê tái vì gãy xương, tôi cảm thấy có một dòng chất lỏng ấm áp và mằn mặn chảy xuống khuôn mặt. Giơ tay phải lên lau, thấy máu, tôi phát hiện có một vết rách trên vùng trán bên phải. Trong cơn hoảng loạn, tôi cầu cứu những người đi đường, nhưng không ai dừng lại để giơ một bàn tay ra giúp tôi, khiến tôi rơi vào tuyệt vọng kinh khủng.

Thời gian bò qua từng giây, từng phút, chiếc áo tôi cởi ra thấm ướt đợi máu cầm. Và tôi tự vật lộn với tay trái bị gãy, vật lộn với chiếc xe không phanh, không chuông, không gác đờ bu, ghi đông đã bị bẻ cong và nổ lốp. Cuối cùng, tôi cũng dắt được chiếc xe ra đến đường quốc lộ, măng xông lại đoạn săm nổ, lót chằng thêm chiếc lốp và đạp xe bằng một tay còn lại về đến nhà.

Đó là câu chuyện của tôi gần 35 năm về trước. Hôm nay, tôi vẫn thường nhìn thấy và nghe thấy, có những người không may bị nạn và không ai giúp đỡ. Mặc dù xã hội đã thay đổi, nhưng hiện tượng không ai giúp đỡ hay giải cứu người bị nạn vẫn đang xảy ra.

Mấy ngày qua, tôi đã dành thời gian xem đi xem lại đoạn clip dài 11 phút, ghi lại hình ảnh vụ tai nạn xảy ra rạng sáng ngày 25 tháng 6, đôi nam nữ chạy xe máy trên đường Tân Hương (TP. HCM) va chạm với taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái.

Đôi nam nữ bị văng lên vỉa hè sau cú tông rất mạnh. Tài xế taxi có dừng lại xuống xem nạn nhân khoảng 13 giây rồi bỏ đi. Theo tôi, người lái xe taxi đã có hành vi không giữ nguyên hiện trường, không tổ chức cứu chữa nạn nhân và chạy trốn. Ngay cả khi taxi không có lỗi thì tài xế vẫn có thể phải đối mặt với nhiều cáo buộc pháp lý.

Nhưng điều làm tôi cảm thấy sốc hơn, là không ai có hành động cứu giúp nạn nhân trong 11 phút đầu tiên của đoạn clip, trong khi tôi đếm được 42 xe máy, 7 ô tô và 1 xe đạp đi ngang qua, thêm 7 lượt người đi bộ mà tôi đoán là dân gần đó.

Trừ lái xe taxi, ít nhất có 58 người nhìn thấy nạn nhân, nhưng chỉ duy nhất một người đi xe máy dừng lại gọi điện và thảo luận với nhóm người đi bộ. Con số 1 trong 58 người dừng lại đã khiến tôi sốc, bởi tôi không thể nghĩ có tới 98% số người nhìn thấy nạn nhân, thậm chí cô gái vẫn còn cử động tay chân và nam thanh niên vẫn ngóc đầu dậy cầu cứu và cố loạng choạng bước ra giữa đường, nhưng người tham gia giao thông vẫn vượt qua vụ tai nạn và đi thẳng.

Đoạn clip làm tôi nhớ lại một vụ tai nạn khác, xảy ra sáng ngày 29 tháng 2 năm 2016, một xe Carmry đâm trúng 3 người trên phố Ái Mộ (Hà Nội). Thời điểm đó, có hàng trăm người đi bộ, khoảng 8 chiếc ô tô và 500 chiếc xe máy, tất cả chạy vòng qua. Đó là những người đầu tiên chứng kiến sự việc, nhưng họ không hề cúi xuống nhìn các nạn nhân, chẳng ai mất 1 hoặc 2 cái liếc mắt thoáng qua nơi em bé 6 tuổi đang thoi thóp trên đường.

Gần 20 phút quý báu trôi qua mà không ai đưa ra quyết định phải làm điều gì. Phát hiện em bé vẫn còn thở, một cô giáo đã bế em ra giữa đường để ngăn những chiếc xe taxi, nhưng tài xế đều bỏ chạy. Cô giáo chặn tiếp một chiếc ô tô, người đàn ông đã cố tình lái xe lách qua. Một số người tò mò rút điện thoại ra chụp hình và quay video. Mất thêm 20 phút nữa thì xe cứu thương 115 xuất hiện và em bé chết trên đường đến viện.

Cái chết của cô gái trẻ 24 tuổi và cái chết của em bé 6 tuổi, liệu những người đi đường đã bước qua nạn nhân hôm đó, có ai cảm thất hối hận và đau xót? Tôi đồng ý rằng sẽ có những người sợ hãi máu me và tai nạn, họ không đủ can đảm nhìn nạn nhân, chứ nói gì đến việc dừng lại cứu giúp. Nhưng chắc chắn không ít người trong số đó, họ đủ mạnh mẽ nhưng trái tim họ tuột dốc, nhìn thấy cái chết mà không cứu, họ trở thành những khán giả thờ ơ.

Khi một vụ tai nạn xảy ra ở chỗ đông người, sẽ thu hút rất nhiều người hiếu kì đến xem, rồi quay phim chụp ảnh để đăng tải lên mạng xã hội. Ở góc độ tâm lí học, sự tò mò và quay video chỉ là hiện tượng tâm lí không có gì mới, đặc biệt là hành động quay clip còn gọi là "gaffer phenomenon" đang rất phổ biến bởi những chiếc điện thoại thông minh.

Sự thờ ơ đó là một thái cực đau buồn của việc nhìn thấy người bị nạn. Nhưng sau 20 năm làm bác sĩ, tôi còn nhìn thấy một thái cực khác: sự nhiệt tình không cần thiết. Điều tôi lo ngại nhất, là trong đám đông có những người nhiệt tình cứu giúp nạn nhân nhưng không có kĩ năng, kéo theo hiệu ứng tâm lí đám đông hùa theo, nghĩa là nhiều người cùng hùa vào cứu giúp nạn nhân không đúng cách.

Nghề nghiệp dậy tôi rằng, sẽ rất sai lầm khi cho rằng việc cứu người chỉ bằng trái tim và tâm hồn, bởi cứu người mà không có kĩ năng có thể sẽ giết chết nạn nhân. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều nạn nhân tử vong vì gãy xương đùi không được cố định, vết thương mạch máu không được băng ép hoặc ga rô đúng cách, chèn ép đường thở không được khai thông, chấn thương cột sống không được cố định đúng.

Sơ cứu bước đầu và cách thức vận chuyển nạn nhân, đó là những việc làm tối quan trọng, quyết định sự sống còn của hầu hết các trường hợp chấn thương nặng. Tôi cho rằng, những người không có kĩ năng, thì việc làm đầu tiên là gọi điện cho đầu số cứu nạn khẩn cấp 112 hoặc đầu số cấp cứu vận chuyển 115, để nhận sự hướng dẫn trợ giúp; chỉ tham gia cấp cứu khi bản thân có sự hiểu biết đảm bảo an toàn cho nạn nhân.

Một tình huống khác, khi bối cảnh tai nạn diễn ra ở thời điểm và nơi vắng vẻ, thì tâm lý những người tham gia giao thông sẽ không dừng lại, bởi câu nói "làm ơn mắc oán". Bản thân tôi và các đồng nghiệp, không ít lần đang dồn tâm lực trong căn phòng cấp cứu để hồi sinh sự sống nạn nhân chấn thương, nhưng người có liên quan đến nạn nhân thì vây bên ngoài đe dọa và thậm chí hành hung vô cớ.

Cứu người giữa đêm khuya hay nơi thanh vắng cũng vậy, chẳng ai có thể đảm bảo nạn nhân và người thân của họ là không đổ vạ, chưa kể những vụ giả tai nạn để trấn lột, hay tệ nạn cướp bóc còn hoành hành. Cuộc sống không phải lúc nào các quy chuẩn đạo đức cũng cao hơn pháp luật, vì thế mà ở nhiều nước, có nguyên tắc chỉ thực hiện cứu người khi bản thân mình được đảm bảo an toàn. Tôi thông cảm với 57 người đi đường trong vụ tai nạn, họ có thể đi thẳng qua nạn nhân. Nhưng tôi không thể thông cảm khi họ không gọi báo cho các đầu số khẩn cấp 112, 113 và 115.

Để hạn chế hiện tượng nhìn thấy chết không cứu theo tôi cần thực hiện hai điều: thứ nhất là giáo dục kĩ năng sơ cứu một cách cẩn thận từ khi ngồi trên ghế nhà trường; thứ hai là học theo các nước như Nga, Đức hoặc Pháp, đưa nội dung "thấy chết không cứu" vào bộ luật hình sự.

Lương tâm chỉ được khơi dậy nhờ sự hiểu biết và dựa trên cơ sở pháp luật.

Trần Văn Phúc

Nguồn tin: vnexpress.net

Từ năm 2019, sẽ có một số thay đổi quan trọng liên quan đến thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) mà người dân cần biết như: Không in mới, không đổi thẻ BHYT; cấp lại thẻ BHYT chỉ trong 24 giờ...

 

 

(Từ năm 2019, sẽ có một số thay đổi quan trọng liên quan đến thẻ Bảo hiểm y tế

Ảnh: minh họa. )

Từ năm 2019 không in mới, không đổi thẻ BHYT

Theo BHXH Việt Nam, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia trong năm 2017, 2018 vẫn tiếp tục được sử dụng mà không in, đổi thẻ đồng loạt cho các chủ thẻ nếu không có thay đổi mới về mã quyền lợi hoặc đơn vi sử dụng lao động.

BHXH Việt Nam cho biết, với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thẻ BHYT, từ năm 2019, hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu người tham gia, không cần đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây.

Ngoài ra, trên thẻ mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày nào, bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày nào. Vì vậy, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải đổi lại hàng năm. Việc cấp thẻ BHYT chỉ thực hiện với các trường hợp như: Mất, hỏng, có thay đổi thông tin quản lý in trên thẻ (Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, loại đối tượng, mã hưởng, thay đổi nơi khám chữa bệnh, thời gian đủ 5 năm liên tục).

Thực tế, từ ngày 1/8/2017, thẻ BHYT mới không ghi thời hạn sử dụng (từ ngày... đến ngày...) như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày...

Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng... hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Tổng đài theo số 1900 96.96.68 để được giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp.

Cấp lại thẻ BHYT trong 24 giờ

Theo BHXH Việt Nam, từ ngày 1/1/2019, thời gian giải quyết cấp thẻ BHYT sẽ được thực hiện trong ngày (24 giờ). Cũng theo lộ trình trên, trường hợp thay đổi thông tin sổ BHXH, thẻ BHYT sẽ được BHXH Việt Nam xử lý không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, việc thực hiện trong ngày. Việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện tại cơ quan BHXH quản lý thu và cấp thẻ BHYT trước đó.

Lộ trình đổi thẻ BHYT trong ngày từ 1/1/2019 được hiểu là trong những trường hợp chủ thẻ làm rách nát, mất thẻ BHYT hiện có. Khi đó, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc cấp lại ngay trong ngày nếu thông tin trong thẻ BHYT đó không có gì thay đổi.

Hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục.

Được biết, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.

Cũng từ năm 2019, thời hạn giải quyết cấp thẻ BHYT sẽ rút từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Khi cấp lại, đổi thẻ BHYT, nếu không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Hà Nội hướng dẫn gia hạn thẻ BHYT năm 2019

Ngày 27/11/2018, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã ban hành Công văn 5147/BHXH-QLT về việc phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung về thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) và cấp thẻ BHYT.

Theo đó, việc gia hạn thẻ BHYT năm 2019 được hướng dẫn như sau:

Đơn vị hướng dẫn người tham gia BHYT rà soát thông tin ghi trên thẻ BHYT, nếu có sai sót, đề nghị cơ quan BHXH cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia. Cơ quan BHXH chủ động thực hiện gia hạn thẻ BHYT năm 2019 trên cơ sở dữ liệu quản lý, không thực hiện in lại thẻ BHYT. Chỉ cấp lại thẻ BHYT đối với trường hợp có thay đổi thông tin ghi trên thẻ BHYT, mất, hỏng, rách hoặc khi có đề nghị từ đơn vị.

                                                                                              Tổng hợp tin bài: Bác sỹ Hải Anh

                                                                                               Nguồn : Internet

Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. Theo đó, hơn 80 triệu chủ thẻ BHYT trong cả nước sẽ được tiếp cận với nhiều chính sách mới về khám chữa bệnh, đối tượng tham gia, mức đóng và hỗ trợ mua thẻ BHYT…

 

( Ảnh minh họa )

Theo Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), từ ngày 1/12/2018, nhiều chính sách theo hướng có lợi cho người tham gia thẻ BHYT được quy định trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực.

Về đối tượng tham gia BHYT

Nghị định 146/2018/NĐ-CP bổ sung đối tượng tham gia BHYT, gồm:

Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc HGĐ có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

Nhóm tham gia BHYT theo diện hộ gia đình, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, không phải đối tượng thuộc các nhóm 1,2,3,4 trong Luật BHYT quy định.

Bổ sung nhóm do Người sử dụng lao động đóng, gồm: Thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng, công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đang phục vụ trong quân đội, công an và cơ yếu.

Điều chỉnh nhóm đối tượng

Nghi định quy định, người từ đủ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sẽ được chuyển từ nhóm do BHXH đóng sang nhóm do ngân sách Nhà nước đóng theo quy định của Luật BHXH.

Theo đó, đối tượng người nghèo được tách thành 2 nhóm: Người nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người nghèo đa chiều thiếu hụt về BHYT (nhóm 3); Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thiếu hụt BHYT (nhóm 4).

Về mức đóng BHYT, phương thức đóng BHYT

Đối với hộ gia đình, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chỉ được giảm trừ mức đóng BHYT khi các thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Đối tượng đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng sẽ không áp dụng giảm trừ mức đóng.

Trường hợp đối tượng thuộc nhóm 6 (mới phát sinh), đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo thứ tự sau: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan BHXH đóng, do ngân sách Nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng.

Đối với đối tượng nhóm 4 và nhóm 5 tham gia BHYT vào các ngày trong tháng: số tiền đóng BHYT được xác định kể từ ngày người tham gia BHYT đóng tiền (không phải từ đầu tháng đóng).

Điều chỉnh mức hưởng BHYT

Đối với người tham gia kháng chiến nhưng không thuộc 2 nhóm người có công với cách mạng và cựu chiến binh (Theo quy định của Pháp lệnh người có công với cách mạng): Điều chỉnh từ 100% xuống 80% theo đúng quy định của Luật BHYT.

Đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: mức hưởng 100%, có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật thành 100%, không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán.

Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: tăng từ 80% lên 100% để đảm bảo công bằng với các đối tượng bảo trợ xã hội trên 80 tuổi khác.

Một số trường hợp đặc biệt được tính là tham gia BHYT liên tục

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, các trường hợp đặc biệt như trên, gồm:

- Gián đoạn tối đa không quá 03 tháng

- Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mà trước đó đã tham gia BHYT.

- Người lao động đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh

- Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm thì thời gian đã tham gia BHYT trước đó được tính là thời gian tham gia BHYT

- Đối tượng công an, quân đội, cơ yếu khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong công an, quân đội, cơ yếu chưa tham gia BHYT thì thời gian trước đó được tính là thời gian tham gia BHYT.

Các trường hợp không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT:

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng;

Trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng sinh trước ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi;

Trẻ em đủ 72 tháng tuổi sinh sau ngày 30/9 nhưng vào các ngày trong tháng thì thẻ được cấp đến hết tháng sinh.

Mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước:

Người cận nghèo đang sinh sống tại huyện nghèo: hỗ trợ 100%

Người nghèo đa chiều thiếu hụt BHYT: hỗ trợ 70%

Học sinh sinh viên, người thuộc hộ gia đình NLNDN có mức sống trung bình: Hỗ trợ 30%.

                                                                                                                   Tổng hợp : Bác sỹ Hải Anh

Nguồn tin: Internet